Hệ thống SHIELD: Mỹ muốn thiết lập phòng thủ Bắc Cực

Xin tiếp tục chủ đề cạnh tranh các cường quốc tại Bắc Cực bằng bài viết cung cấp một số thông tin về hệ thống phòng thủ mới Mỹ sắp triển khai

Bài viết của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Kirill Ryabov. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 16/3/2020.

Bắc Cực đang trở thành thành một khu vực đối đầu mới giữa các cường quốc hàng đầu thế giới. Các nước phát triển quyết tâm vừa khai thác vừa bảo vệ các lợi ích của mình tại khu vực này, kể cả bằng sức mạnh quân sự.

Mới đây, đã xuất hiện thông tin công khai về việc Mỹ sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tích hợp mới mang tên SHIELD để bảo vệ các lợi ích của mình tại Bắc Cực.

Những phát biểu từ chính giới lãnh đạo quân sự Mỹ

Chủ đề khai thác Bắc Cực và cạnh tranh với các quốc gia khác tại khu vực này luôn là một chủ đề được giới lãnh đạo chính trị- quân sự Mỹ quan tâm đặc biệt và rất hay được nhắc tới.

Mới đây nhất, ngày 11/3/2020, trong một phiên điều trần tại Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phương Bắc (NORTHCOM- cách gọi khác:

Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ) kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng thủ Đường không- Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) Tướng Terrence Oshaughnessy đã có những phát biểu thể hiện quan điểm chính thức của giới lãnh đạo Mỹ với những điểm nhấn chính như sau:

Ông cho rằng trong những năm gần đây, một số nước “đối thủ” đã không chịu ngồi yên. Họ đã quan sát, học hỏi, nghiên cứu và phát triển các phương tiện và phương pháp mới để chống lại nước Mỹ.

Kết quả là- đối thủ của Mỹ đã có thể sử dụng những chiến lược mới trong việc tạo ra các mối đe dọa đối với nước Mỹ mà không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Cùng với nhiều nhân tố khác nữa, thực tế này đang tác động mạnh đến sự cân bằng cán cân sức mạnh tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Tướng O'Shaughnessy cũng một lần nữa chỉ ra rằng Bắc Cực không còn là một “bức tường chắn của pháo đài ngăn chặn”, còn các đại dương thì đã không còn là các “mương bảo vệ” (nước Mỹ) nữa.

Kẻ thù tiềm năng đang tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực Bắc Cực, và từ giờ trở đi- những lá chắn phòng thủ che chở nước Mỹ trước đây lại đang biến thành các cửa ngõ (cho đối phương) tiếp cận lãnh thổ nước Mỹ.

Trong những bối cảnh như vậy, nước Mỹ cần một hệ thống bảo vệ thường xuyên và hiệu quả, có thể giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng nhất. Cần đảm bảo khả năng răn đe đối phương và bảo vệ các mục tiêu chủ chốt, tổ chức triển khai lực lượng và v.v.

Các mối đe dọa của thế kỷ XXI

Theo Tướng О’Shaughnessy, hiện đã và đang xuất hiện những thách thức chuyên biệt mới đòi hỏi phải có các biện pháp đáp trả khẩn cấp: “không thể tự bảo vệ mình trước những mối đe dọa của thế kỷ XXI bằng các công nghệ của thế kỷ XX”.

Để đối phó với thách thức này, Tư lệnh NORTHCOM đề xuất tạo lập một hệ thống phòng thủ mới trên hướng Bắc Cực để chống lại các mối đe dọa hiện đại. Một số nội dung hoạt động theo hướng này đã được Mỹ triển khai.

Cụ thể là hiện Lầu Năm Góc đang phối hợp với các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng lập Dự án (chương trình) SHIELD (Strategic Home and Integrated Ecosystem for Layered Defense – tạm dịch- Hệ sinh thái tích hợp chiến lược phòng thủ nhiều tầng).

Mục tiêu của dự án là xây dựng một hệ thống tích hợp mới đảm bảo khả năng giám sát các khu vực nguy hiểm tiềm tàng và tăng cường khả năng nắm bắt tình huống của NORAD và các cơ cấu khác của Các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ.

Làm việc trong mọi môi trường

Tướng T. O’Shaughnessy tiết lộ một số chi tiết của dự án và một số đặc điểm chủ yếu của hệ thống bảo vệ này trong tương lai. Đó là một mạng đa tầng gồm các phương tiện giám sát và trinh sát hoạt động tại các khu vực khác nhau và trong các môi trường khác nhau.

Hệ thống có chức năng đảm bảo sự giám sát liên tục tình huống trên các đại dương, tình huống trên mặt đất, tình huống trên không và trên vũ trụ. Một chức năng có tầm quan trọng đặc biệt nữa là giám sát tình huống trong không gian mạng.

Tất cả những nhiệm vụ này đều có thể được giải quyết bằng các hệ thống và các mẫu phương tiện hiện có.

Các phương tiện giám sát sẽ được kết nối với các hệ thống điều khiển tự dộng hóa. Những hệ thống này có chức năng tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau trên khắp thế giới, sau đó cung cấp thông tin về các mối đe dọa hiện có và đề xuất những biện pháp đáp trả có thể áp dụng để vô hiệu hóa các mối đe dọa đó.

Trong Hệ thống SHIELD sẽ còn có các hệ thống điều khiển các tổ hợp vũ khí phòng thủ hoặc các tổ hợp vũ khí tấn công. Hiện Mỹ chưa tính tới việc thiết kế các hệ thống tác chiến phòng thủ mới. Hệ thống SHIELD sẽ chỉ điều khiển các mẫu vũ khí hiện đang có trong trang bị và đang trực chiến.

Nhìn chung, SHIELD thực ra là một mô hình hiện đại hóa sâu các cơ cấu điều khiển đang hoạt động có tính đến các mối đe dọa mới.

NORTHCOM và NORAD muốn có được khả năng nhanh chóng xác định các vật thể nguy hiểm, nhận dạng chúng và tiêu diệt chúng từ xa. Một hệ thống phòng thủ như vậy sẽ cho phép Mỹ giải quyết các vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia ở khu vực Bắc Cực và cả ở những khu vực khác.

Phát hiện và vô hiệu hóa

Vị Tư lệnh NORAD và NORTHCOM chỉ đưa ra những thông tin rất chung chung về dự án SHIELD và không tiết lộ tất cả các chi tiết kỹ thuật. Mặc dù vậy, những dữ liệu được công bố cho thấy những đặc điểm chính của dự án, các mục tiêu và triển vọng của dự án.

Nhìn chung, hệ thống phòng thủ được đề xuất nói trên rất đáng quan tâm và sẽ rất hữu ích cho Mỹ xét từ quan điểm bảo vệ một hướng có tầm quan trọng chiến lược như hướng Bắc Cực.

SHIELD sẽ là một hệ thống tích hợp thu thập và xử lý dữ liệu, chỉ huy quân đội và điều khiển vũ khí. Về bản chất, đó là việc thay các hệ thống chỉ huy- điều khiển hiện có bằng một hệ thống mói có các tính năng và khả năng ưu việt hơn.

Nhiều khả năng là hệ thống hiện nay của Mỹ đã không còn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu hiện đại và đến lúc phải thay thế.

Trong thành phần của hệ thống SHIELD sẽ có một tổ hợp máy tính chuyên tiếp nhận dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả từ những nguồn hoạt động trong các môi trường khác nhau. Các thông tin từ các phương tiện trinh sát khác nhau được kết nối và xử lý sẽ giúp giảm thiểu khoảng thời gian cần để phát hiện các mối đe dọa.

Để tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, SHIELD có thể sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Và như vậy, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp giảm tải cho các sỹ quan điều khiển trong khi vẫn duy trì được khả năng phân tích đúng tình huống và đưa ra các quyết định.

Rất tiếc là Tư lệnh NORTHCOM và NORAD không đề cập gì đến thời điểm xuất hiện của toàn bộ hệ thống SHIELD hoặc các thành tổ riêng rẽ của nó. Hiện cũng không có thông tin về chi phí thiết kế- chế tạo và đưa vào sử dụng tất cả những phương tiện cần thiết.

Nhưng nếu tính tới các mục tiêu và quy mô các công việc phải làm trong tương lai, có thể dự đoán rằng chi phí cho dự án SHIELD sẽ vào khoảng vài tỷ đô la và sẽ kéo dài chắc chắn là nhiều hơn một năm. Có lẽ, các thông tin chính thức về chủ đề này sẽ sớm có trong tương lai.

Chỉ để chỉ huy và điều khiển

Cần lưu ý rằng chương trình SHIELD chỉ liên quan đến các phương tiện chỉ huy và điều khiển mới.

Hiện Mỹ chưa tính đến khả năng thiết kế chế tạo bất kỳ một kiểu phương tiện giám sát hoặc hệ thống tấn công mới nào. SHIELD sẽ tích hợp các thành phần phòng thủ hiện có và đảm bảo sự tương tác hiệu quả hơn giữa các thành phần đó với nhau.

Có lẽ đây (SHIELD) chỉ là một giải pháp quá độ, và các mẫu vũ khí mới hoặc radar mới chuyên sử dụng tại Bắc Cực sẽ được thiết kế trong tương lai.

Cách tiếp cận như vậy đối với vấn đề hiện đại hóa hệ thống phòng thủ trên một hướng chiến lược quan trọng như Bắc Cực có những ưu điểm rõ ràng, nhưng không phải là không có những nhược điểm.

Hiệu quả tổng thể của hệ thống phòng thủ mới ở Bắc Cực sẽ không chỉ phụ thuộc vào khả năng của hệ thống chỉ huy- điều khiển mà còn phụ thuộc vào các tính năng kỹ- chiến thuật của các mẫu vũ khí và thiết bị quân sự.

Hiện Mỹ đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định tại khu vực Bắc Cực. Tiềm lực quân sự của Mỹ tại khu vực n ày rất hạn chế, và điều này đã được chính các quan chức Mỹ nhiều lần thừa nhận.

Vấn đề trầm trọng nhất đối với Mỹ- đó là thiếu các tàu phá băng hạng nặng đủ khả năng hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Mỹ ở những khu vực vĩ độ cao.

Trong biên chế của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ chỉ có duy nhất một chiếc tàu phá băng hạng nặng như vậy, những tàu mới dự kiến sẽ chỉ xuất hiện sau nhiều năm nữa.

Nhưng mặt khác, Mỹ lại có một cụm quân hỗn hợp lục- không quân khá mạnh trên hướng Bắc. Đồng thời, Mỹ còn có thể tính đến sự hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực Bắc Cực là thành viên NATO.

Các vấn đề hợp tác quốc tế thường xuyên được đưa ra bàn luận và thống nhất với các quốc gia liên quan.

Cụ thể, cách đây không lâu bang Alaska của Mỹ đã trở thành trường bắn cho cuộc tập trận chung Mỹ- Canada mang tên “Arctic Edge 2020”. Còn tại Na Uy, dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung NATO mang tên “Cold Response 2020”.

Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ hiểu rõ sự cần thiết phải phát triển lực lượng của mình một cách toàn diện. Nhưng cùng với đó cũng hiểu rằng trong bối cảnh chính trị - quân sự như hiện nay và tình hình thực tế trên hướng Bắc Cực, ưu tiên hàng đầu lúc này là hoàn thiện các phương tiện chỉ huy và điều khiển.

Giải pháp cho vấn đề này trong tương lai gần chính là hệ thống SHIELD tích hợp nói trên. Chắc chắn sắp tới sẽ có thêm nhiều thông tin mới về hệ thống này. Lầu Năm góc sẽ không bỏ lỡ cơ hội khoe một hệ thống hữu ích như hệ thống SHIELD.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/he-thong-shield-my-muon-thiet-lap-phong-thu-bac-cuc-3405765/