Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé tiếp tục thu hút nhiều ý kiến chuyên gia

Theo GS.TSKH Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TPHCM: Không thể để một vùng đất thấp trũng nhưng màu mỡ của hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang trong tình trạng mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt và không thể phát triển ổn định một cây gì, con gì như hiện nay...

Đoạn sông Cái Lớn. Ảnh: LT

Ngày 20.9, GS.TSKH Lê Mạnh Hùng cho biết, vừa chính thức gửi báo cáo kết quả Hội thảo khoa học về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn I), tỉnh Kiên Giang” (dự án) đến Bộ NNPTNT xem xét, nghiên cứu... Theo đó nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ của dự án là phù hợp với yêu cầu hiện tại cũng như hướng phát triển trong tương lai.

Đoạn sông Cái Lớn. Ảnh: L.T

Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ chủ trì của GS.TSKH Nguyễn Ân Niên - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TPHCM. Ngoài các văn bản khoa học, tại hội thảo còn có 17 ý kiến phát biểu, tranh luận. Các chuyên gia đánh giá cao những ý kiến mang tính dự báo về khả năng tác động của dự án đến hệ sinh thái, môi trường... và xác định đây là phản biện tốt để các bên quan tâm nhằm giảm thiểu những bất lợi có thể xảy ra...

Đa số các ý kiến thống nhất khẳng định, bất kỳ công trình nào tác động vào tự nhiên đều có hai mặt lợi và hại. Vì vậy, nếu cái được nhiều hơn cái mất thì phải ủng hộ. Cụ thể, nhiều chuyên gia khẳng định, dự án, ngoài chức năng kiểm soát nguồn nước để hỗ trợ sản xuất ổn định, phục vụ công tác phòng chống úng ngập, hạn hán... còn là cơ sở để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng... Qua đó đi đến nhất trí: Cần thiết thực hiện ngay dự án như một cách dùng công trình để tạo ra ổn định sản xuất và xây dựng kế hoạch chuyên đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung trong thời gian tới.

“Các ý kiến đã khẳng định không thể để một vùng đất thấp trũng nhưng màu mỡ của hai tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang trong tình trạng mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt và không thể phát triển ổn định một cây gì, con gì như hiện nay... mà cần phải chủ động kiểm soát mặn - ngọt cho vùng đất này bằng hai cống trên hai sông Cái Lớn và Cái Bé” - GS.TS Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm – “Trong tương lai, dự án sẽ tạo điều kiện hình thành khu vực chứa trữ nước ngọt trong mùa khô, chi viện nước ngọt cho các vùng sản xuất phía hạ lưu ven biển Kiên Giang và một số khu vực thuộc Bạc Liêu, Cà Mau”.

Sông Cái Lớn nối thẳng ra biển. Ảnh: L.T

Sau khi nghe 17 ý kiến tranh luận, phản biện, GS.TSKH Nguyễn Ân Niên cho rằng môi trường nước (mặn, ngọt) đều có ích cho con người, là tài nguyên vô giá... Theo GS.TSKH Nguyễn Ân Niên, mọi tác động của con người vào tự nhiên để mưu cầu lợi ích đều có mặt tốt và mặt xấu, chúng ta lựa chọn dự án nào mặt tốt lớn gấp nhiều lần mặt xấu, do đó dự án là sự lựa chọn như vậy.

Lục Tùng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/he-thong-thuy-loi-cai-lon--cai-be-tiep-tuc-thu-hut-nhieu-y-kien-chuyen-gia-631919.ldo