Hệ lụy khôn lường từ mạng xã hội

Tommie-lee Gracie Billington (người Anh) 11 tuổi, qua đời sau khi tham gia thử thách 'chroming' trên TikTok - hít các chất xịt như chất khử mùi hoặc sơn phun, có thể mang lại cảm giác hưng phấn tạm thời nhưng cực nguy hiểm.

Vụ việc tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh các gia đình bảo vệ an toàn cho con trên mạng xã hội.

Mất tính mạng vì đu theo thử thách mạng xã hội

Ngày 2/3, lực lượng y tế nhận được cuộc gọi tới một địa chỉ ở Greenset Close, Lancaster sau khi gia đình phát hiện Tommie-lee không phản hồi.

Bà cậu bé, Tina Burns, đã lên mạng xã hội để cảnh báo các gia đình khác và nói rằng cháu trai của mình "chết ngay lập tức" sau khi cậu và một người bạn "thử cơn sốt chroming trên TikTok".

Tommie-lee Gracie Billington (người Anh) 11 tuổi, qua đời sau khi tham gia thử thách “chroming" trên TikTok.

Gia đình hiện muốn gỡ bỏ hoàn toàn TikTok và cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng tất cả mạng xã hội. Nền tảng này đã chặn bất kỳ video hoặc tìm kiếm nào sử dụng thuật ngữ này.

Chroming đã được sử dụng như một thuật ngữ tiếng lóng để mô tả xu hướng hít phải khói độc để đạt khoái cảm kể từ trước khi TikTok ra mắt tại Anh vào năm 2018.

Các chuyên gia đang kêu gọi bảo vệ nhiều hơn cho những người dưới 18 tuổi khi trẻ tiếp xúc với xu hướng này vì nó có thể gây hôn mê, ngừng tim và thậm chí tử vong.

Chuyên gia truyền thông xã hội Hannah O'Donoghue Hobbs cho biết, các xu hướng độc hại trên mạng xã hội là "nguy hiểm chết người" và "hoàn toàn gây sốc". Steve Cole, Giám đốc Chính sách, Chiến dịch và Quan hệ công chúng tại Hiệp hội Phòng, chống tai nạn Hoàng gia (RoSPA) cho biết: "Chúng tôi rất sốc và đau buồn khi biết tin Tommie-lee Gracie Billington qua đời và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, bạn bè và người thân của cậu bé.

Vụ việc này nhấn mạnh tầm quan trọng phải nâng cao nhận thức, giáo dục xung quanh những rủi ro liên quan đến việc lạm dụng khí dung. Chính phủ cần vào cuộc và hành động.

Trên thế giới từng có những trường hợp tử vong vì trào lưu "chroming". Ngoài trò chơi ngạt thở, khoảng năm 2015, sự kiện gây chấn động dư luận là "Thử thách Cá voi xanh" - trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ khiến các bậc phụ huynh lo sợ cho con em của mình.

Giáo dục trẻ em kỹ năng an toàn trên môi trường mạng

Mạng xã hội đã thay đổi cách giao tiếp và tiếp cận thông tin. Đối với giới trẻ, mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, sự phổ biến của mạng xã hội cũng đồng nghĩa với nhiều rủi ro và hậu quả tiềm ẩn đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.

Chuyên gia tâm lý giáo dục, PGS. TS Trần Thành Nam đánh giá, nhiều nội dung độc hại trên mạng xã hội không được kiểm soát chặt chẽ đang âm thầm tiếp cận các bạn nhỏ. Đặc biệt là những trẻ em có biểu hiện thu mình hay có diễn biến tâm lý phức tạp, cô đơn hay có các sở thích khác thường…

Sau đó, những kẻ bí mật thông qua các video hướng dẫn trẻ em vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua thử thách nhưng thực tế lại là những hành động nguy hại cho cơ thể, tính mạng của các em. Trẻ nhỏ chưa nhận thức đầy đủ và chưa thể phân tích được các nội dung về mặt lý tính nên dễ dàng làm theo.

Nhiều nghiên cứu về mặt tâm lý đã chỉ ra rằng hầu hết những trường hợp này đều trong tâm trạng cô đơn, luôn muốn tìm kiếm sự thừa nhận và muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên, trong đời sống thực lại chưa thể có được những mong muốn này.

Vậy làm gì để giải quyết vấn đề liên quan đến các nguy cơ và hậu quả tiêu cực của mạng xã hội. Theo các chuyên gia, về mặt giáo dục, cần tạo ra các chương trình giáo dục và hoạt động tăng cường nhận thức cho cả trẻ em và phụ huynh về tác hại của mạng xã hội, quyền riêng tư và cách ứng phó với các tình huống nguy hiểm trực tuyến.

Ngoài ra, gia đình nên thiết lập quy tắc và giới hạn về việc sử dụng mạng xã hội, đảm bảo rằng thời gian sử dụng internet của trẻ em được kiểm soát và hợp lý. Phụ huynh cũng cần hỗ trợ và giám sát con em trong việc sử dụng internet, tạo điều kiện để trẻ em cảm thấy thoải mái chia sẻ và thảo luận về những vấn đề gặp phải trên mạng.

Cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các ứng dụng và công nghệ an toàn dành riêng cho trẻ em, giúp họ sử dụng internet một cách thông minh và an toàn hơn. Tất cả các bên liên quan, bao gồm phụ huynh, giáo viên, cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần hợp tác để tạo ra môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em khi sử dụng mạng xã hội.

Đ.Thọ

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/he-luy-khon-luong-tu-mang-xa-hoi-20240312120328354.htm