Hãy nói ra, đừng ngại ngần...

Không ít người trẻ cho biết rất thương yêu bố mẹ nhưng lại không dám bày tỏ tình cảm trực tiếp, phải 'lén lút' tìm những cách để nói lời yêu thương gián tiếp.

Hãy bày tỏ tình cảm chân thành trực tiếp với đấng sinh thành - Ảnh: Hiển Vinh

Nguyễn Tiến Minh, học sinh (HS) Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM), cho biết người mà em thương yêu nhất cuộc đời chính là bố mẹ của mình. Nhiều lần nhìn mẹ về đến nhà thở dốc sau một ngày quần quật ngoài chợ, hay nhìn cảnh bố phải đứng dưới cái nắng chói chang hay hứng chịu những cơn mưa lớn để tìm khách đón xe ôm, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống của gia đình... em càng thương yêu bố mẹ.

Thế nhưng có điều lạ là kể từ khi nhận thức, thấu hiểu được nỗi cực khổ của mẹ, và dành nhiều tình cảm cho bậc sinh thành, thì chưa một lần Minh thốt ra trực tiếp những lời như: "Con thương mẹ lắm", "Con yêu bố lắm".

"Em thấy ngại khi nói ra những lời đó, nên có thói quen có thương có yêu thì vẫn giữ trong lòng", Minh tâm sự. Nhưng bố mẹ chứ có phải người xa lạ, công dưỡng dục 17 năm trời, nuôi nấng khôn lớn sao lại ngại? Minh chỉ lắc đầu: "Không biết".

Thực tế cho thấy, đây là câu chuyện chung của nhiều bạn trẻ hiện nay, họ cảm thấy e dè, không dám bày tỏ tình cảm trực tiếp với bố mẹ. Trên Facebook có cả "Hội những người yêu mẹ cha mà không nói nên lời" với hơn 10.000 thành viên. Có những người, như Trần Tuấn Khanh, đang là nhân viên Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN, chi nhánh Q.3 (TP.HCM), từng thú thật: "24 năm nay, chưa dám nói lời yêu thương với bố mẹ, dù rằng vẫn hiểu là bố mẹ đã hy sinh rất nhiều để cho mình được ăn học đến nơi đến chốn, có công việc ổn định như ngày nay", Khanh kể.

Tại sao không thử một lần dũng cảm, ôm chầm lấy bố mẹ và thủ thỉ về tình cảm của mình? Khanh bảo: "Ngày còn đi học, khi đó còn ngại ngùng chẳng dám nói, giờ lớn hơn rồi, thấy... sến lắm".

Cũng có nhiều nguyên nhân khác khiến tình trạng này ngày càng phổ biến hơn. Bên cạnh việc sợ ngại, sợ xấu hổ hay sợ sến, thì có những người trẻ, vì không được sự quan tâm đúng mức của bố mẹ, thường bị la mắng, có khi bị đánh đập... để rồi tạo nên những vết xước trong tâm hồn, những khoảng cách tình cảm con và bố mẹ ngày càng lớn hơn không thể kéo lại gần được. Những câu "con yêu mẹ", "con thương bố", từ đó cũng không có cơ hội để nói ra.

Một khảo sát nhỏ với khoảng chục người trẻ, đang là học sinh, sinh viên tại TP.HCM, hầu hết đều thừa nhận đang rơi vào tình cảnh: "thương bố mẹ rất nhiều mà không dám nói", "thương bố mẹ rất nhiều mà giấu kín trong lòng"...

Thạc sĩ tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM), kể đã từng gặp nhiều trường hợp như vậy. Hỏi có thương bố mẹ không, trả lời có, nhưng hỏi có bao giờ nói ra trực tiếp để bố mẹ nghe không thì nhiều em lắc đầu, thừa nhận "chưa một lần nào".

Theo bà Hằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến "bi kịch" này. Như nhiều phụ huynh mải mê công việc, ít chăm sóc và quan tâm, trò chuyện với con, để rồi mối quan hệ lạnh nhạt dần đi, nên con có muốn cũng không dám nói. Nếu bố mẹ thân thiết, biết làm bạn với con thì con sẽ cởi mở hơn, và có thể những câu nói đầy tình cảm, đầy sự yêu thương từ con sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, không ít phụ huynh cũng quên nói lời yêu thương con. "Biết đâu khi người lớn nói ra những lời ngọt ngào ấy họ sẽ nhận về cả trời yêu thương", bà Hằng nói.

Bà Hằng cũng cho rằng thật ra để nói lời yêu thương với đấng sinh thành không khó như nhiều người trẻ nghĩ. Đừng ngần ngại, hãy nói ra, chứ cứ giữ mãi trong lòng càng làm lòng buồn bực, khiến bố mẹ nghĩ ngợi "không biết nó có thương mình không", "nó lớn rồi mà chẳng biết nghĩ gì cả, mình lo lắng cả đời cho nó mà nó chẳng thương mình"...

"Cứ ngại ngùng, cứ sợ xấu hổ hay sợ sến mà không nói ra thì chẳng bao giờ dám nói cả. Hãy mạnh dạn một lần bày tỏ tình cảm trực tiếp. Sau lần đó, bạn sẽ biết yêu thương bố mẹ nhiều hơn, sẽ dành nhiều tình cảm cho họ hơn. Hơn hết, khi được nghe con cái nói yêu thương mình trực tiếp như vậy, bố mẹ chắc chắn sẽ vô cùng hạnh phúc", bà Hằng nói.

Thanh Nam

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/hay-noi-ra-dung-ngai-ngan-1015366.html