Hé lộ danh tính tân Tổng thư ký của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)

Ngày 1/2, cựu Đại sứ Kuwait tại Mỹ Jasem Al Budaiwi chính thức tiếp nhận chức Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) từ người tiền nhiệm Nayef Al Hajraf.

Tân Tổng thư ký của GCC Jasem Al Budaiwi. (Nguồn: Kuna)

Tân Tổng thư ký của GCC Jasem Al Budaiwi. (Nguồn: Kuna)

Buổi lễ bàn giao diễn ra tại Văn phòng Tổng thư ký ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia.

Ông Budaiwi là cựu Đại sứ Kuwait tại Mỹ, bắt đầu sự nghiệp ngoại giao vào năm 1992 và kinh qua các vị trí công tác là tùy viên ngoại giao tại Văn phòng Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait.

Ông cũng từng giữ chức Đại sứ Kuwait tại Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Al Budaiwi là người Kuwait thứ 3 làm Tổng thư ký GCC sau 2 người tiền nhiệm Al Hajraf và Abdullah Yaqoub Bishara - người đầu tiên giữ chức vụ này sau khi GCC được thành lập.

Nhiệm kỳ của ông Bishara kéo dài 11 năm và là người đảm nhiệm lâu nhất trong số 6 người từng đảm niệm vị trí Tổng thư ký GCC.

Trong bài phát biểu chia tay, ông Al Hajraf cho biết, ông đã nhận thấy “sự tiến bộ lớn trong tư duy đổi mới ở các nước vùng Vịnh, một trong những biểu hiện của tầm nhìn đầy tham vọng của các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, những người nhìn về tương lai với hy vọng và quyết tâm”.

Trong nhiệm kỳ của ông Al Hajraf, các quốc gia GCC đã đối phó với đại dịch Covid-19, Saudi Arabia làm Chủ tịch Nhóm các kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G2)0, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đăng cai Expo 2020 và Qatar tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup 2022.

Saudi Arabia cũng là nước chủ nhà 3 Hội nghị thượng đỉnh GCC, Hội nghị thượng đỉnh GCC-Mỹ và Hội nghị thượng đỉnh GCC-Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, việc bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu làm người đứng đầu GCC diễn ra vào thời điểm tích cực đối với các quốc gia Arab vùng Vịnh, đặc biệt kể từ khi các bên ký kết tuyên bố Al-Ula cách đây 2 năm nhằm hàn gắn rạn nứt giữa Qatar với các nước láng giềng, chủ yếu là với Saudi Arabia và UAE.

Theo các chuyên gia, vùng Vịnh mong muốn tăng cường quan hệ và tiến tới hội nhập GCC, trong bối cảnh các động lực quốc tế và khu vực đang thay đổi, thúc đẩy hướng tới sự liên kết và liên minh mới.

Tổng thư ký do Hội đồng tối cao - bao gồm các nhà lãnh đạo của các quốc gia GCC - bổ nhiệm, có nhiệm kỳ 3 năm và chỉ được gia hạn một lần.

Nhiệm vụ của Tổng thư ký bao gồm chuẩn bị các nghiên cứu để tăng cường hợp tác và hội nhập, đưa ra các báo cáo định kỳ về công việc của hội đồng, soạn thảo các nghị quyết, theo dõi việc thực hiện các quyết định và chuẩn bị cho các cuộc họp.

(theo The Arab Weekly)

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/he-lo-danh-tinh-tan-tong-thu-ky-cua-hoi-dong-hop-tac-vung-vinh-gcc-215137.html