Hết đạn, một đặc nhiệm Anh dùng búa triệt hạ 3 phiến quân Hồi giáo Taliban

Binh sĩ đặc nhiệm không quân Anh đã dùng búa hạ 3 phiến quân Taliban trong cuộc chiến ác liệt ở phía bắc Afghanistan sau khi súng của anh ta hết đạn.

Không phải Mỹ hay Nga mà Anh mới là quốc gia có lực lượng đặc nhiệm khét tiếng nhất thế giới theo xếp hạng của truyền thông phương Tây. Lực lượng đặc nhiệm được nhận vinh dự này chính là SAS.

Đặc nhiệm SAS (Special Air Service - Đặc nhiệm đổ bộ đường không) của Quân đội Anh được thành lập vào ngày 1-7-1941 nhằm thực hiện các chiến dịch đặc biệt trong nước cũng như quốc tế.

Quy mô ban đầu của lực lượng này chỉ tương đương một trung đoàn. Đến năm 1950, quy mô đơn vị được mở rộng với khoảng 3 trung đoàn.

Các trung đoàn thuộc đặc nhiệm SAS được đánh số từ 21 đến 23, trong đó, trung đoàn 22 và 23 làm nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp, đơn vị số 21 dự phòng trong các tình huống khẩn cấp.

SAS có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động chiến đấu đặc biệt, trinh sát bí mật, chống khủng bố, giải cứu con tin, thu thập thông tin tình báo.

Mỗi trung đoàn của SAS được tổ chức với 4 đội, đánh số A, B, D và G.

Mỗi đội có quân số 65 người. Trong mỗi đội lại chia thành 4 đội nhỏ với quân số 15 người/đội (không bao gồm chỉ huy).

Trong mỗi nhóm tuần tra gồm 15 người sẽ có 4 người được đào tạo với chuyên môn đặc biệt về xử lý tín hiệu radio, tháo dỡ bom mìn, y tế hoặc ngôn ngữ học ngoài những kỹ năng cơ bản của một lính đặc nhiệm.

Mỗi đặc nhiệm SAS phải thuần thục các kỹ năng: Lặn, nhảy dù, bắn tỉa, chiến đấu tay không, chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt ở sa mạc hay rừng núi.

Để trở thành thành viên của SAS, các ứng viên phải trải qua quá trình tuyển chọn và đào tạo khắt khe kéo dài trong 6 tháng.

Hàng năm đơn vị tổ chức 2 đợt tuyển quân vào mùa hè và mùa thu.

Mỗi đợt tuyển quân chỉ giới hạn trong 200 ứng viên đáp ứng được các tiêu chí về thể chất.

Sau khi trải qua vòng sơ tuyển họ sẽ bước vào vòng thử thách chính thức để có thể vinh dự đứng vào hàng ngũ của lực lượng SAS.

Theo đó mỗi ứng viên phải hoàn thành bài kiểm tra hành quân đi bộ dài 64 km trong vòng 20 giờ, chạy 6,4 km trong 30 phút, bơi 3,2 km trong 90 phút.

Các ứng viên tiếp tục trải qua đợt huấn luyện tăng cường kéo dài trong vòng 6 tháng.

Do yêu cầu rất khắt khe về thể chất, tinh thần nên mỗi đợt huấn luyện chỉ có khoảng 30 ứng viên vượt qua được kỳ tuyển chọn cuối cùng.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, mỗi lính đặc nhiệm chỉ được phép mắc sai lầm nhỏ một lần duy nhất, nếu tái phạm họ sẽ bị trục xuất khỏi đơn vị vĩnh viễn.

SAS được trang bị các loại vũ khí và thiết bị hỗ trợ hiện đại như: Súng trường M16, HK-417, M4A1, súng bắn tỉa siêu chính xác L115, L96, AW50, tiểu liên MP-5, MP-7 và nhiều vũ khí khác.

Ngoài ra, SAS còn có các phương tiện hỗ trợ như: Kính nhìn đêm, thiết bị chỉ thị mục tiêu laser, trực thăng, xuồng, xe chuyên dụng và nhiều trang thiết bị hỗ trợ hiện đại khác.

Tên tuổi của SAS trở nên nổi tiếng khắp thế giới sau chiến dịch giải cứu thành công các con tin bị một nhóm khủng bố bắt cóc tại Đại sứ quán Iran ở London vào năm 1980.

Ngoài ra, đơn vị còn hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ khác như các chiến dịch tiễu trừ khủng bố IS tại Syria hay các hoạt động tại chiến trường Afghanistan.

Mới đây nhất lực lượng này tiếp tục lập nên chiến công khi một binh sĩ SAA dù súng hết đạn nhưng vẫn có thể triệt hạ 3 phiến quân với chỉ một cái búa.

Vụ việc xảy ra khi các binh sĩ đặc nhiệm Anh và Afghanistan phối hợp thực hiện sứ mệnh đặc biệt nhằm đột kích một căn cứ của phiến quân Taliban ở phía bắc Afghanistan, tờ Sun ngày 17-6 đưa tin. Cuộc tấn công diễn ra vào tháng 1 nhưng mới được tiết lộ.

Khi bị tấn công, nhiều tay súng Taliban, bao gồm cả thủ lĩnh cấp cao của nhóm, chạy trốn vào một hệ thống đường hầm hẹp vốn chỉ đủ để một người di chuyển.

Không đủ không gian để sử dụng các loại súng có nòng dài, một đặc nhiệm không quân Anh (SAS) 29 tuổi đến từ Midlands đã dùng khẩu súng lục Glock 9 mm bắn hạ ba phiến quân.

Khi súng hết đạn, anh dùng chiếc búa mang theo hạ thêm hai tên nữa trước khi bị một tên tấn công.

Tên này sau đó cũng bị đặc nhiệm Anh tiêu diệt gần như ngay lập tức.

"Đó là một cuộc chiến ác liệt giữa sống và chết. Trung sĩ đặc nhiệm Anh bước ra khỏi đường hầm nửa giờ sau đó khi người đã nhuốm đầy máu của chính mình và những phiến quân bị anh tiêu diệt", truyền thông Anh mô tả.

Các binh sĩ Anh bắt đầu hoạt động cùng quân đội Mỹ ở Afghanistan từ năm 2002 nhằm truy tìm và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.

Sau khi lãnh đạo tối cao của Taliban bị tiêu diệt, Anh vẫn duy trì một số lượng đặc nhiệm SAS tại đây nhằm hỗ trợ quân đội chính phủ trong việc huấn luyện và đối phó với nhóm phiến quân.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/anh-het-dan-mot-dac-nhiem-anh-dung-bua-triet-ha-3-phien-quan-hoi-giao-taliban/771991.antd