Hệ sinh thái lưu trú trực tuyến: Giải pháp tìm nhà ở hiệu quả cho sinh viên

Với mong muốn xây dựng mô hình ký túc xá hiện đại thời công nghệ 4.0 gồm các chức năng, như đăng ký lưu trú, quản lý dữ liệu, cung cấp dịch vụ trực tuyến, kết nối cộng đồng người lưu trú,… sản phẩm CSAM – Hệ sinh thái lưu trú trực tuyến đã ra đời và đang là 1 trong 9 sản phẩm CNTT Khởi nghiệp lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019.

Chia sẻ về ý tưởng ra đời của dự án Hệ sinh thái lưu trú trực tuyến, nhóm tác giả CSAM cho biết, từng là sinh viên lưu trú trong Ký túc xá Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, nhận thấy việc đăng ký lưu trú ký túc xá bằng hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm với thời gian và địa điểm cố định gây ra rất nhiều khó khăn cho sinh viên và cán bộ quản lý, đặc biệt vấn đề quản lý dữ liệu sinh viên càng khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu về sử dụng các loại dịch vụ trong ký túc xá là rất lớn, nhưng các dịch vụ còn nhỏ lẻ và chưa đồng bộ.

Chính những điều này mà dự án về việc phát triển “Hệ sinh thái lưu trú trực tuyến” được ra đời để giải quyết các vấn đề về: Quản lí dữ liệu, cung cấp dịch vụ trực tuyến và xây dựng dịch vụ phụ vụ đời sống cộng đồng lưu trú, xây dựng không gian thật trên mạng ảo.

Dự án ngoài việc hướng tới đối tượng sinh viên lưu trú tại các cơ sở trường học sẽ mở rộng ra các trung tâm lưu trú khác như khách sạn, phòng bệnh viện,… nhằm tạo ra một hệ sinh thái kết nối, đồng hành cùng người dùng cuối. Nghĩa là không chỉ hỗ trợ sinh viên đăng ký lưu trú Ký túc xá, mà ngay cả khi ra trường, lập gia đình, … hệ thống này vẫn luôn theo dõi để đồng hành và hỗ trợ với các dịch vụ tiện ích mà mỗi “công dân” của CSAM cần.

Theo đó, khi sử dụng CSAM, các bạn sinh viên chỉ mất khoảng 10 giây cho một vài thao tác click chuột là đã tìm được phòng ở, biết được bạn ở cùng phòng của mình trong ký túc xá. Bên cạnh đó, mọi thắc mắc, khiếu nại khi gửi lên hệ thống được Ban quản lý cập nhật và giải quyết nhanh gọn.

Theo nhóm tác giả, CSAM có công nghệ AI trong nhận diện, xác thực người dùng thông qua ảnh khi đăng ký. Do đó, với mỗi tài khoản người dùng là thật, không còn tồn tại khái niệm “tài khoản ảo”.

Bên cạnh đó còn, ứng dụng công nghệ Machine learning nhận diện gương mặt tích hợp hệ thống camera an ninh và phân tích hành vi người dùng trên cộng đồng chung sẽ giúp đảm bảo an ninh, đồng thời đưa ra đánh giá xu thế người dùng, mối quan tâm.

Được biết, CSAM bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2017, đến tháng 9/2017 thì chính thức có khách hàng lớn đầu tiên là Ký túc xá trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (HUST). Hiện sản phẩm hiện đã triển khai tại Ký túc xá trường ĐH Bách khoa Hà Nội với số lượng sinh viên khoảng hơn 4500 sinh viên lưu trú mỗi kỳ học chính.

Trong hơn 1 năm qua, CSAM đã thay đổi cách quản lý của Trung tâm quản lý ký túc xá và thói quen đăng ký hồ sơ của sinh viên lưu trú, đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích quan trọng, thiết thực như tiệm giặt là và không gian học tập chung.

Điều đặc biệt, trong năm 2018, vượt qua gần 100 đề tài dự thi khác, CSAM – Hệ sinh thái lưu trú trực tuyến đã xuất sắc đạt giải Á quân 1 và được bình chọn là Dự án được Yêu thích nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai năm 2018.

Đưa ra hướng phát triển của sản phẩm trong tương lai, nhóm tác giả cho biết, CSAM hướng đến xây dựng một tiêu chuẩn cộng đồng riêng cho một cộng đồng đặc thù, với mỗi người được định danh chính xác (không tồn tại người dùng ảo), có nhiều không gian để tương tác, trao đổi, chia sẻ. Bên cạnh đó, ứng dụng AI và Machine Learning trong việc phân tích xu hướng và đánh giá hiệu quả, từ đó điều chỉnh chính sách, dịch vụ phù hợp.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/bat-dong-san/201911/he-sinh-thai-luu-tru-truc-tuyen-giai-phap-tim-nha-o-hieu-qua-cho-sinh-vien-bb37a46/