Hệ lụy từ đất rừng bị lấn chiếm ở Đắk Nông

Hàng chục ngàn ha đất rừng ở Đắk Nông đang bị người dân lấn chiếm. Điều này khiến nhiều dự án nông lâm nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch phá triển rừng. Tỉnh Đắk Nông đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để thu hồi đất lâm nghiệp, nhưng thực tế, hiệu quả vẫn chưa cao.

Đất rừng thành... khu dân cư (*)

Nhiều khu dân cư được hình thành tự phát trên những khu vực đất lâm nghiệp tại Đắk Nông. Điều này đồng nghĩa với việc rừng ngày càng bị thu hẹp, đất rừng biến thành nơi sản xuất, nơi ở của nhiều người...

Nhiều thế hệ nối nhau vào rừng

Cụm dân cư số 8, thuộc tiểu khu 1752, nằm trong vùng lõi của rừng phòng hộ Đắk R’măng (Đắk Glong). Nơi đây đã hình thành nên những dãy nhà ở khá kiên cố, có cả điểm sinh hoạt tôn giáo.

Một trong những người sống lâu năm nhất ở đây có lẽ là ông Tráng A Sì. Năm 2000, 50 tuổi, từ Lào Cai mang theo gia đình vào tiểu khu 1752 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắk R’măng phát rẫy, làm nhà ở. Thời điểm đó, gia đình ông có 8 người con.

Người Mông sống thành từng nhóm hộ gia đình trong khu vực rừng phòng hộ Đắk R'măng

Người Mông sống thành từng nhóm hộ gia đình trong khu vực rừng phòng hộ Đắk R'măng

2 năm sau, khi cuộc sống ổn định, ông tiếp tục về quê đưa bố mẹ đẻ vào đây sinh sống. Cả gia đình ông khai phá tầm 8ha đất có nguồn gốc đất rừng để canh tác.

Tráng A Sấu, con trai đầu của ông Sì sau đó cưới vợ sinh con. Ông Sì đã tách khẩu, chia cho 2 ha đất và làm một ngôi nhà cho Sấu.

Tiếp đó, Tráng Thị Súa, em kế Sấu cũng cưới chồng và được ông Sì tách khẩu, cấp cho 1 ha đất để canh tác. Từ 1 gia đình ban đầu, hiện nay, ông Sì đã tách thành 3 hộ. Mỗi hộ có một ngôi nhà nằm quây quần trên diện tích đất có nguồn gốc đất rừng.

Cách đó không xa là đại gia đình của ông Sùng A Pháo. Ông Pháo 61 tuổi, có 9 người con. Năm 2000, ông đưa gia đình từ Lào Cai vào phát rẫy, làm nhà, định cư tại đây.

Ông Pháo có 4 người con đã lập gia đình. Trong đó, 3 người con đã làm nhà ở riêng ngay sát cạnh nhà ông. Mỗi đứa con được ông cho 1 ha đất để canh tác, cũng là đất rừng.

Người con đầu của ông Pháo là Sùng A Sính, 35 tuổi, hiện nay đã có 4 người con. Ngoài 1 ha đất của bố mẹ cho, gia đình Sính đã mở rộng thêm tổng cộng 4 ha từ đất rừng để sản xuất.

Một cụm dân cư sinh sống trên lâm phần BQLRPH Đắk R'măng

Ông Trương Trường Giang, Giám đốc BQLRPH Đắk R’măng cho biết, đơn vị được giao 5.400 ha đất để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại xã Đắk R’măng.

Hiện trạng có rừng 3.032 ha, trong đó rừng tự nhiên 2.984 ha, rừng trồng 47 ha, đất chưa có rừng 2.374 ha. Trong số đất chưa có rừng, có 1.896 ha đã bị 130 hộ (khoảng 632 khẩu) lấn chiếm để sinh sống, canh tác từ năm 2000 đến nay.

Nhiều khu đất rừng của đơn vị đã hình thành những cụm dân cư tự phát. Ngoài ra, gần 200 hộ sống gần rừng thuộc xã Đắk Som, Đắk R'măng cũng vào lấn chiếm hàng trăm ha đất của đơn vị để sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 90 đơn vị, UBND cấp xã được giao quản lý, bảo vệ hơn 331.323 ha rừng, đất quy hoạch lâm nghiệp. Có khoảng 70.000 ha đất lâm nghiệp do các đơn vị chủ rừng quản lý đang bị người dân lấn chiếm để canh tác, làm nhà ở.

Đất rừng tiếp tục biến thành đất sản xuất

Năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, Đắk Nông đứng thứ 4 toàn quốc về số vụ phá rừng. Cụ thể, Đắk Nông để xảy ra 333 vụ phá rừng, làm mất 67,8 ha rừng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Đắk Nông để xảy ra 74 vụ phá rừng, mất gần 17 ha rừng. Rừng bị phá chủ yếu phục vụ mục đính lấy đất sản xuất.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã đi kiểm tra thực tế rừng tại tiểu khu 1668, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’tao.

Rừng tại tiểu khu 1668, xã Quảng Sơn, bị chặt phá, đốt dọn để lấy đất sản xuất

Tại đây thực trạng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra khá phức tạp. Hàng trăm cây rừng đã bị đốn hạ. Nhiều cây rừng có đường kính khá lớn đã chết khô, nằm ngổn ngang.

Cây rừng sau khi đốn hạ đều bị đốt trụi chứ không có dấu hiệu cưa xẻ để khai thác gỗ. Kế đó giữa những gốc cây trơ trọi người dân đã trồng cà phê con.

Cách đó không xa là nhiều nhà ở, lán trại của đồng bào dân tộc Mông được dựng lên. Họ còn chuẩn bị sẵn cả máy cày cho việc canh tác sau khi có đất sản xuất từ việc chặt phá rừng.

Công ty TNHH MTV Đắk N’tao được UBND tỉnh giao quản lý hơn 11.170 ha. Trong đó, đất có rừng 7.948 ha, đất chưa có rừng 3.228 ha.

Đến nay, người dân đã lấn chiếm của Công ty 3.080 ha, trong đó, hơn 1.400 ha đã xác định do 785 hộ lấn chiếm; 457 ha chưa xác định số hộ lấn chiếm. Trên lâm phần của Công ty hiện đang có 633 nhà ở kiên cố, nhà tạm, nhà chòi.

Ngay tại hiện trường kiểm tra rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên yêu cầu chủ rừng phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, nhất là ngăn chặn tình trạng mang vật liệu vào rừng xây dựng nhà ở kiên cố.

Đơn vị quản lý rừng phải xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng. Với những diện tích mới bị phá phải tiến hành cưỡng chế, thu hồi trồng lại rừng.

Đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu chủ rừng phải ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất

Từ năm 2017 - 2022, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 2.601 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 834 ha rừng; 150 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép, với 64 ha…

Việc người dân lấn chiếm, sinh sống, làm nhà ở trái phép trên đất lâm nghiệp và thường xuyên mở rộng diện tích sản xuất khiến rừng tại Đắk Nông luôn ở trong tình trạng bị xâm lấn.

Ngành chức năng chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới việc mất rừng chủ yếu là do một số đơn vị chủ rừng chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trong điều kiện diện tích rừng tự nhiên còn phân tán, các chủ rừng chưa tổ chức lực lượng ngăn chặn kịp thời, dẫn đến tình trạng phá rừng vẫn còn xảy ra nhiều...

(*) Bài 1 trong loạt bài "Hệ lụy từ đất rừng bị lấn chiếm ở Đắk Nông"

Đức Hùng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/he-luy-tu-dat-rung-bi-lan-chiem-o-dak-nong-145177.html