Hé lộ lý do tetracyclin ngày càng ít được sử dụng

Tetracyclin là thuốc kháng sinh được phát hiện vào năm 1945 và lần đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng vào năm 1948. Đây là sản phẩm tự nhiên sản xuất bởi loài Streptomyces và kể từ đó đã được chứng minh là một loại thuốc có giá trị kinh tế trong hơn 7 thập kỷ qua. Tuy nhiên, do việc sử dụng tràn lan thuốc cả trên người và gia súc đã khiến vi khuẩn kháng thuốc.

Ứng dụng của tetracylin

Giống như các chất ức chế tổng hợp protein khác, tetracyclin là một chất kìm khuẩn chính chống lại hầu hết các vi khuẩn. Tuy nhiên, ở nồng độ cao, thuốc có tác dụng diệt khuẩn. Tetracyclin thường được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu và đường ruột và cũng được sử dụng trong điều trị chlamydia, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị dị ứng với β -lactam và macrolid. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng đã có những dấu hiệu ít phổ biến hơn nó do sự kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh. Chỉ định phổ biến nhất hiện nay của tetracyclin là trong việc điều trị mụn trứng cá nặng vừa phải.

Doxycyclin - một dẫn chất của tetracylin cũng được sử dụng như là một điều trị dự phòng nhiễm khuẩn Bacillus anthracis (anthrax) và có hiệu quả chống lại Yersinia pestis, các tác nhân gây bệnh của bệnh dịch hạch. Nó cũng được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét.

Hiện nay, tetracyclin vẫn là lựa chọn điều trị các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi Chlamydia, Rickettsia, bệnh brucella và nhiễm trùng spirochetal. Ngoài ra, chúng có thể được sử dụng để điều trị bệnh than, bệnh dịch hạch, bệnh thỏ và bệnh Legionnaires.

Khi sử dụng thuốc, có thể gặp các tác dụng không mong muốn như: rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, do thuốc kích ứng niêm mạc, nhưng thường là do loạn khuẩn); vàng răng trẻ em (nếu sử dụng ở bà mẹ có thai hoặc ở trẻ em dưới 8 tuổi). Do thuốc được thải trừ chủ yếu qua gan, thận nên các độc tính trên hai cơ quan này thường gặp khi dùng thuốc liều cao. Đặc biệt là trên người có suy gan - thận sẵn, phụ nữ có thai có thể gặp vàng da gây thoái hóa mỡ, urê máu cao dẫn đến tử vong. Các rối loạn ít gặp hơn như dị ứng, Lupus do thuốc, giảm sản xuất tinh trùng, xuất huyết giảm tiểu cầu, tăng áp lực nội sọ ở trẻ đang bú, nhức đầu, phù gai mắt... Vì vậy, phải thận trọng theo dõi khi sử dụng và tránh dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi.

Vì sao tetracylin xuống ngôi?

Các thành viên đầu tiên của kháng sinh tetracyclin là chlortetracyclin (CTC) và oxytetracyclin (OTC), được phát hiện vào cuối những năm 1940 trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên vàng phát hiện kháng sinh.

Các hợp chất này là kháng sinh phổ rộng có khả năng chống lại một loạt các vi khuẩn nên chúng trở lên hấp dẫn cho ngành công nghiệp dược phẩm. Nó không chỉ dễ sản xuất, không tốn kém mà còn có khả dụng sinh học đường uống thuận lợi. Những điều này đã làm cho tetracyclin như là một lựa chọn hàng đầu chống lại nhiễm khuẩn.

Tetracyclin ngày càng ít được sử dụng.

Tetracyclin ngày càng ít được sử dụng.

Ngay sau đó, nhiều thuốc khác của nhóm này được phân lập từ các sản phẩm lên men sản xuất bởi các sinh vật sống trong đất, làm cho tetracyclin thành một nhóm kháng sinh lớn. Đương nhiên, việc sử dụng rộng rãi của tetracyclin trên cả người và động vật tạo ra một áp lực chọn lọc lớn cho các chủng kháng thuốc. Năm 1953, chủng Shigella dysenteriae kháng tetracyclin đầu tiên được phân lập và ngay sau đó vào năm 1955, Shigella kháng với đa kháng sinh như tetracyclin, chloramphenicol, streptomycin.

Để bắt kịp với sự nổi lên nhanh chóng của các mầm bệnh kháng thuốc, tetracycline mới được tìm ra. Tuy nhiên, rất khó có thể có các tetracyclin mới từ các nguồn vi sinh vật truyền thống. Kết quả là, chúng ta bước vào một thời kỳ vàng son của “hóa dược kháng sinh”, trong thời gian đó các nhà khoa học đã cố gắng để cải thiện hiệu lực và né tránh cơ chế đề kháng bằng cách thay đổi công thức cấu tạo kháng sinh. Điều này dẫn đến sự phát triển của tetracyclin thế hệ thứ hai bán tổng hợp, trong đó bao gồm doxycyclin và minocyclin. Các hợp chất này có nhiều hợp chất ưa mỡ hơn thế hệ trước và kết quả là chúng hấp thụ và có các thông số dược động học tốt hơn. Tetracyclin thế hệ thứ ba, trong đó bao gồm các glycylcyclines bán tổng hợp và amino-methylcyclin đã được phát triển.

Sau hơn 40 năm sử dụng trong điều trị, bắt đầu giảm sử dụng tetracyclin trên lâm sàng. Sự sụt giảm này tương quan với một số sự kiện quan trọng. Đầu tiên, vào đầu những năm 1980, đã xác định được cơ chế mà theo đó các vi khuẩn Escherichia coli transposon TN10 kháng tetracyclin. Thứ hai, FDA đã phê chuẩn một số thành viên của lớp fluoroquinolon thế hệ mới vào sử dụng lâm sàng. Mặc dù các fluoroquinolones hoạt động bằng cách ức chế hoạt động DNA gyrase như tetracyclin, nhưng chúng có phổ rộng kháng sinh và do đó là một thay thế hấp dẫn đối với tetracyclin. Những sự kiện này góp phần vào sự suy giảm chung trong vài thập kỷ qua trong việc sử dụng lâm sàng của tetracyclin để điều trị các bệnh truyền nhiễm phổ biến.

PGS.TS. Bùi Tùng Hiệp

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/he-lo-ly-do-tetracyclin-ngay-cang-it-duoc-su-dung-n178338.html