Hết hạn thu phí, trạm BOT vẫn hiên ngang giữa đường, 'thách thức' tài xế

Các phương tiện qua lại tại trạm thu phí này rất khó khăn vì đường được thiết kế 2 làn xe thô sơ và 2 làn xe ô tô, tuy nhiên đến trạm thu phí lại có đến 6 làn.

Mặc dù đã chấm dứt thời hạn thu phí BOT tại hầm đường bộ Đèo Ngang (Kỳ Anh – Hà Tĩnh), nhưng trạm thu phí của Tổng Công ty Sông Đà vẫn chưa được tháo dỡ, hạ tầng xuống cấp khiến các phương tiện giao thông qua lại gặp nhiều khó khăn.

Gây khó khăn cho các phương tiện giao thông

Được biết, theo hợp đồng BOT thời gian hoạt động của trạm thu phí Đèo Ngang là từ năm 2004 đến năm 2023 mới kết thúc.

Tuy nhiên, do lưu lượng xe qua lại tăng lên nhiều nên đã giảm thời gian thu phí xuống chỉ đến cuối 2016.

Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang đã dừng thu phí cuối năm 2016, nhưng chưa tháo dỡ khiến các phương tiện lưu thông qua lại rất khó khăn.

Theo đó, vào ngày 30/11/2016, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Tổng Công ty Sông Đà tạm dừng thu phí tại trạm thu phí Đèo Ngang.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng yêu Công ty này có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trạm thu phí sau khi dừng thu phí.

Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Tổng Công ty Sông Đà khẩn trương cử cán bộ phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tính toán lại phương án tài chính như: cập nhật số thu phí, các chi phí liên quan trong giai đoạn vận hành khai thác, để xác định thời gian thu phí của dự án và quyết toán hợp đồng dự án.

Tuy nhiên, thời gian qua rất nhiều chủ phương tiện phản ánh, sau khi dừng thu phí trạm thu phí này không tháo dỡ, đoạn đường này xuống cấp, là khúc cua nên rất nguy hiểm và mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua lại.

Trước thực trạng đó, Phóng viên Infonet đã trực tiếp đến hiện trường để xác nhận.

Theo quan sát của PV tại hiện trường, những gì các chủ phương tiện phản ánh là có cơ sở khi hai đầu của trạm thu phí này, nền đường ở nham nhở các vết nứt gãy, bong tróc.

Các phương tiện qua lại tại trạm thu phí này rất khó khăn vì đường được thiết kế 2 làn xe thô sơ và 2 làn xe ô tô, tuy nhiên đến trạm thu phí lại có đến 6 làn, hơn nữa các ụ giảm tốc, giải phân cách các làn rất hẹp.

Anh Nguyễn Văn Cường, chủ phương tiện thường xuyên qua lại ở vị trí này cho hay: “Không những tôi, mà hầu hết các lái xe qua trạm bỏ hoang này đều rất bức xúc, vì nếu đã hết thời gian thu phí phải giải tỏa và khắc phục lại những hư hỏng để cho các phương tiện qua lại được an toàn. Chúng tôi qua trạm thu phí thiếu 1 ngàn đồng họ cũng thu cho bằng được, họ chỉ biết thu tiền chứ có biết đến an toàn cho các phương tiện đâu”.

"Đang chờ ý kiến của Bộ GTVT"

Đưa vấn đề trên trao đổi với ông Lê Ngọc Minh – Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 2, ông Minh cho biết: “Đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Nhưng hiện tại, Tổng Công ty Sông Đà đang trình Bô GTVT xin phương án nâng cấp và mở rộng hầm Đèo Ngang này.

Vì vậy, trạm thu phí cũ vẫn giữ lại chưa tháo dỡ là vì để sử dụng sau khi được Bộ cho phép nâng cấp mở rộng. Để đảm bảo an toàn giao thông ban đêm chúng tôi yêu cầu phía công ty phải bật điện sáng cho các phương tiện qua lại. Còn vấn đề đường xuống cấp, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, nếu hư hỏng thì yêu cầu phía công ty khắc phục ngay”.

Mặt đường hai đầu trạm thu phí này xuống cấp, bong tróc, nứt gãy mất an toàn cho các phương tiện qua lại.

Đại diện của Tổng Công ty Sông Đà tại Hà Tĩnh cũng cho biết: “Hiện đang chờ ý kiến của Bộ GTVT về dự án mở rộng hầm Đèo Ngang sau đó Công ty mới có phương án… ”.

Trước đó, Thanh tra Bộ GTVT, thanh tra tại Trạm thu phí Hầm đường bộ qua Đèo Ngang, thì Công ty này đã thu phí vượt 2 năm so với quy định. Tuy không công bố chi tiết số tiền thu thừa, nhưng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu cập nhật từ trạm thu phí nằm trên cùng trục đường QL 1A của Công ty Tasco ở Quảng Bình, số tiền thu phí vượt thời hạn tại Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang có thể lên đến gần 219 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến trạm BOT của Tổng Công ty Sông Đà tại Hà Tĩnh, hiện công ty này đang sử dụng trạm thu phí cũ của Bộ GTVT tại cầu Rác, để thu phí cho tuyến BOT tránh thành phố Hà Tĩnh.

Việc tận dụng trạm thu phí cũ của Bộ GTVT để thu phí đường tránh thành phố Hà Tĩnh đặt cách tuyến BOT này 30km, khiến các chủ phương tiện không sử dụng tuyến đường tránh vẫn đóng phí bức xúc phản đối khiến Tổng Công ty Sông Đà phải miễn thu phí cho các phương tiện của hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.

Theo infonet.vn

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/thoi-su/het-han-thu-phi-tram-bot-van-hien-ngang-giua-duong-thach-thuc-tai-xe-766770.html