Hệ quả tăng trưởng tín dụng chậm

Theo số liệu cập nhật mới đây trong cuộc họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến ngày 10/6 là 5,75%, trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng thấp hơn ở 5,17%.

Cho vay chậm lại

Theo thống kê của NHNN, vào thời điểm cuối năm 2018, số dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước khoảng 7,2 triệu tỉ đồng. Với mức tăng trưởng 5,75%, lượng vốn mà các TCTD đã bơm ra nền kinh tế trong gần nửa đầu năm khoảng 415 nghìn tỉ đồng, còn khá thấp so với mục tiêu bơm ra hơn 1 triệu tỷ đồng trong năm nay.

 Vốn cho vay ra nền kinh tế liệu có cần linh hoạt hơn?

Vốn cho vay ra nền kinh tế liệu có cần linh hoạt hơn?

Trước đó, số liệu chia sẻ cho thấy tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 vừa qua đã là 5,74%, còn tổng phương tiện thanh toán tăng 4,98%. Diễn biến này cho thấy trong khi cung tiền trong 10 ngày đầu tháng 6 vẫn tăng ổn định thì ngược lại tăng trưởng tín dụng gần như đi ngang, khi chỉ nhích nhẹ thêm 0,1%.

Hoạt động cho vay đang chậm lại là điều có thể thấy được, khi thời điểm cùng kỳ này năm ngoái tính đến ngày 20/6 tăng trưởng tín dụng đã đạt 6,35%, còn tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán đạt thậm chí còn cao hơn ở 7,96%. Việc tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với tổng phương tiện thanh toán trong hơn 5 tháng đầu năm nay cũng cho thấy lượng cung tiền bị hạn chế cũng phần nào ảnh hưởng lên hoạt động tín dụng tại các nhà băng.

Việc tập trung thu hồi nợ xấu cũng phần nào ảnh hưởng lên con số tăng trưởng, khi tại một số ngân hàng có nợ xấu thì số dư nợ tăng mới không đủ bù đắp cho số sụt giảm do thu hồi. Cũng theo NHNN, từ 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, theo đó giúp tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ nằm ở VAMC và nợ tiềm ẩn của toàn hệ thống còn 5,65%, giảm mạnh so với con số 9,5% năm 2017 và hơn 10% năm 2016.

Hệ quả

Với việc dòng tiền bơm ra nền kinh tế chậm lại, các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bị hạn chế là điều có thể thấy được, do đó sẽ phần nào tác động lên tăng trưởng. Chính vì những lo ngại này mà ngay từ những tháng đầu năm nay, người đứng đầu Chính phủ đã không dưới 2 lần kêu gọi cần mở rộng tín dụng nhiều hơn để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam theo đó không loại trừ khả năng bị ảnh hưởng, do đó việc nới lỏng tiền tệ trở lại bằng cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn đi kèm với lãi suất có thể là cần thiết. Thực tế là thời gian gần đây hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đã giảm lãi suất để tránh cú sốc giảm tốc cho nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP trong quý 1 đầu năm nay ở mức 6,79%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, trong khi năm nay Quốc Hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng từ 6,6 – 6,8%, dù thấp hơn con số kỷ lục 7,08% thực hiện được trong năm 2018 nhưng lại cao hơn mục tiêu năm 2018 là từ 6,5 – 6,7%. Do đó, áp lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại năm nay là khá lớn.

Với nguồn vốn bơm ra bị hạn chế, cộng đồng doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng từ các nhà băng, do đó hoạt động sản xuất kinh doanh phần nào bị ảnh hưởng. Đối với những doanh nghiệp lớn có uy tín, hoạt động kinh doanh hiệu quả thì còn có thể tìm đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, hoặc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn đối với những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn, nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ còn lại thì hiện nay vẫn phụ thuộc rất lớn vào vốn vay tại các ngân hàng.

Đối với khách hàng cá nhân, nếu việc tiếp cập vốn vay ngân hàng gặp khó khăn hơn khi nguồn vốn bị siết chặt, họ có thể lựa chọn tìm đến các hình thức tín dụng đen thay thế, dù phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn nhiều lần và gặp nhiều rủi ro hơn.

Đối với hệ thống các TCTD, tăng trưởng cho vay chậm lại cũng sẽ gây áp lực lên kế hoạch lợi nhuận. Nhiều ngân hàng trong năm 2018 đã ghi dấu ấn lợi nhuận kỷ lục, và tiếp nối sự hưng phấn đã đặt kế hoạc lãi trong năm nay tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, nếu như không thể duy trì tăng trưởng tín dụng đủ cao thì con số lợi nhuận tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Vẫn có những lợi ích

Dù vậy, nhà điều hành có lẽ vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng tại các nhà băng, khi mà mục tiêu ổn định vĩ mô đang được ưu tiên lớn nhất trong bối cảnh đầy rủi ro như hiện nay. Thị trường bất động sản đã nóng sốt trong 2 năm trở lại đây, trong đó không ít nguồn vốn là từ hệ thống ngân hàng chảy ra, do đó nếu như không hãm phanh đà nới lỏng tín dụng thì quả bong bóng bất động sản có thể hình thành là nguy hiểm.

Đơn cử như gần đây Hiệp hội bất động sản Việt Nam có nhiều kiến nghị liên quan đến quy định tại dự thảo Thông tư thay thế thông tư 36, theo đó cho rằng việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống 30% và tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay tiêu dùng nhà ở là biện pháp siết tín dụng, làm giảm nguồn cung bất động sản, thì NHNN vẫn bảo lưu quan điểm thực hiện khi cho rằng chính sách trên nếu thực hiện thì mức độ tác động của quy định trên tới thị trường bất động sản là không lớn.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng chậm cũng sẽ làm giảm sức ép tăng huy động vốn lên các ngân hàng, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó có thể tiếp tục giữ được mặt bằng lãi suất ổn định, mục tiêu quan trọng nhất của nhà điều hành trong suốt thời gian qua. Thực tế trong 2 tháng gần đây, lãi suất tiền gửi tại một số nhà băng cũng đã được điều chỉnh giảm xuống, sau động thái tăng liên tiếp từ nửa cuối năm 2018 cho đến quý 1 đầu năm nay.

Đối với hệ thống các TCTD, tăng trưởng cho vay chậm lại cũng sẽ gây áp lực lên kế hoạch lợi nhuận. Nhiều ngân hàng trong năm 2018 đã ghi dấu ấn lợi nhuận kỷ lục, và tiếp nối sự hưng phấn đã đặt kế hoạch lãi trong năm nay tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, nếu như không thể duy trì tăng trưởng tín dụng đủ cao thì con số lợi nhuận tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/he-qua-tang-truong-tin-dung-cham-165022.html