Hệ lụy của vụ thử bom khinh khí đầu tiên

Ở một góc của Công viên Yumenoshima tại Tokyo, cách nhà ga Shin Kiba 10 phút đi bộ, là một tòa nhà cao tầng cấu trúc hình chữ A. Bên trong tòa nhà, được giữ trên không bởi những trụ đỡ bằng kim loại là một con tàu đánh cá dài gần 30m. Con tàu này hầu như bị lãng quên, nhưng 65 năm trước, nó là biểu tượng chống thử nghiệm vũ khí hạt nhân của nước Nhật.

Quả cầu lửa từ vụ thử bom

Chuyến ra khơi định mệnh

Tàu mang tên Daigo Fukuryu Maru hay Lucky Dragon 5, được đóng vào năm 1947 ở quận Wakayama để làm phương tiện đi câu cá ven bờ nhưng sau đó được tu sửa thành tàu câu cá ngừ ở vùng biển sâu. Vào thời điểm này, những con tàu bằng gỗ được phép mạo hiểm đi vào vùng biển sâu và Lucky Dragon 5 đã thực hiện 5 chuyến đi xa khơi như vậy, chuyến cuối cùng bắt đầu vào ngày 22 tháng Giêng năm 1954.

Buổi sáng đó, Lucky Dragon khởi hành từ bến cảng quê hương Yaizu, quận Shizuoka, do một chàng trai trẻ chỉ mới 22 tuổi tên là Hisakichi Tsutsui làm thuyền trưởng. Tàu nhỏ và yếu, trọng tải 140 tấn, vận tốc tối đa chỉ 5 hải lý, với thủy thủ đoàn gồm 23 người.

Ngày 9/2/1954, những người trên tàu đánh bắt ở phía Nam đảo Midway thì lưới rà của họ bị vướng vào rạn san hô, buộc phải cắt bỏ phần lớn. Bị mất nhiều ngư cụ đánh bắt nên thuyền trưởng quyết định hướng con tàu về phía Nam để cầu may ở khu vực giàu tôm cá quanh quần đảo Marshall.

Gần 18 tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lưu ý Cục An toàn hàng hải Nhật Bản phải tránh xa đảo san hô vòng Enewetak do nơi đây có kế hoạch thử hạt nhân. Một năm sau, Mỹ lại đưa ra thông báo khác, cho biết vùng nguy hiểm đã được mở rộng về hướng Đông kết hợp vùng biển quanh đảo Bikini.

Không ai trên tàu đánh cá Lucky Dragon biết về điều này. Thuyền trưởng Hisakichi nghĩ rằng miễn là họ tránh xa Enewetak thì sẽ được an toàn. Vào lúc 6h45 sáng ngày 1 tháng 3 năm 1954, ngày đánh bắt cuối của Lucky Dragon, trước khi nó quay trở về Yaizu, thủy thủ đoàn vẫn còn trên giường ngủ thì bầu trời ở phương Tây rực sáng, bởi một quả cầu lửa tỏa rộng 7km.

Tàu đánh cá Lucky Dragon

Tàu đánh cá Lucky Dragon

Bị nhiễm phóng xạ

Castle Bravo là quả bom khinh khí hay còn gọi là bom nhiệt hạch, bom H (hydrogen) đầu tiên của Mỹ và là thiết bị hạt nhân mạnh nhất được cho nổ. Thực tế nó quá mạnh. Các kỹ sư tạo ra Castle Bravo đã phạm sai lầm trong tính toán về hiệu suất của loại vũ khí này. Họ nghĩ đây là vụ nổ 6 megaton, nhưng thực tế sức mạnh của nó lên đến 15 megaton, sức tàn phá hơn quả bom san bằng thành phố Hiroshima 9 năm trước đó đến 1.000 lần.

Thủy thủ đoàn của Lucky Dragon lao ra boong tàu và ngạc nhiên khi quan sát bầu trời rực sáng một cách kỳ lạ. Vài phút sau, con tàu của họ lắc lư dữ dội. Lucky Dragon ở cách tâm chấn khoảng 130km, không bị tác động tức thì của vụ nổ nhưng vẫn ảnh hưởng bởi phóng xạ.

Năm giờ sau đó, đám mây phóng xạ lên đến rìa khí quyển, bắt đầu rơi xuống tàu với hình thức tro và bụi mịn, thấm đẫm “loại cocktail độc hại các chất đồng vị phóng xạ, bao gồm strontium -90, cesium -137, selenium -141 và uranium -237”. Trong vòng 5 tiếng đồng hồ thủy thủ đoàn trên boong tàu kéo dây câu hít phải chất độc hỗn hợp này. Những hạt bụi trắng vào trong mắt, mũi, tai và miệng khiến họ cảm thấy choáng. Họ không biết loại bụi, sau đó được đặt tên là shi no hai hay “bụi chết chóc”, là rất nguy hiểm nên hè nhau xúc ra khỏi boong tàu với đôi bàn tay trần. Một thủy thủ Matashichi, ngay cả còn liếm bụi, anh mô tả nó như sạn và không có mùi vị gì cả.

Chiều cùng ngày, thành viên của tàu bắt đầu cảm thấy những triệu chứng nhiễm độc phóng xạ cấp như bỏng da, nôn mửa, chảy máu lợi và tình hình trở nên tồi tệ hơn trong suốt cuộc hành trình 2 tuần trở về nhà.

Tàu Lucky Dragon được triển lãm trong tòa nhà thuộc Công viên Yumenoshima

Bùng phát phong trào chống hạt nhân

Khi về tới Yaizu, thủy thủ đoàn nhanh chóng được đưa đến bệnh viện và bị cách ly. Đầu của họ bị cạo trọc và quần áo cũng như vật dụng bị nhiễm xạ được mang đi chôn. Bản thân con tàu bị tịch thu để tẩy uế. Sáu tháng sau đó, Castle Bravo công bố nạn nhân đầu tiên của nó - người vận hành máy vô tuyến Aikichi Kubotama, qua đời ở tuổi 40.

Lúc đầu, chính phủ Mỹ phủ nhận việc thủy thủ đoàn bị nhiễm bụi phóng xạ. Họ từ chối tiết lộ thành phần của phóng xạ vì sợ đối thủ trong cuộc chế bom hạt nhân lúc đó là Liên Xô nắm được thông tin chủ yếu về cấu tạo và thiết kế của thiết bị hạt nhân này.

Cuối cùng chính phủ Mỹ cũng thừa nhận rằng vụ thử Castle Bravo đã mắc sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến một khu vực lớn hơn nhiều. Có nguồn tin tiết lộ rằng ngoài con tàu Lucky Dragon, còn có hơn 100 tàu đánh cá khác cũng bị nhiễm mức độ phóng xạ như vậy.

Giá cá ngừ bắt đầu lao dốc do người dân sợ bị nhiễm phóng xạ và hàng tấn cá đánh bắt từ tháng 3 cho đến tháng 12 năm đó được cho là không thể dùng được và bị tiêu hủy. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ, FDA đã đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt về việc nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ.

Cuộc thử nghiệm Castle Bravo và bi kịch của Lucky Dragon đã làm bùng phát phong trào chống vũ khí hạt nhân dữ dội ở Nhật. Một chiến dịch chống thử nghiệm hạt nhân đã thu thập được hơn 32 triệu chữ ký trên toàn quốc, chiếm 1/3 dân số nước Nhật. Cuối cùng, chính phủ Mỹ đồng ý bồi thường cho các nạn nhân của vụ thử nghiệm Castle Bravo, chuyển khoản tiền 15 triệu USD cho Nhật. Mỗi thành viên còn sống sót của tàu Lucky Bragon được nhận khoản tiên 2 triệu yen Nhật (chừng 52 ngàn USD theo thời giá năm 2019).

Chỉ 3 tháng sau vụ việc xảy ra với tàu đánh cá, đạo diễn phim Nhật Bản Ishirõ Honda ra mắt bộ phim Godzilla (quái vật khổng lồ hư cấu) đầu tiên mang tên Gojira. Cảnh mở đầu, cho thấy một nhóm ngư dân đang thư giãn trên thuyền, chơi cờ và đánh đàn guitar, thì một tiếng sấm sét bất ngờ khiến họ kinh ngạc và chạy đến lan can tàu tìm hiểu. Họ nhìn đám mây hình nấm phun lên từ xa, sóng mạnh làm lật con tàu nhấn chìm cả thủy thủ đoàn. Godzilla trở thành một câu chuyện mang tính biểu tượng về vũ khí hạt nhân - một con quái vật hiện thân của sự suy tàn của nhân loại trong thế giới tự nhiên, thông qua vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, chiếc tàu đánh cá Lucky Dragon đã được làm sạch và được trường Đại học Thủy sản Tokyo mua để làm tàu huấn luyện. Nó lên bờ “nghỉ hưu” vào năm 1967 và được chính quyền thành phố Tokyo mua lại. Năm 1976, nó được phục hồi và triển lãm trong Công viên Yumenoshima, thuộc Phường Koto của Tokyo cho công chúng xem. Ngoài con tàu, du khách có thể nhìn thấy nhiều hiện vật khác nhau có mặt trong chuyến đi xấu số, bao gồm nhật ký, đài phát thanh và các vật dụng riêng của thủy thủ đoàn.

Theo Thiên Lý -Amusingplanet

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/he-luy-cua-vu-thu-bom-khinh-khi-dau-tien-4030308-b.html