Hé lộ các chiến dịch 'nhằm vào người Mỹ' của Tướng Iran vừa bị tiêu diệt

Nhiều quan chức Mỹ khẳng định Washington không phải vô cớ mà nhắm vào Qassem Soleimani, vị Tướng Iran nung nấu ý định đoạt mạng hàng trăm người Mỹ trước khi bị tiêu diệt.

Xem thêm:

>>Nước Mỹ lại không an toàn nữa rồi

>>Tướng Iran vừa bị Tổng thống Trump ra lệnh tiêu diệt là ai?

>>Iran điều chiến cơ tới biên giới, Mỹ triển khai thêm hàng nghìn quân

>>Thế khó của Iran khi đáp trả Mỹ: Phản ứng yếu ớt thì 'mất mặt', quá mức lại 'mất mạng'

Vào giữa tháng 10, Tướng Qassem Soleimani của Iran gặp gỡ các đồng minh dân quân Shi’ite tại một biệt thự bên bờ sông Tigris, nhìn ra khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.

Tại đây, chỉ huy Lữ đoàn đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) chỉ thị cho đồng minh hàng đầu của mình ở Iraq, Abu Mahdi al-Muhandis (phó chỉ huy lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi thân Iran) và các nhà lãnh đạo dân quân khác đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ ở nước này bằng loại vũ khí mới tinh vi do Iran cung cấp.

Những nỗ lực của Soleimani kích động một cuộc không kích của Mỹ hôm 3/1, đoạt mạng nhân vật quyền lực số 2 của Iran, làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran.

Cái chết của Soleimani và al-Muhandis cũng giáng một đòn mạnh vào quốc gia Hồi giáo và lực lượng bán quân sự Iraq mà nước nước này hậu thuẫn.

 Nhóm người Iran biểu tình trước Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Tehran phản đổi vụ không kích tướng Soleimani. (Ảnh: Reuters)

Nhóm người Iran biểu tình trước Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Tehran phản đổi vụ không kích tướng Soleimani. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc phỏng vấn với các nguồn tin an ninh Iraq và các chỉ hủy dân quân Shi’ite của Reuters mới đây cung cấp thêm cái nhìn hiếm hoi về hoạt động của Soleimani ở Iraq, nơi mà vị tướng Iran khẳng định nắm như lòng bàn tay.

2 tuần trước cuộc họp tháng 10, Soleimani ra lệnh cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran di chuyển các vũ khí tinh vi như tên lửa Katyusha và tên lửa vác vai có thể hạ trực thăng tới Iraq thông qua hai cửa khẩu biên giới.

Tại biệt thự Baghdad, Soleimani nói với các chỉ huy dân quân thành lập một nhóm dân quân mới mà không để Mỹ hay biết với nhiệm vụ thực hiện các cuộc tấn công rocket vào lực lượng Mỹ đồn trú tại căn cứ quân sự Iraq.

Ông ra lệnh cho nhóm vũ trang Kataib Hezbollah chỉ đạo kế hoạch mới.

Hôm 3/1, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien nói với các phóng viên rằng Soleimani mới trở về từ Damascus (Syria), nơi ông này đang lên kế hoạch tấn công lực lượng quân sự và các nhà ngoại giao Mỹ.

Trong tuyên bố đưa cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington quyết định không kích giết chết Tướng Soleimani để bảo vệ mạng sống công dân nước này tại Trung Đông.

"Tôi không thể nói quá nhiều về bản chất các mối đe dọa, song người Mỹ nên biết rằng quyết định loại bỏ Tướng Iran Soleimani khỏi chiến trường của Tổng thống Trump đã cứu mạng họ", ông Pompeo cho hay.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh ông Soleimani tích cực tham gia vào âm mưu thực hiện "hành động lớn" trong khu vực, đặt mạng sống hàng trăm người gặp nguy hiểm.

"Người Mỹ tại Trung Đông đã an toàn hơn sau vụ không kích và cái chết của Soleimani", ông cho hay.

Giới chức Iran từ chối bình luận về kế hoạch của Tướng Soleimani.

Mỹ trong những năm gần đây ngày càng lo ngại ảnh hưởng của Soleimani với giới cầm quyền ở Iraq, quốc gia đồng minh của Washington nhưng ngày càng ngả sang Tehran.

Ông Soleimani, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Quds, chịu trách nhiệm mở rộng ảnh hưởng quân sự của Tehran tại Trung Đông với tư cách là người điều hành các hoạt động bí mật ngoài Iran. Vị tướng 62 tuổi được coi là nhân vật quyền lực thứ 2 ở Iran sau Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Theo Reuters, sở dĩ Soleimani chọn Kataib Hezbollah lãnh đạo các chiến dịch tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ là bởi nhóm vũ trang này biết cách sử dụng máy bay không người lái để trinh sát các mục tiêu, cung cấp thông tin cho các cuộc tấn công bằng tên lửa Katyusha. Trong số vũ khí mà Soleimani cung cấp cho Hezbollah mùa thu năm 2019 có một loại máy bay không người lái mà Iran phát triển nhằm né các hệ thống radar của đối thủ.

Vào ngày 11/12, một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết các cuộc tấn công của các nhóm do Iran hậu thuẫn vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq có dấu hiệu gia tăng và trở nên tinh vi hơn. Tình hình khi đó đã leo thang tới mức khó kiểm soát.

Lời cảnh báo của ông này được đưa ra 2 ngày sau khi 4 quả tên lửa Katyusha tấn công một căn cứ gần sân bay quốc tế Baghdad làm bị thương 5 thành viên Dịch vụ chống khủng bố tinh nhuệ của Iraq. Không nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công, nhưng một quan chức quân đội Mỹ cho biết các phân tích đều chỉ ra các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn là thủ phạm.

Ngày 27/12, hơn 30 quả rocket được nhắm bắn vào một căn cứ quân sự của Iraq gần thành phố Kirkuk, miền bắc Iraq. Vụ tấn công khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng, làm bị thương bốn quân nhân Mỹ và hai người Iraq.

Washington cáo buộc Kataib Hezbollah thực hiện vụ tấn công, nhưng nhóm này phủ nhận. Vài ngày sau, Mỹ không kích vào 3 mục tiêu của Kataib Hezbollah khiến ít nhất 25 chiến binh thiệt mạng và 55 người bị thương.

Các cuộc tấn công sau đó dẫn tới cuộc biểu tình dữ dội ở bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Mỹ cáo buộc Iran kích động cuộc vây hãm này và điều động thêm quân tới khu vực.

Hôm 2/1, một ngày trước cuộc tấn công Soleimani, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo Washington có thể phải có hành động phủ đầu để bảo vệ cuộc sống của Mỹ trước mối đe dọa tới từ các cuộc tấn công tiềm năng của các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/he-lo-cac-chien-dich-nham-vao-nguoi-my-cua-tuong-iran-vua-bi-tieu-diet-ar520267.html