Hé lộ những lổ hổng 'chết người' trong an ninh nguồn nước và công nghệ lọc nước

Bốn lần các đại diện của Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) xuất hiện trước công chúng, nhưng cả bốn lần đều từ chối nói lời xin lỗi. Gây 'một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng' như UBND TP Hà Nội xác định, làm xáo trộn đời sống của hơn một triệu người dân Thủ đô, trở thành một vấn đề xã hội, buộc nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương phải vào cuộc nhưng các đại diện của Viwasupco vẫn kiên quyết không xin lỗi người dân. Đây có phải là cách hành xử đàng hoàng của một doanh nghiệp có văn hóa?

Lần đầu là ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Viwasupco. Xuất hiện tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội, ông Tốn cho rằng Viwasupco chỉ là nạn nhân, để từ chối xin lỗi hơn 1 triệu người dân đã phải dùng nước nhiễm bẩn của Công ty Viwasupco suốt nhiều ngày.

Sau đó, tại cuộc họp báo do tỉnh Hòa Bình tổ chức, ông Bùi Đăng Khoa - Phó Giám đốc Công ty Viwasupco cũng nhất định không xin lỗi.

Tiếp đến ông Lương Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Viwasupco – xuất hiện trong chương trình “Sự kiện và bình luận” của VTV1, mặc cho vài lần người dẫn chương trình hỏi ông muốn nói điều gì với người dân, như một lời xin lỗi chẳng hạn, ông Tùng đều nói nhận hoàn toàn trách nhiệm, nhưng vẫn không xin lỗi.

Ngày 22/10, lần đầu xuất hiện từ khi cuộc khủng hoảng nước nhiễm bẩn xảy ra, mặc dù có bao biện rằng “xin lỗi là việc rất nhỏ”, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX, ông chủ thực sự của Viwasupco - cũng vẫn không gửi một lời xin lỗi nào tới cả triệu người dân đã sử dụng nước nhiễm bẩn của Viwasupco.

Tôi không nghĩ Viwasupco không nhận thức hết trách nhiệm của họ, mà có vẻ như họ muốn chối bỏ trách nhiệm mặc dù luôn nói rằng sẵng sàng nhận trách nhiệm. Trong khi trên thực tế thì quá nhiều vấn đề mà Công ty Viwasupco phải xin lỗi người dân.

Trước hết, dù bất cứ lý do gì, thì việc bán nước nhiễm bẩn cho người dân, đương nhiên Viwasupco có lỗi.

Đặc biệt, Viwasupco còn hành động vô trách nhiệm, như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ ra: Công ty Viwasupco phát hiện ra việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng đã không báo cáo ai, cũng không có hành động gì ngăn chặn nguồn dầu này theo quy định, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân. Đây là hành động rất đáng lên án, bởi nếu đó là chất độc nào khác, thì việc thông báo càng chậm trễ, càng biến vụ việc trở thành thảm họa, có thể gây tử vong hàng loạt.

Vụ việc còn làm lộ ra những lỗ hổng chết người hiện hữu ở Công ty Viwasupco. Đó là quy trình bảo vệ an ninh cho nguồn nước – nơi liên quan đến sinh mạng của hàng triệu người dân – lại vô cùng sơ hở.

try { if (Web_AdsArticleInBody != undefined && Web_AdsArticleInBody.aNodes.length > 0) { document.write(Web_AdsArticleInBody); Web_AdsArticleInBody.start(); } else { document.getElementById("adsWeb_AdsArticleInBody").style.display = "none"; }} catch (e) { document.getElementById("adsWeb_AdsArticleInBody").style.display = "none";}

5 năm trước, Công ty đã có phương án bảo vệ nhà máy nước và đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt ngày 28/8/2014. Nhưng đến nay, sau hơn nửa thập kỷ, phương án này vẫn chưa thấy đâu! Bên cạnh đó, Công ty cũng có đề xuất ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch với Công an tỉnh Hòa Bình. Nhưng nếu việc này được thực hiện, thì hẳn đã có các biện pháp phòng ngừa, để không thể có chuyện bị những chiếc ô tô ngang nhiên đổ dầu thải ngay đầu nguồn nước mà không ai biết, dẫn đến dòng nước nhiễm bẩn “điềm nhiên” chảy vào khu vực nước sản xuất.

Điều này cho thấy Công ty Viwasupco coi thường tính mạng khách hàng của họ và đó chính là nguyên nhân để vụ nước nhiễm bẩn xảy ra.

Bởi nếu coi trọng vấn đề đảm bảo an ninh, Viwasupco sẽ chủ động làm việc với Công an tỉnh Hòa Bình để có sự hợp tác! Giống như ở Hà Nội, hàng năm, các bệnh viện Trung ương đều chủ động ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh với lực lượng công an Hà Nội, để duy trì an ninh cho các bệnh viện. Không đơn vị nào lại thụ động ngồi chờ công an đến để ký kết bảo vệ cho đơn vị mình cả.

Hơn ai hết, Viwasupco biết rất rõ, rằng ở các nước, những hồ chứa nước đầu nguồn phục vụ sinh hoạt là mục tiêu bảo vệ an ninh trọng yếu và phải báo cáo định kỳ 6 tháng/lần. Ở Mỹ, hồ chứa nước cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân được bảo vệ nghiêm ngặt, tuần tra giám sát 24/24, không cho bất kỳ ai đến gần xung quanh hồ. Ngoài ra, nước trong hồ cũng được kiểm tra định kỳ và nhân viên được tập huấn để phát hiện nước nhiễm bẩn và xử lý khẩn cấp.

Cũng chính vì không coi trọng vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước, nên tuy “nắm giữ” nguồn nước liên quan đến sinh mạng của hàng triệu người dân Thủ đô, song Viwasupco đã không hề có kế hoạch ứng phó khi nguồn nước bị ô nhiễm, nên đã vô cùng lúng túng khi vụ việc xảy ra. Điều này được chính ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX, chủ sở hữu Viwasupco – khẳng định: “chưa bao giờ nghĩ tới kịch bản sẽ có người đổ dầu thải xuống nguồn nước”.

Đặc biệt, vụ việc còn hé lộ một sự thật đáng lo ngại là Viwasupco hoàn toàn không kiểm soát chất lượng nước từ đầu nguồn, trong khi công nghệ lọc nước của Viwasupco lại không đảm bảo các tiêu chuẩn, kỹ thuật, khi không có khả năng lọc hết các tạp chất, chất độc hại, như Styren với hàm lượng vượt quy chuẩn tới 1,3-3,65 lần. Điều này cho thấy sự nguy hiểm khôn lường tiềm ẩn về chất lượng nước ở đây.

Hàng loạt lỗ hổng là nguyên nhân dẫn đến việc cấp nước nhiễm bẩn cho hơn 1 triệu người dân, nhưng Viwasupco vẫn “tiết kiệm” một lời xin lỗi. Cũng chỉ nhận trách nhiệm chung chung, trong khi cả triệu người dân phải bỏ ra rất nhiều tiền mua nước sạch trong tuần nước của Viwasupco nhiễm bẩn, cùng biết bao bể nước ở Hà Nội buộc phải thau rửa với tổng chi phí rất lớn.

Thiết nghĩ, những doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh sẽ không hành xử như vậy bao giờ.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/he-lo-nhung-lo-hong-chet-nguoi-trong-an-ninh-nguon-nuoc-va-cong-nghe-loc-nuoc-370427.html