Hé lộ địa điểm tàng trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Châu Âu ?

Một báo cáo được Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Nghị viện NATO công bố gần đây nhưng sau đó đã bị gỡ đã vô tình xác nhận một bí mật được tiết lộ từ lâu: vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lưu trữ ở Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một báo cáo được Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Nghị viện NATO công bố gần đây nhưng sau đó đã bị gỡ đã vô tình xác nhận một bí mật được tiết lộ từ lâu: vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lưu trữ ở Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Phòng Bầu dục hồi tháng 4-2019. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Phòng Bầu dục hồi tháng 4-2019. Ảnh: AP

150 vũ khí hạt nhân tại 6 địa điểm

Báo cáo có tựa đề "Kỷ nguyên mới của răn đe hạt nhân? Kiểm tra vũ khí và lực lượng hạt nhân của các đồng minh" do thượng nghị sĩ Canada Joseph Day viết gửi cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Nghị viện NATO, được công bố hồi tháng 4. Báo cáo, đánh giá tương lai của chính sách răn đe hạt nhân của liên minh quân sự này, đã trở thành một tài liệu tham khảo của nhiều hãng tin tức nhiều tháng sau đó bởi nó tiết lộ các điểm cất giữ khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Châu Âu. Bản sao của tài liệu được tờ De Morgen của Bỉ xuất bản hôm 16-7, tiết lộ: "Những quả bom này được cất giữ tại 6 căn cứ của Mỹ và Châu Âu: Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi-Torre ở Italia, Volkel ở Hà Lan và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ".

Mặc dù báo cáo không cho biết có bao nhiêu quả bom tại mỗi căn cứ, nhưng theo thông tin lan truyền, số lượng mỗi khu vực khác nhau. Căn cứ không quân Volkel (Hà Lan) lưu trữ tới 20 quả bom, trong khi đó căn cứ Kleine Brogel (Bỉ) được cho có chứa từ 10 đến 20 đầu đạn trọng lực. Italia, quốc gia có tới hai căn cứ hạt nhân, ước tính lưu giữ số lượng bom hạt nhân lớn nhất với 60-70 quả. Bất chấp những lo ngại về đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, căn cứ không quân Incirlik ở miền nam nước này lưu giữ đến 50 quả bom B61. Còn căn cứ Buchel của Đức có khoảng 20 quả.

Tuần trước, phiên bản cuối cùng của báo cáo được xuất bản trực tuyến nhưng không đề cập đến tài liệu tham khảo cụ thể về nơi cất giữ bom. Thay vào đó, báo cáo đề cập đến các máy bay có thể mang vũ khí hạt nhân. Theo báo cáo, Mỹ triển khai khoảng 150 vũ khí hạt nhân, cụ thể là bom trọng lực B61, tới Châu Âu để sử dụng cho các máy bay có khả năng kép của Mỹ và đồng minh. "Các đồng minh Châu Âu thường trích dẫn khi vận hành các máy bay như vậy là Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ", tài liệu cho biết, với một chú thích cho biết đã trích dẫn một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ.

Báo cáo cũng cho biết các quốc gia Châu Âu không hài lòng khi Mỹ đặt tên lửa trên đất nước họ. Những nước này lo ngại, các căn cứ có thể là mục tiêu chính của các vụ tấn công khủng bố và đặt Châu Âu vào tầm ngắm của bất kỳ cuộc xung đột hạt nhân tiềm tàng nào.

Chỉ là tài liệu nguồn mở

Thượng nghị sĩ Joseph Day, tác giả của báo cáo, nói rằng đó chỉ là một bản nháp đã được thảo luận trong phiên họp ban đầu tại Bratislava, Slovakia vào ngày 1-6, sẽ được sửa đổi thêm và thông qua tại phiên họp thường niên của Nghị viện NATO tại London (Anh) vào tháng 11 tới.

Một quan chức NATO nói với Washington Post rằng, không phải NATO công bố tài liệu mà do một ủy ban trực thuộc nghị viện NATO đưa ra. "Theo quy định, cả Mỹ và các đối tác Châu Âu đều không thảo luận về vị trí của vũ khí hạt nhân của Washington trên lục địa. Chúng tôi không bình luận chi tiết về hạt nhân của NATO", quan chức trên cho biết. Dù vậy nhiều phương tiện truyền thông vẫn coi báo cáo trên là sự xác nhận về một thực tế đã được biết đến từ lâu. Bài viết trên tờ De Morgen xuất bản dưới nhan đề: "Cuối cùng đen đã thành trắng: ở Bỉ có vũ khí hạt nhân của Mỹ". Đài phát thanh và truyền hình RTL News của Hà Lan đã có ngay thông tin: "NATO tiết lộ bí mật được giữ kém nhất của Hà Lan". "Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Châu Âu thực sự là không có gì bất ngờ. Đây là điều đã biết đến từ lâu", ông Kingston Kingston Reif, giám đốc Tổ chức Giải trừ vũ khí và chính sách giảm thiểu mối đe dọa tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí, cho biết trong một email.

Sự hiện diện của các vũ khí hạt nhân của Mỹ tại các nước Châu Âu có được từ một thỏa thuận đạt được vào những năm 1960. Các vũ khí hạt nhân của Mỹ triển khai ở Châu Âu được coi là rào cản đối với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và để các nước Châu Âu không cần phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Nhưng thời thế đã thay đổi. Năm 2016, sau nỗ lực đảo chính và bành trướng nhanh chóng của nhóm cực đoan IS, các nhà phân tích tự hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự là một nơi tuyệt vời để cất giữ vũ khí hạt nhân hay không. Trong khi đó, tại căn cứ không quân Đức Buchel, việc bãi bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga đã khiến người ta lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_209554_he-lo-dia-diem-tang-tru-vu-khi-hat-nhan-cua-my-o-chau-au-.aspx