HĐND nhiệm kỳ 2016-2021:Những quyết sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Với chức năng là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, 5 năm qua, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Với những quyết sách phù hợp, HĐND tỉnh đã tạo hành lang pháp lý quan trọng và đột phá để UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Minh Hiếu

Quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương

Nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh đã thông qua 405 nghị quyết với 5 nhóm nghị quyết, gồm: Nhóm nghị quyết về lĩnh vực kinh tế có 223 nghị quyết; trong đó có các nghị quyết mang tính chất thường niên về phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách, đầu tư phát triển; các nghị quyết về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; các nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi; quyết định chủ trương đầu tư các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin... Có 24 nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, nhiều nghị quyết đã phát huy tác dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: Cơ chế hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn.

Nhóm nghị quyết về lĩnh vực xây dựng chính quyền và cải cách hành chính có 113 nghị quyết, gồm: Các nghị quyết về quyết định biên chế hành chính, số lượng người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập; thành lập, công nhận, đề nghị công nhận đô thị; thành lập, giải thể, nhập, chia thôn, tổ dân phố; đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, đường, phố, quảng trường, công trình công cộng... Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; sau sắp xếp đã giảm được 76 đơn vị, từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 đơn vị. Ban hành nghị quyết về việc sáp nhập để thành lập thôn, bản, tổ dân phố; sau khi sắp xếp, từ 5.971 đơn vị còn lại 4.393, giảm 1.578 thôn, bản, tổ dân phố...

Nhóm nghị quyết về lĩnh vực văn hóa - xã hội có 23 nghị quyết, bao gồm: Chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế... Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”; nghị quyết lấy năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Nhóm nghị quyết về lĩnh vực an ninh - quốc phòng có 6 nghị quyết; trong đó có nghị quyết về Đề án củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng dân quân tự vệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; nghị quyết về đầu tư trang thiết bị và hệ thống phần mềm tại trung tâm chỉ huy, hệ thống giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh...

Nhóm nghị quyết khác có 40 nghị quyết: Trong đó nghị quyết về quy hoạch và nghị quyết quy định cụ thể để thực hiện các quy định do Trung ương ban hành...

Các nghị quyết HĐND tỉnh được ban hành đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo luật định; nội dung nghị quyết cụ thể hóa kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết cấp ủy; phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của địa phương trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, tạo sự chuyển biến đồng bộ trên các mặt của đời sống ở các vùng, miền khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Để các nghị quyết được thông qua, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực sự là người đại diện cho cử tri; tích cực nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu. Tại các kỳ họp, các đại biểu tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, cụ thể hóa chủ trương, góp phần giúp HĐND tỉnh có những quyết nghị đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong việc ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách của tỉnh.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 5-12-2020, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Có lẽ số lượng nghị quyết được HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành trong nhiệm kỳ 2016-2021 nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước... Các nghị quyết đã ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm giám sát và tiếp xúc cử tri

Trong hoạt động giám sát, các đại biểu đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tham gia tương đối đầy đủ và có nhiều ý kiến xác đáng với cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục, nên chất lượng hoạt động giám sát ngày được nâng lên. Về tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh đã lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, cơ sở, từ đó có nhiều ý kiến, kiến nghị với các cơ quan có liên quan và với Thường trực HĐND tỉnh để tổ chức các đoàn giám sát, làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ, xử lý và khắc phục. Qua đó, vai trò, vị thế của HĐND tỉnh trong hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng được khẳng định và tăng cường.

Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng dự kiến chương trình giám sát hằng năm của HĐND tỉnh trên cơ sở đề nghị của các ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và ý kiến, kiến nghị của cử tri, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Nội dung giám sát là các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh các nội dung giám sát thường xuyên, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh đã chú trọng giám sát chuyên đề. Trong nhiệm kỳ, Thường trực và các ban của HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 29 chuyên đề; trong đó, Thường trực HĐND tỉnh 3 chuyên đề, các ban HĐND tỉnh 26 chuyên đề. Một số nội dung giám sát chuyên đề được đại biểu HĐND tỉnh và cử tri đánh giá cao, như: Thường trực HĐND tỉnh giám sát “Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện”; Ban Pháp chế giám sát “Việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”; Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát “Việc giải quyết thủ tục hành chính, trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp”; Ban Văn hóa - Xã hội giám sát “Công tác quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế”; Ban Dân tộc giám sát “Việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh đã tổ chức 410 đoàn giám sát; trong đó Thường trực HĐND tỉnh 33 đoàn giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách 85 đoàn giám sát, Ban Pháp chế 92 đoàn giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội 109 đoàn giám sát, Ban Dân tộc 91 đoàn giám sát. Qua hoạt động giám sát, Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan được giám sát kịp thời giải quyết các tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Sau giám sát, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh đã theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan được giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát; do đó, việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan chịu sự giám sát quan tâm thực hiện. Đối với những kiến nghị sau giám sát chưa giải quyết được, hoặc cơ quan chịu sự giám sát chưa nghiêm túc thực hiện được đưa vào phiên chất vấn tại kỳ họp hoặc tiến hành tái giám sát.

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh. Trong nhiệm kỳ, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành 248 cuộc tiếp xúc cử tri tại 496 điểm, với khoảng 73.450 cử tri tham gia, đóng góp 5.952 ý kiến; có 1.423 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh được tổng hợp trình các kỳ họp HĐND tỉnh. Chương trình các hội nghị tiếp xúc cử tri được sắp xếp hợp lý, luân phiên thay đổi địa bàn để cử tri và người dân có điều kiện tham dự. Hình thức đối thoại cởi mở, dân chủ, khích lệ cử tri phản ánh, kiến nghị. Ngoài việc tổ chức tiếp xúc tại hội trường, các đại biểu còn tiếp xúc cử tri tại thôn, bản, tổ dân phố để nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, phản ánh của cử tri.

Từ thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh, có thể khẳng định rằng nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND khóa XVII đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Hoạt động của các đại biểu đã thể hiện rõ được vai trò là người đại biểu của Nhân dân.

Bài cuối: Xứng đáng là người đại biểu của Nhân dân.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bau-cu/hdnd-nhiem-ky-2016-2021-nhung-quyet-sach-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/135269.htm