Hệ thống đánh chặn trên máy bay dân dụng có khi nào?

Sau vụ máy bay MH17 bị bắn hạ, người ta mới chú ý đến lá chắn tên lửa trên máy bay dân dụng. Vậy, hệ thống này ra đời khi nào?

Bước tiến của Mỹ

Ngày 28/2, Tập đoàn Công nghệ quốc phòng Northrop Grumman (Mỹ) tuyên bố đã tìm ra giải pháp ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa vác vai từ lực lượng khủng bố vào các máy bay dân dụng. “Northrop Grumman tự hào đã tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ máy bay chiến đấu từ năm 1961.

Đó là khi đội ngũ kỹ sư của chúng tôi lần đầu tiên chủ động phát triển hệ thống làm lệch hướng Tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại tấn công máy bay (IRCM). Ngày nay, hệ thống DIRCM dựa trên công nghệ laser của chúng tôi bảo vệ nhiều loại máy bay”, Northrop Grumman cho biết đồng thời nhấn mạnh:

Hệ thống (DIRCM) AN/AAQ-24(V) là hệ thống duy nhất được sản xuất trên thế giới hiện nay sẽ bảo vệ máy bay tránh được tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại (IR).

Hệ thống DIRCM của Northrop Grumman.

Hệ thống DIRCM của Northrop Grumman.

Theo giới thiệu, một hệ thống DIRCM thật sự cần thiết để đánh bại mối đe dọa hiện đại nhất hiện nay cũng như trong tương lai và có chi phí bảo trì thấp hơn so với những biện pháp đối phó IR khác.

Hệ thống này có những khả năng nổi bật như theo dõi và hạ gục đồng thời nhiều mối đe dọa trong môi trường phức tạp. Phát hiện nhanh chóng, chính xác và gây nhiễu mối đe dọa. Ngăn chặn mọi mối đe dọa tên lửa IR không đối đất bằng sử dụng bước sóng gây nhiễu. Tương thích với mọi thiết bị hỗ trợ hiện có.

Đại diện của Northrop Grumman cho biết: “Giải pháp phòng vệ CIRCM của Northrop Grumman chống lại mọi mối đe dọa tên lửa mới nổi ngày nay và trong tương lai. Cùng với hơn 1 triệu giờ vận hành thực tế, hệ thống phản ứng nhanh đáng tin cậy của chúng tôi đã được thử nghiệm và chứng minh trong điều kiện chiến tranh khắc nghiệt nhất”.

CIRCM của Northrop Grumman được trang bị hệ thống Phòng vệ (Guardian) cung cấp khả năng phòng vệ 360 độ chống lại mọi mối đe dọa từ tên lửa có tầm bắn rộng.

Khi hệ thống này phát hiện tên lửa vác vai, nó sẽ theo dõi tên lửa thù địch đang bay đến, sau đó sử dụng một chùm tia laser để gây nhiễu hệ thống dẫn đường của tên lửa, khiến nó bắn trật mục tiêu máy bay.

Toàn bộ quy trình này diễn ra chỉ khoảng 2-5 giây và không đòi hỏi một bộ phận phi hành đoàn phải hành động, tức là nó diễn ra hoàn toàn tự động.

Thành công của Israel

Trước khi Mỹ đưa ra tuyên bố này, ngay từ năm 2014, Israel đã hoàn thành thử nghiệm và đưa vào ứng dụng hệ thống đánh chặn tên lửa trên máy bay dân dụng. Đặc biệt, sản phẩm của Israel còn thu hút được đơn đặt hàng của nhiều nước.

Theo tờ The Star, Canada đang thúc đẩy đàm phán với các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Israel là Elbit Systems Ltd để cài đặt một hệ thống mới phòng vệ khỏi các cuộc tấn công của tên lửa đất đối không đối với các máy bay dành cho hành khách VIP, bao gồm cả chuyên cơ của Thủ tướng.

Hệ thống Sky Shield trên máy bay dân dụng của Israel.

The Star cho biết thêm, có thể hệ thống mới bảo vệ máy bay của Canada khỏi các cuộc tấn công tên lửa là hệ thống Elbit (C-Music, SkyShield) mà hiện nay cả ba hãng hàng không thương mại của Israel là El Al Israel Airlines, Arkia Israel Airlines và Israir Airlines đều đang sử dụng.

Theo Tướng Eitan Eshel, người đứng đầu của chương trình Nghiên cứu và Phát triển của Bộ quốc phòng Israel: “SkyShield đã trải qua hàng loạt quá trình thử nghiệm phức tạp được diễn ra tại Israel.

Qua các bài kiểm tra hệ thống này đã bảo vệ an toàn cho một máy bay mô phỏng trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa. Các bài kiểm tra bao gồm hàng loạt các mối đe dọa mà các hệ thống của SkyShield sẽ phải giải quyết để bảo vệ một máy bay chở khách thương mại ”.

Hệ thống SkyShield được tích hợp cả hệ thống cảnh báo sớm tên lửa bằng hồng ngoại và hệ thống laser hồng ngoại nên nó có thể gây nhiễu các tên lửa sử dụng đầu dẫn nhiệt, bảo vệ máy bay cỡ lớn tránh khỏi sự tấn công của tên lửa đất đối không.

Hệ thống này có khả năng phát hiện cùng lúc nhiều tên lửa phòng không vác vai và phòng không tầm thấp có đầu dẫn hồng ngoại và làm chệch hướng chúng bằng các chùm tia laser. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống SkyShield chưa có khả năng đánh chặn mà chỉ sử dụng laser cường độ thấp làm chệch hướng các loại tên lửa.

Hiện công ty Elbit đang tiếp tục nghiên cứu tìm cách đánh chặn thực sự các loại tên lửa bằng vũ khí laser để vừa đạt hiệu quả đánh chặn vừa không gây hại đến máy bay.

Hiện Chính phủ Israel đã quyết định sẽ sử dụng hệ thống SkyShield này trên toàn bộ các máy bay dân dụng của mình, để bảo vệ nó trước các hoạt động tấn công máy bay bằng tên lửa vác vai và tên lửa phòng không tầm thấp.

Hệ thống phòng thủ JLENS hoạt động thế nào?

Ngọc Hòa (tổng hợp CAND, DVO)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/he-thong-danh-chan-tren-may-bay-dan-dung-co-khi-nao-3301631/