Hé lộ nhiều doanh nghiệp logistics lãi lớn

Qua nửa đầu năm 2019, lợi nhuận của các doanh nghiệp logistics đều có dấu hiệu khởi sắc. Bên cạnh một số doanh nghiệp trong ngành đã báo lãi lớn nhờ tăng trưởng khai thác cảng và logistics, thì một số doanh nghiệp tuy cũng báo lãi nhưng số lãi này đã có sự sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước do nhiều chi phí tăng trong đó có chi phí xăng dầu.

Qua nửa đầu năm 2019, lợi nhuận của các doanh nghiệp logistics đều có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: ST.

Qua nửa đầu năm 2019, lợi nhuận của các doanh nghiệp logistics đều có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: ST.

Tăng doanh thu nhờ hoạt động khai thác cảng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Công ty Cổ phần Gemadept (mã GMD), 6 tháng đầu năm, GMD báo lãi ròng gần 289 tỷ đồng, giảm hơn 81% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng trong quý II/2019, GMD đã mang về hơn 668 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 12% so với cùng kỳ. GMD báo lãi ròng hơn 169 tỷ đồng trong quý II/2019, giảm hơn 35% so với kết quả quý II/2018.

6 tháng đầu năm 2019 GMD ghi nhận doanh thu đạt hơn 1,297 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ. GMD đã thu về hơn 515 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận ở mức hơn 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước Công ty ghi nhận khoản mục này đến hơn 1,546 tỷ đồng, tính ra doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 93%. Đáng chú ý, chi phí tài chính trong kỳ ghi nhận ở mức gần 82 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2018, GMD ghi âm hơn 24 tỷ đồng giá trị khoản mục này.

Những con số trên cho thấy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng của Gemadept đã có sự sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ việc thoái vốn và không còn ghi nhận hợp nhất mảng kinh doanh logistics và tàu biển trong 6 tháng năm 2018.

Năm 2019, Công ty Cổ phần Gemadept đặt mục tiêu đạt 2.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ so với năm trước, lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 695 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm Công ty đã thực hiện được hơn 46% kế hoạch doanh thu và hơn 57% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2019.

Được biết, kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh của GMD trong năm 2019 là khai thác cảng và logistics, xem xét thực hiện thoái vốn cổ phần tại một số công ty khi có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, hủy bỏ một số ngành nghề kinh doanh như khai thác gỗ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.

Đánh giá về triển vọng của GMD trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, hiện GMD là công ty khai thác cảng biển tư nhân lớn nhất, nắm giữ thị phần 7,3% sản lượng hàng hóa của Việt Nam. Các cảng container Nam Đình Vũ, Đình Vũ đều nằm trong khu kinh tế Hải Phòng, một trong khu kinh tế sôi động nhất miền Bắc. Ngoài ra, GMD sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 tại cụm cảng Cái Mép với công suất 1,5 triệu TEUs/năm vào cuối năm 2020, mở rộng công suất cảng Nam Đình Vũ sẽ được mở rộng đến 1 triệu TEUs trong năm 2020 và 1,5 triệu TEUs vào năm 2022. Tổng công suất cảng biển năm 2022 sẽ là 3,6 triệu TEUs, tăng gấp ba lần so với mức hiện tại. Bên cạnh đó, khoản đầu tư lớn nhất vào ngành logistics là của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (trong đó GMD nắm giữ 32% cổ phần) đã đóng góp thu nhập cho GMD 132 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 21% so với cùng kỳ.

Lãi giảm do các chi phí tăng

Cũng là một doanh nghiệp logistics lớn trong ngành, nhưng lợi nhuận sau thuế Thu nhập doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Container Việt Nam - Viconship (VSC) lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lên đến hơn 50,25% so với quý II/2018, chỉ đạt 43,181 tỷ đồng. Doanh thu thuần của Viconship đạt gần 474 tỷ đồng, tăng 10%. Giá vốn của dịch vụ đã cung cấp trong kỳ tăng mạnh 29%, đạt hơn 369 tỷ đồng nên sau khi trừ đi giá vốn, lãi gộp của Viconship ghi nhận hơn 104 tỷ đồng, giảm gần 28% so quý 2/2018.

Về hoạt động tài chính, Viconship ghi nhận hơn 2,9 tỷ đồng doanh thu, tăng 54% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí lãi vay giảm 45%, chiếm hơn 4,9 tỷ đồng. Trong quý Công ty còn ghi nhận thêm khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết 4,6 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần Công ty tăng 13%, ghi nhận hơn 897 tỷ đồng, lãi ròng cổ đông công ty mẹ thu về 83,5 tỷ đồng, giảm 45% so với lũy kế đầu năm 2018.

Đề cập về nguyên nhân của sự sụt giảm trên, Viconship cho biết, trong quý II/2019 lượng tàu vào Greenport giảm do các tàu cỡ lớn phải đưa sang cảng khác khai thác nên phát sinh nhiều chi phí bốc xếp, vận chuyển. Lượng hàng vào cảng VIP Greenport tăng hơn so với quý II/2018, lượng hàng phế liệu tồn tại cảng tăng cao dẫn tới các chi phí khai thác tăng cao. Ngoài ra giá nhiên liệu và giá điện kỳ này cũng tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận sau thuế của cổ đông của Công ty mẹ quý II/2019 giảm 43,607 tỷ đồng, tương ứng giảm 50,25% so với quý II/2018. Kết thúc nửa đầu năm, Viconship hoàn thành được 60% mục tiêu doanh thu và 48% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đã đặt ra trước đó.

Tương tự, chỉ tính riêng trong quý II/2019, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Cảng xanh VIP (VGR) đạt 46,674 tỷ đồng, giảm 17,291 tỷ đồng, tương đương giảm 37,05% so với quý II/2018. Theo VGR nguyên nhân chủ yếu là do trong quý II/2019, lượng hàng tại cảng tiếp tục tăng cao, dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao như chi phí thuê phương tiện thiết bị, nhân công, chi phí vận chuyển hàng, vỏ ra bãi ngoài để bảo quản nhằm giảm ùn tắc tại bãi cảng. Các chi phí về nguyên liệu tăng, chi phí lương và nhân công đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Đây là các nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận quý II/2019 giảm so với quý II/2018.

Theo các chuyên gia, việc sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp logistics trong 6 tháng đầu năm có nguyên nhân chính có thể kể đến là do chi phí sản xuất chịu áp lực lớn từ việc giá xăng dầu và than tăng mạnh. Cùng với đó, một số doanh nghiệp có mức lợi nhuận kém hơn cùng kỳ năm trước không phải do tình hình kinh doanh kém hơn mà do không có các khoản lợi nhuận khác như các năm trước.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/he-lo-nhieu-doanh-nghiep-logistics-lai-lon-109475.html