Hệ số an toàn vốn khiêm tốn, ngân hàng dồn dập lên kế hoạch tăng vốn điều lệ

Áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế lớn, trong khi hệ số an toàn vốn vẫn khá thấp so với chuẩn mực Basel II và các ngân hàng trong khu vực, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang dồn dập lên kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu thống kê về hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến 31/1/2024, trong đó hàng loạt chỉ tiêu cơ bản như tổng tài sản, vốn điều lệ... đã có những thay đổi so với thời điểm cuối năm 2023.

Vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng vượt 1 triệu tỷ đồng

Cụ thể, tính đến tháng 1/2024, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các TCTD là 1.003.601 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023, trong đó nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 217.882 tỷ đồng, tương đương với cuối năm 2023; nhóm NHTM cổ phần có tổng vốn điều lệ 543.191 tỷ đồng, tăng 0,12%; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng vốn điều lệ 163.165 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã có vốn điều lệ không thay đổi so với cuối năm 2023, đạt tương ứng 45.321 tỷ đồng và 3.030 tỷ đồng; Quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ là 7.052 tỷ đồng, tăng 0,98% so với cuối năm 2023.

Tính đến tháng 1/2024, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các TCTD 1.003.601 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cuối năm 2023.

Trong năm qua, hoạt động tăng vốn điều lệ tiếp tục được các NHTM đẩy mạnh nhằm củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Theo khảo sát của VnBusiness, có tới 20 ngân hàng thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023. Một số ngân hàng có tỷ lệ tăng vốn điều lệ cao như: Eximbank tăng 41% lên 17.469 tỷ đồng; TPBank tăng 39% lên 22.016 tỷ đồng; BVBank tăng 37% lên 5.016 tỷ đồng; Nam A Bank tăng 25% lên 10.580 tỷ đồng…

Hiện, có 13 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD: VPBank (79.339 tỷ đồng), BIDV (57.000 tỷ đồng), Vietcombank (55.890 tỷ đồng), VietinBank (53.699 tỷ đồng), MB (52.140 tỷ đồng), ACB (38.840 tỷ đồng), SHB (36.193 tỷ đồng), Techcombank (35.225 tỷ đồng), Agribank (34.446 tỷ đồng ), HDBank (29.000 tỷ đồng), LPBank (25.576 tỷ đồng), VIB (25.368 tỷ đồng) và SeABank (24.537 tỷ đồng).

Một số nhà băng chưa thể thực hiện tăng vốn theo kế hoạch, nhưng cho biết sẽ sớm hoàn thành trong năm nay như KienLong Bank, NCB, Saigonbank…

Dưới góc nhìn của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu với các TCTD (đặc biệt là với các NHTM có sở hữu nhà nước). Dù hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã tăng trong thời gian qua nhưng vẫn khá thấp so với chuẩn mực Basel II và các NHTM trong khu vực (khoảng 12-14%), trong khi việc tăng vốn trong giai đoạn này còn gặp nhiều khó khăn.

Thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 1/2024, hệ số CAR của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,84%, trong đó nhóm NHTM Nhà nước đạt 9,72%, nhóm NHTM cổ phần đạt 11,89%...

Dồn dập kế hoạch tăng vốn

Để gia tăng nguồn lực và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn, các ngân hàng cần tiếp tục tăng vốn, và điểm tích cực là các NHTM đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay và 1-2 năm tới.

Chẳng hạn, tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức vào ngày 29/3, Nam A Bank sẽ trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 và kế hoạch tăng vốn thêm 25%, lên mức 13.725 tỷ đồng.

Tương tự, LPBank dự kiến sẽ họp cổ đông vào ngày 27/4 tới. Nhà băng này tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2024, nhưng mức tăng chưa được công bố. Với vốn điều lệ đạt hơn 25.500 tỷ đồng, hiện LPBank là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 10 trong hệ thống.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay như: MB, VIB, ACB…

Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến tăng vốn điều lệ, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: “Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho các NHTM nhà nước giữ lại lợi nhuận Nhà nước hàng năm để tăng vốn, tạo điều kiện cho các TCTD dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, cũng như tiết giảm chi phí, có điều kiện triển khai gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay”.

Về vấn đề này, Vietcombank cho biết, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này sẽ cần trình lên NHNN để xin ý kiến. Nếu tiếp tục được chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2022, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng lên hơn 77.500 tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng hồi đầu năm nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình đã kiến nghị NHNN tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các NHTM có vốn Nhà nước được tăng vốn điều lệ.

"Đến thời điểm này, VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 cũng như có chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng", ông Bình cho hay.

Riêng với Agribank, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.

Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2023 sẽ bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt để tăng vốn. Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Như vậy, nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/he-so-an-toan-von-khiem-ton-ngan-hang-don-dap-len-ke-hoach-tang-von-dieu-le-1098993.html