Hệ lụy từ việc 'hô biến' rau chợ đầu mối thành chuẩn VietGAP: Người tiêu dùng hoang mang tìm nguồn cung rau sạch

Sau vụ việc một số doanh nghiệp 'hô biến' rau từ các chợ đầu mối thành sản phẩm 'chuẩn VietGAP', nhiều người tiêu dùng đã ngần ngại khi lựa chọn rau trong các siêu thị lớn. Không ít gia đình lựa chọn cách tự cung, tự cấp; thậm chí chấp nhận mất công, vài ngày lại đi lấy rau sạch từ quê gửi lên theo xe khách.

Vụ việc “hô biến” rau chợ đầu mối thành rau VietGAP khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi mua sắm tại các siêu thị.

Vụ việc “hô biến” rau chợ đầu mối thành rau VietGAP khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi mua sắm tại các siêu thị.

Người dân ngại ngần với rau siêu thị

Trước đó, qua thông tin trên báo chí, “đường dây” biến rau không rõ nguồn gốc thành rau sạch tại TP. Hồ Chí Minh đã được hé lộ. Thông qua nhiều phương thức khác nhau, một số doanh nghiệp đã “phù phép” để rau trôi nổi được gắn nhãn mác tiêu chuẩn VietGAP, trước khi nghiễm nhiên nằm trên kệ các siêu thị lớn... Thông tin trên ngay lập tức đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng không chỉ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Trưa 23/9, tại siêu thị Winmart trên phố Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), chị Mỵ đang loay hoay tìm mua rau để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình. Chị Mỵ cho hay, do hai vợ chồng làm công chức nên quỹ thời gian khá hạn hẹp.

“Chúng tôi thường lựa chọn việc tranh thủ đi siêu thị một tuần 1-2 lần để mua rau và thực phẩm cho cả tuần. Thế nhưng, sau khi báo chí phản ánh thông tin rau trong siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh không thực sự… sạch, tôi rất hoang mang”, chị Mỵ chia sẻ. Chị cho biết thêm, so với các chợ truyền thống bên ngoài, rau củ quả tại siêu thị lớn có giá cao hơn nhiều. Nhưng trước nhiều thông tin trái chiều, sau một hồi lựa chọn tới lui, sau cùng, chị quyết định chỉ mua thịt cá. “Rau xanh tôi sẽ lựa chọn các cửa hàng hữu cơ đã chứng minh được nguồn gốc khác. Trong trường hợp ‘bí’ quá, tôi sẽ nhờ ông bà ở quê gửi lên cho… chắc chắn”, chị quả quyết.

Cũng giống như chị Mỵ, nhiều người tiêu dùng khác đang tỏ ra mất niềm tin vào rau sạch giá cao tại hệ thống các siêu thị. “Khách mua hàng của siêu thị dựa trên sự tin tưởng chứ không biết đến các đơn vị cung cấp là ai. Các siêu thị cần phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, giá cả được bày bán tại quầy,” bà Huyền, một khách hàng tại quận Tây Hồ cho hay.

Theo khảo sát nhanh, tại Hà Nội, trong các siêu thị lớn như Winmart, Winmart +, Tops Market… hiện không phát hiện các sản phẩm rau sạch thuộc các đơn vị bị “vạch trần” là Trình Nhi, Đông A, Hugo Farm. Nhà phân phối phổ biến là Rau Yên Phú, Công ty Cổ phần Omega Phú Thụ, TD Mart. Giá các sản phẩm dao động từ 25.000-125.000 đồng/kg từng loại.

Tìm nguồn cung rau sạch tạm thời

Hoang mang và mất niềm tin, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội đã buộc phải tìm các nguồn cung rau sạch tạm thời. Chị Mỵ chỉ là một trong số ít người “cậy nhờ” nguồn cứu viện từ quê. Do nhà bố mẹ chồng có trang trại, gia đình chị sẽ tạm thời nhờ ông bà đóng rau thành từng thùng xốp lớn rồi gửi xe khách lên Hà Nội. “Tuy vất vả, nhưng ít ra chúng tôi biết mình đang ăn gì và có thực sự sạch hay không”, bà nội trợ 28 tuổi nhấn mạnh.

Chị Lý Thị Thu (35 tuổi) lại có cách xoay xở khác khi tự dựng vườn bên ban công nhà mình. Chị cho hay, trước đây, chị cũng đã nhiều lần đọc các thông tin về rau không an toàn nên đã quyết định phải tự tay trồng rau sạch cho cả nhà. Tận dụng khoảng ban công còn khá thoáng và rộng, chị Thu mua đất sạch đổ vào các hộp xốp rồi luân phiên trồng các loại rau theo mùa như mùng tơi, rau muống, rau cải, xà lách. “Nhà tôi chỉ có 3 người nên trồng cũng đáp ứng đủ khoảng 60% nhu cầu bữa ăn hàng ngày. Nhiều bạn bè, hàng xóm của tôi thậm chí còn xuống trồng rau sạch ngay những vạt đất dưới chân chung cư hay ven công viên nữa”, chị kể.

Ngoài các giải pháp ngắn hạn nói trên, nhiều nhãn hàng lớn cũng cam kết sẽ kiểm soát và đảm bảo chất lượng rau sạch sau vụ việc tại TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Central Retail – Tập đoàn bán lẻ hàng đầu tới từ Thái Lan khẳng định: Hệ thống Go!, Big C, Tops Market hiện được kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong mọi quy trình đầu, cuối.

Theo đó, tại khâu vào hàng, nhà cung cấp phải gửi toàn bộ giấy tờ cần thiết như: Giấy đăng ký kinh doanh, Chứng nhận An toàn thực phẩm, công bố chất lượng, giấy VietGAP, Organic (nếu có). Bộ phận kiểm soát chất lượng (HQ) và bộ phận thu mua (buyer) sẽ đi kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất của nhà cung cấp. Nhà cung cấp cam kết giao hàng đúng như các hồ sơ đã gửi cho GO!, Big C. “Định kỳ, bộ phận Kiểm soát chất lượng và bộ phận Thu mua của chúng tôi sẽ đi thực tế, đánh giá lại nhà cung cấp, nhằm đảm bảo rằng họ thực hiện đúng với những cam kết nêu trên”, đại diện Central Retail thông tin.

Trong khi đó, chuỗi Co.opmart cũng áp dụng quy trình đánh giá chất lượng tại 3 khâu: Tại vùng canh tác, tại kho và tại quầy kệ siêu thị. Các đối tác cung ứng cũng được đảm bảo là những đơn vị uy tín, có thâm niên. Ngoài ra, siêu thị này cũng tiến hành khảo sát trực tiếp. Riêng nhóm hàng rau VietGAP yêu cầu giám sát rất khắt khe, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, ghi chép nhật ký đồng ruộng từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, đóng góp.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng là nhà bán lẻ hàng đầu tiên đầu tư xe kiểm nghiệm lưu động để trực tiếp kiểm tra chất lượng nông sản tại vườn không báo trước cho nhà cung cấp với tổng lượng hơn 24.000 mẫu/năm.

Bài học chung cho các siêu thị

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, vụ việc rau chợ “biến hình” thành rau VietGAP và vào siêu thị mới đây tại TP. Hồ Chí Minh là bài học chung cho siêu thị.

Để rút kinh nghiệm bài học này, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng cần quản trị doanh nghiệp nội bộ cho tốt. Theo đó, cần quản trị chuỗi cung ứng ngắn từ đầu vào cho đến khâu nhập hàng, bảo quản trong kho cho đến sơ chế, tổ chức bán ra và theo dõi bán ra tới khi đến tay người tiêu dùng. Tức là phải phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ chịu trách nhiệm, nhất là khâu nhập hàng. Đồng thời phải luôn luôn lắng nghe người tiêu dùng qua các hòm thư góp ý.

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, siêu thị hiện mới chỉ phục vụ 15% nhu cầu hàng tươi sống của người dân, nguồn cung chủ yếu vẫn từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh.

“Phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công thương vừa sửa đổi, đã có quy định về những vấn đề này. Các siêu thị cần chấp hành nghiêm quy chế đó”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Cùng với đó, các siêu thị phải giáo dục đội ngũ cán bộ, nhân viên liên quan đến việc thu mua, bảo quản vừa có nghiệp vụ chuyên môn nhưng phải vừa có đạo đức kinh doanh. “Tôi đã trao đổi với gần 1 vạn cán bộ công nhân viên ngành thương mại Hà Nội cách đây nhiều năm là “Hãy bán hàng như bán cho người thân của mình”; đừng để mất niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Để bảo về quyền lợi người tiêu dùng, trước tiên các cơ quan quản lý, siêu thị cần chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Quản trị nội bộ, kiểm tra chéo lẫn nhau… là rất quan trọng và giám đốc phải chịu trách nhiệm đầu tiên; phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Còn đối với các cơ quan như Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải có những động thái cho vấn đề này; Sở Công thương các tỉnh, thành cần làm dấy lên phong trào “Phục vụ tốt, phục vụ văn minh, phục vụ có đạo đức” ở trong hệ thống siêu thị. Muốn dẫn dắt thị trường thương mại thì siêu thị phải làm tốt trước.

Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, siêu thị hiện mới chỉ phục vụ 15% nhu cầu hàng tươi sống của người dân, nguồn cung chủ yếu vẫn từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Do đó, tăng cường chất lượng phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ là yêu cầu quan trọng với ngành công thương các địa phương, bên cạnh việc quan tâm chất lượng thực phẩm tại siêu thị.

VietGAP một trong những lựa chọn của người tiêu dùng khi vào siêu thị mua rau bởi mức giá không quá cao so với rau hữu cơ và được bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm bởi cơ quan quản lý, tránh hội chứng “rau hai luống, lợn hai chuồng” đã từng xảy ra trước đây. Với tình trạng rau VietGAP ‘dởm’, khiến một lần nữa người tiêu dùng bị “lung lay” niềm tin.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí vì tình trạng rau sạch “thật - giả”. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các Đội quản lý thị trường trực thuộc yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong văn bản nêu rõ sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.

Theo nhandan.vn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/nguoi-tieu-dung-hoang-mang-tim-nguon-cung-rau-sach-305899-85.html