Hé lộ những quy tắc được các nhà ngoại giao Liên Xô tuân thủ khi đàm phán

Trong suốt thế kỷ XX, Liên Xô không ngừng giữ vững vị thế của mình trên trường quốc tế. Những năm tháng thành lập nhà nước đầy khó khăn, cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, thời kỳ 'Chiến tranh lạnh' - mỗi giai đoạn này đã trở thành phép thử đối với toàn xã hội, trong đó có ngành ngoại giao.

Đặc điểmcủangànhngoạigiaoLiênXô

Cơ quan ngoại giao Liên Xô là người kế thừa trực tiếp ngành ngoại giao Nga vốn đã hình thành trước đó hàng trăm năm. Những nhà ngoại giao nổi tiếng nhất của Liên Xô gồm có: Đại sứ tại Ấn Độ trong thập niên 1980 Vyacheslav Trubnikov; Đại sứ tại Hoa Kỳ trong những năm 1960 Anatoly Dobrynin; Đại sứ tại CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ Anatoly Torkunov; Đại sứ tại Cộng hòa Dân chủ Đức Yuly Kvitsinsky, cũng như những vị Bộ trưởng ngoại giao huyền thoại Andey Gromyko và Evgeny Primakov. Họ đều là những người kế tục trực tiếp sự nghiệp của các nhà ngoại giao xuất sắc thời Sa hoàng, như Aleksandr Griboedov, Aleksandr Gorchakov, Sergey Vitte...

Đặc điểm của ngành ngoại giao Liên Xô là luôn coi đất nước mình như một cường quốc vĩ đại. Cho nên, việc giao tiếp với các đối tác và đối phương ở cấp độ quốc tế phải dựa trên phạm trù này.

Uy tín và vị thế quốc gia phụ thuộc nhiều vào các nhà ngoại giao. Nguồn ảnh: russian7.ru

Uy tín và vị thế quốc gia phụ thuộc nhiều vào các nhà ngoại giao. Nguồn ảnh: russian7.ru

Ngoài ra, đặc trưng của ngành ngoại giao Liên Xô là tuân thủ chặt chẽ nghi thức lễ tân ngoại giao kết hợp với sự chân thành và lòng mến khách trong quan hệ với đối tác. Khách mời, thậm chí là đối phương trong các vấn đề quốc tế, luôn được đón tiếp chu đáo bằng các buổi chiêu đãi trọng thể, cũng như tặng những món quà mà họ ưa thích.

Khôngtỏralạlẫmvớiphongtục địaphương

Nhà ngoại giao Liên Xô Konarovsky, người từng làm việc tại các nước phương Đông, có kể về một trường hợp rắc rối ngoại giao mà ông từng chứng kiến. Theo đó, trong một lần tại Tây Ban Nha đón tiếp đoàn đại biểu từ một quốc gia Hồi giáo, những vị khách từ chối ngồi vào bàn bởi trên bàn có bày rượu vang. Luật Hồi giáo Sharia nghiêm cấm sử dụng thức uống có cồn. Còn văn hóa châu Âu thì không thể không có rượu vang. Vì vậy, họ buộc phải hủy bữa tiệc.

Các nhà ngoại giao Liên Xô luôn nghĩ đến đặc trưng văn hóa này của các nước, và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được mời những vị khách người Hồi giáo dùng thức uống có cồn. Tương tự, nếu bày những món chế biến từ thịt lợn lên bàn ăn có khách là người các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, thì đó là một sự xúc phạm. Nhà ngoại giao Konarovsky cũng kể rằng, có lần tại một nước phương Đông, trong bữa trưa ngoại giao, người ta bày lên bàn đặc sản địa phương là món đầu bò. Đoàn ngoại giao Liên Xô không biết dùng món ăn kỳ lạ này như thế nào. Để không tỏ ra bối rối, các thành viên trong đoàn bắt đầu quan sát những người xung quanh để học theo. Hóa ra, món ăn này phải cho lên đĩa và ăn bằng tay. Trước những trường hợp như vậy, không nên giận dỗi chủ nhà, cũng không được tỏ ra là mình lạ lẫm với phong tục địa phương.

Tuy nhiên, món ăn lạ - điều đó chẳng đáng ngại gì. Сó những tình huống xảy ra còn khó xử hơn. Chẳng hạn, có lần các đại diện thuộc nhóm cánh tả đi chen qua để vào phòng họp của Liên hợp quốc và làm đổ chất màu đỏ vào người đại diện thường trực Liên Xô là ông Oleg Troyanovsky. Bị dính bẩn trong việc này còn có cả đại diện thường trực của Hoa Kỳ.

Vị đại diện Hoa Kỳ tỏ ra bối rối và không giấu được sự tức giận. Còn nhà ngoại giao Liên Xô Oleg Troyanovsky vẫn điềm tĩnh nói: “May mà màu đỏ, còn hơn là chết chóc!”. Phản ứng này của ông đã làm cho khán phòng cười phá lên và tán dương.

Phong cách ngoại giao này được ông thể hiện không chỉ một lần. Có lần trong lúc đang phát biểu, phía Hoa Kỳ bỗng nhiên ngắt lời ông rồi hét lên rằng, họ không nghe được bản dịch ra tiếng Anh. “Không đáng sợ đâu. Tôi chẳng nói gì khiến các vị phải bận tâm cả”, ông Troyanovsky thản nhiên trả lời, ngụ ý là người Mỹ dù sao đi chăng nữa cũng có nghe ai nói đâu, trừ họ ra. Lời ám chỉ này ai cũng hiểu và đánh giá cao.

BộtrưởngngoạigiaoLiênXô vớibiệtdanhMrNo

Biệt danh “Mr No” được đặt cho Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Andrey Gromyko là không phải tình cờ. Ông nổi tiếng với tính cách không khoan nhượng của mình trong đàm phán về các vấn đề mang tính nguyên tắc.

Phong cách đàm phán của ông Gromyko được báo chí Hoa Kỳ gọi là “máy khoan răng”. Với lối giữ vững lập trường của mình, ông xoáy sâu vào lập luận của đối phương bằng cách liên tục đề cập vấn đề này sang vấn đề khác. Các nhà ngoại giao Mỹ từng nhận xét, điều này làm họ mệt mỏi, thậm chí đôi khi còn sinh bệnh.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người có nhiều năm là đối thủ chính của ông Gromyko, từng nhận xét rằng, nhà ngoại giao Liên Xô này rất chỉn chu và xứng đáng được mọi người tôn trọng. “Ông ấy luôn kiên định với thỏa thuận đã đạt được, dù có chuyện gì xảy ra thì vẫn hoàn toàn tin tưởng vào lời ông ấy nói”, ông Kissinger cho biết.

Ngoài ra, ông Gromyko còn nổi tiếng bởi sự hóm hỉnh của mình, biết đùa vui mọi người với phong thái thản nhiên nhất.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1972, truyền thông Hoa Kỳ phát hiện ra rằng, Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Andrey Gromyko giống với ứng viên Tổng thống Richard Nixon. Khi đó ông Gromyko có hứa đùa với Kissinger rằng, nếu phía Mỹ tỏ ra dễ tính hơn, thì ông sẽ đội mũ như những người ủng hộ Nixon với khẩu hiệu “Nixon - người chúng ta cần!”.

Có lẽ, người khiến Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Andrey Gromyko quan tâm hơn cả là lãnh đạo của ông – Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khruschev.

Tại phiên họp lịch sử của Liên hợp quốc về vấn đề Liên Xô xâm lược Hungary, khi nhà lãnh đạo Liên Xô dùng giày gõ vào bục phát biểu, thì ông Gromyko đang ở bên cạnh. Nhà ngoại giao này kể, khi Khruschev cúi xuống lấy giày thì ban đầu ông cho rằng, đây là hành động không hay. Tuy nhiên, Bộ trưởng Andrey Gromyko nhanh chóng hiểu ra vấn đề. Bằng hành động gây sốc vi phạm toàn bộ các chuẩn mực ngoại giao này, dù sao ông Gromyko vẫn ủng hộ lãnh đạo của mình và từng vài lần cũng dùng nắm đấm đập vào bục phát biểu.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/he-lo-nhung-quy-tac-duoc-cac-nha-ngoai-giao-lien-xo-tuan-thu-khi-dam-phan-659445