Hệ thống an sinh xã hội 'chạy đua' với thay đổi trong CMCN 4.0

Theo dự báo, trong hai thập niên tới, 56% số lao động tại năm nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc làm. 86% số lao động trong lĩnh vực dệt may và da giày của Việt Nam đứng trước nguy cơ mất việc vì tự động hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0… Việc thiết kế lại chính sách an sinh xã hội (ASXH) phù hợp trong bối cảnh mới là 'bài toán' đối với các quốc gia khi đối mặt với những thay đổi của thị trường lao động.

Ðại biểu đến từ In-đô-nê-xi-a đặt ra các vấn đề cần thảo luận tại hội thảo. Ảnh: ÐĂNG KIÊN

Tại hội thảo “Cơ hội và thách thức của các hệ thống ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”, trong khuôn khổ Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội an sinh các nước ASEAN lần thứ 35 vừa được tổ chức, các chuyên gia quốc tế đã có những cảnh báo cũng như phân tích về cuộc CMCN 4.0 với những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ, sẽ là cơ hội cho việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển chung, cuộc cách mạng này có thể khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động tiêu cực, nhất là những tác động không mong muốn đối với thị trường lao động, ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm ASXH…

PGS, TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh về việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và hàm ý đối với sự phát triển ASXH. Thế giới đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghệ, Việt Nam cần nhanh nhạy nhận diện tốt thách thức và cơ hội đó, trong đó có lĩnh vực ASXH. Ngoài những nguy cơ gây mất việc làm và thu nhập của người lao động sẽ gây tổn hại trực tiếp tới hệ thống ASXH, thì cuộc cách mạng này vẫn có những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Với lợi thế dân số trẻ, năng động, là nước đi sau, chắc chắn sẽ thúc đẩy và tạo ra khát vọng, quyết tâm thoát khỏi tụt hậu cho Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0.

Ðưa ra những khuyến nghị trong việc làm sao để thích ứng với cuộc cách mạng này, PGS, TS Trần Ðình Thiên cho rằng, chúng ta cần phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số, tạo hạ tầng số cũng như nguồn nhân lực số; đồng thời, tiếp tục giải quyết những vấn đề ASXH, kinh tế - xã hội và môi trường hiện đang tồn đọng. Trong luồng xu thế tích cực mà CMCN 4.0 thổi vào, cũng sẽ là tiền đề, và tạo động lực để Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ năng lực quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp của ngành.

Trưởng Văn phòng Tổng Thư ký Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA) G. Xrem-mơ đưa ra các nhận định về cơ hội, thách thức của các hệ thống ASXH trong bối cảnh mới. Công nghệ số và nền kinh tế số sẽ tạo cơ hội thúc đẩy hệ thống ASXH trong việc mở rộng diện bao phủ, thu hẹp khoảng cách về độ bao phủ; tích hợp hệ thống dữ liệu di động, đăng ký di động và ứng dụng thanh toán ASXH, giảm chi phí giao dịch cho cơ quan BHXH và người tham gia... Ông G. Xrem-mơ cũng đánh giá Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội để phát triển. Việt Nam cần tận dụng năng lực, thể chế, cơ chế bảo đảm ASXH, nhất là năng lực sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cung ứng dịch vụ cũng như mở rộng diện bao phủ; tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với BHXH, BHYT.

Nêu vấn đề CMCN 4.0 và sự thay đổi của thế giới việc làm, giúp nâng tầm ý nghĩa đối với các hệ thống ASXH trên thế giới, Chuyên gia trưởng toàn cầu về hưu trí và BHXH (Ngân hàng Thế giới) R.Pa-la-xi-ô cho rằng, người lao động phải tăng cường rất nhiều kỹ năng để đáp ứng được với những sự thay đổi này. Bài toán đặt ra, là việc đào tạo nguồn nhân lực và thiết kế lại chính sách ASXH, để tăng độ bao phủ, theo hướng tăng mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, giữa Chính phủ với nền kinh tế phi chính thức... Ðây được xem như một cuộc đua giữa việc thay đổi hệ thống ASXH và những thay đổi của thị trường lao động trong thời đại mới. Khuyến nghị cho những vấn đề này, ông R.Pa-la-xi-ô nhấn mạnh, “bài toán” cần giải quyết sớm ở đây là các quốc gia phải nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ BHXH bằng các phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn, như: Ứng dụng các công nghệ mới, căn cước công dân kỹ thuật số có sinh trắc học; chi trả, đóng nộp qua mạng lưới in-tơ-nét với sự hỗ trợ của các ứng dụng CNTT trong các phần mềm quản lý…. Mỗi quốc gia cần xây dựng để tất cả người dân có một mã số ASXH duy nhất cho các chính sách, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ đối tượng…

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 18 triệu lao động phi chính thức, phi nông nghiệp, trong đó, chỉ có 23% có quan hệ lao động trên pháp lý và tuy nhiên trong số này mới chỉ có khoảng 0,2% tham gia BHXH. Tính đến hết tháng 6-2018, Việt Nam có 231 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, với mức đóng bình quân hơn 2,1 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ về những thách thức Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, Phó Trưởng ban thu (BHXH Việt Nam) Ðinh Duy Hùng cho biết, thu nhập của nhóm đối tượng này trung bình là 3,9 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân trung cả nước (6,7 triệu đồng/người/tháng). Do đó, vấn đề tồn tại ở đây là hiện còn khoảng sáu triệu người trong độ tuổi từ 45 đến 60 chưa tham gia BHXH, gây ảnh hưởng không chỉ tới hệ thống ASXH mà còn tác động cả tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong lần cải cách chính sách BHXH sắp tới đây, Việt Nam sẽ có chính sách bảo đảm nhóm đối tượng này phải tham gia BHXH theo diện bắt buộc hoặc tự nguyện với những cải cách cụ thể, như: Tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện qua việc mở rộng các chế độ thụ hưởng; tăng kinh phí hỗ trợ người tham gia từ nguồn ngân sách nhà nước, liên thông với BHXH bắt buộc,... Ðồng thời, trong xu thế dịch chuyển lao động, hiện Việt Nam có khoảng 500 nghìn người làm việc tại nước ngoài và hằng năm sẽ tăng hàng trăm nghìn người. Trong số này mới có khoảng 6.000 người tham gia BHXH. Ðể quản lý hiệu quả và bảo đảm về BHXH với nhóm đối tượng này, cần xây dựng các chính sách hợp tác song phương, đa phương về tham gia BHXH cho lao động di cư ở các quốc gia, đi đôi với việc hiện đại hóa phương thức quản lý hoặc phối hợp quản lý lao động di cư.

Tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho rằng những phân tích, thảo luận của các chuyên gia cho thấy được phần nào xu thế phát triển của hệ thống ASXH thế giới và tự do dịch chuyển lao động dưới tác động của CMCN 4.0; cùng những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống ASXH trong thời gian tới; nắm bắt được về nhu cầu của hệ thống đào tạo và đào tạo nghề nhằm thích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động trong cuộc cách mạng số. Thông qua đó, tạo cơ sở cho Chính phủ các nước, cũng như các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống ASXH của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách của mình nhằm bảo đảm cho người lao động và các lao động di cư được hưởng đầy đủ các quyền lợi và chế độ.

NHẬT ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37711002-he-thong-an-sinh-xa-hoi-%E2%80%9Cchay-dua%E2%80%9D-voi-thay-doi-trong-cmcn-4-0.html