Hãy tìm cách làm hài hòa tất cả

Độc giả giấu tên thân mến! Cảm ơn bạn đã gửi gắm lòng tin ở tôi. Thư của bạn, tôi đã cho đăng trên KTGĐ số 44 (ra ngày 1/11/2018). Hôm nay, tôi xin có vài lời hồi âm đến bạn.

Trước hết, tôi mừng cho bạn đã có được một người vợ sắp cưới “trên cả tuyệt vời”. Là thiếu nữ, có nhan sắc, sống ở nước ngoài nhiều năm, tiếp xúc với thế giới văn minh, hiện đại, nhưng vẫn giữ được nề nếp của con gái Hà thành xưa: Nết na, mực thước, giữ gìn trinh tiết và phẩm hạnh như của báu ngàn vàng, chứ không buông thả như rất nhiều cô gái khác. Hai bạn đều là người có học vấn rất cao, có công việc ổn định, có thu nhập tốt. Bạn lại đã có nhà riêng. Đó là mơ ước của rất nhiều đôi vợ chồng trẻ hiện nay, mà giấc mơ của họ phải hàng chục năm sau mới biến thành hiện thực. Cuộc hôn nhân của hai bạn lại rất “môn đăng hộ đối”. Con gái của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, quê gốc ở đất “ngàn năm văn vật” kết hôn với con trai của một nguyên chủ tịch tỉnh, còn gì xứng đáng hơn.

Rắc rối của vợ chồng bạn chỉ là vấn đề chỗ ở sau kết hôn. Trước hết, nói về bố mẹ vợ của bạn. Hai ông bà hiện đang sống trong ngôi nhà làm trên đất hương hỏa, truyền đến ông bà là đời thứ bảy. Thế thì mảnh đất đó đã trở nên vô cùng thiêng liêng đối với ông bà. Không chỉ riêng ông bà, mà bất cứ ai ở hoàn cảnh ông bà cũng đều cảm thấy sự gắn bó thiêng liêng, máu thịt ấy. Và bất cứ ai cũng cảm thấy đau lòng mỗi khi nghĩ đến sau này, mảnh đất ấy sẽ sang tay người khác. Giả sử vợ bạn có một người anh, một người chị hay một người em thì không sao. Nhưng vợ bạn lại là con một, sống với bố mẹ từ nhỏ, qua rất nhiều quốc gia. Nay bỗng chốc theo chồng, chắc chắn ông bà sẽ cảm thấy hụt hẫng, trống vắng. Dẫu vợ chồng bạn ở ngay Hà Nội, lúc nào cũng có thể về thăm ông bà. Nhưng dẫu sao vẫn không sao khỏa lấp được sự trống vắng, hụt hẫng đó. Nhà cửa của ông bà lại rộng rãi. Nay con dẫu có gia đình riêng, nhưng nếu sớm hôm vẫn cùng nhà, và nếu lại có thêm một vài đứa cháu nữa, ngày ngày ríu rít, bi bô, thì ông bà sẽ vui biết bao. Nhất là khi biết chắc rằng sau khi mình trăm tuổi, mảnh đất hương hỏa vẫn được giữ gìn. Trong hoàn cảnh đó, việc ông bà kiên quyết yêu cầu bạn ở rể, là chuyện hết sức bình thường. Bạn nên cảm thông, chia sẻ nỗi niềm ấy với ông bà...

Về phần bố mẹ bạn. Thì cái quan niệm làm trai phải có sự nghiệp riêng, nhà cửa đất đai và tài sản riêng, do mình làm nên bằng sức lực, trí tuệ của mình (dân gian có câu “làm trai quyết chí tu thân/công danh chớ vội, nợ nần không lo”). Và làm dâu, thì lấy chồng phải theo chồng, phụng sự chống và bố mẹ chồng. Phận làm trai, dù vì bất cứ lý do gì, mà phải ở nhà vợ là những kẻ hèn yếu, là lép vế, là ra luồn vào cúi như “chó chui gầm chạn”...

Trong xã hội, vẫn còn rất nặng nề. Với một người phải ở rể, không những bố mẹ, anh chị em không chấp nhận, mà dư luận xã hội cũng khó buông tha. Ở rể, lúc vợ chồng hòa thuận, cơm dẻo canh ngọt thì không sao, nhưng chẳng may bát đũa va chạm, thì dễ trở nên mặc cảm. Trên thực tế, đã có không ít chàng trai đã phải xách va ly ra khỏi nhà vợ, chỉ vì không chịu nổi những câu chì chiết, đại loại “không có bố mẹ tôi, không có cái nhà của tôi, thì anh chỉ có nước ngủ gầm cầu, lều chợ”. Trong hoàn cảnh đó, việc bố mẹ bạn không chấp nhận cho bạn ở nhà vợ sau khi cưới, cũng là chuyện hết sức bình thường. Nhất là ông bà lại có điều kiện về kinh tế. Bạn lại đã có nhà riêng.

Trong điều kiện hai nhà thông gia đang hết sức căng thẳng về chỗ ở của vợ chồng bạn sau hôn nhân, đến mức bố mẹ vợ bạn đã nói thẳng là “nếu không chấp nhận ở đây thì hãy hoãn đám cưới lại”, thì theo thiển ý của tôi, bạn hãy hết sức tế nhị, khéo léo thuyết phục bố mẹ mình bằng thái độ chân thành nhất. Bằng không, thì có thể có một cách, là sau đám cưới, hãy tạm ở nhà bố mẹ một thời gian, sau đó bán ngôi nhà của bạn ở Hà Đông đi, tìm mua một ngôi nhà thật gần với nhà bố mẹ vợ, để hôm nào cũng có thể chạy đi chạy lại thăm hỏi, rồi khi có cháu thì gửi ông bà ngoại, và hãy hứa với ông bà rằng sau khi ông bà trăm tuổi, vợ chồng bạn sẽ dọn về ngôi nhà của ông bà để giữ đất hương hỏa. Làm thế, thứ nhất là ông bà được an ủi vì “có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho”. Sau này ông bà cao tuổi hơn nữa, cần người phục vụ thì đã có vợ chồng bạn, có các cháu. Mặt khác ông bà cũng yên tâm về mảnh đất. Và điều đó cũng thỏa mãn yêu cầu của bố mẹ bạn.

Bạn thân mến!

Tôi không phải là nhà tâm lý, mà chỉ là một nhà báo. Có chăng là tôi hơn tuổi bạn, nên có một chút trải đời hơn bạn. Vì vậy, những lời góp ý trên chỉ là lời của một người bạn lớn tuổi, bằng thái độ chân thành để bạn tham khảo. Nếu có gì thô thiển, nông cạn, rất mong được lượng thứ!

QUẢN TÚC (Kiến thức gia đình số 45)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hay-tim-cach-lam-hai-hoa-tat-ca-post230045.html