Hết Tết, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn ngóng người làm

Nếu như tại các đơn vị Nhà nước, khu công nghiệp (KCN) công nhân bắt tay vào làm việc từ ngày 30-1 (tức mùng 6 ÂL), thậm chí là ngày mùng 3 Tết thì tại nhiều ngành nghề khác, mặc dù đã qua Rằm tháng Giêng, chủ DN vẫn chờ thợ trở lại làm việc.

DN tư thiếu thợ

Những ngày mưa gió vừa tạm dứt, khách hàng cho xe ô tô đến rửa ngày càng nhiều, có ngày lên tới gần 100 xe khiến anh Thành, chủ một cửa hàng rửa xe ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cùng 4 người thợ làm hoa cả mắt vẫn không hết việc. Trước Tết, đội thợ của anh lên tới 12 người nhưng đến giờ, mặc dù đã qua Rằm tháng Giêng, anh bốc điện thoại gọi khản cả cổ mới được có 4 thợ thuộc diện con cháu trong nhà lên. Những người chưa trở lại, một số xin ở lại quê thêm vài ngày nữa để dự lễ mừng thọ rồi đám cưới người thân, số khác nói xin nghỉ để tìm công việc khác.

Sau Tết, khách hàng liên tục gọi điện yêu cầu hoàn thiện nốt công trình khiến anh Trần Mạnh Hùng, chủ một Cty chuyên làm cửa nhôm Việt Pháp, địa chỉ tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội như ngồi trên đống lửa. Đến giờ, mới chỉ có 15 trong tổng số 25 công nhân tới Cty làm việc. Đặc thù của nghề khá an toàn với bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona đang diễn ra, bởi tại mỗi công trình thợ của anh bao giờ cũng làm việc riêng, không lẫn với các đội thợ khác nên lý do nghỉ của thợ chắc chắn không phải do bệnh dịch. Cứ đà này, không khéo khách hàng hủy hợp đồng như chơi.

Không riêng gì Cty anh, hai Cty cũng chuyên làm cửa nhôm Việt Pháp bên cạnh cũng lâm vào cảnh tương tự. Trước Tết, lãnh đạo động viên anh em cố làm hết ngày 28-12 (ÂL) để ra Tết có sẵn sản phẩm chỉ việc mang tới công trình lắp đặt. Đến giờ, hàng sản xuất trong kho còn khá nhiều nhưng thợ vẫn lác đác trở lại Cty.

Cũng như nghề làm cửa nhôm, nghề làm trần và vách thạch cao của anh Hoàng Mạnh Hải, Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội không liên quan nhiều đến dịch bệnh nCoV bởi lúc thi công có không gian riêng, không liên quan đến các bộ phận khác, cùng lắm là dính dáng một chút tới đám thợ điện. Nhưng sau Rằm tháng Giêng, 4 trong số 8 thợ làm trần và vách thạch cao gọi điện xin nghỉ thêm thời gian nữa. Có người còn nói sẽ ở lại quê để mở cửa hàng trần vách thạch cao riêng. Kể ra họ chủ động trao đổi với anh trước Tết thì còn có hướng khắc phục, đằng này toàn lý do bất ngờ khiến anh không khỏi bị động. Thợ mới lúc này tìm cũng khó chứ đừng nói gì đến thợ lành nghề, đành muối mặt nói khó với chủ công trình mong họ thông cảm chấp nhận kéo dài them thời gian lắp đặt.

Tình trạng lao động tự do trở lại làm việc sau Tết chậm, thậm chí nghỉ việc để kiếm việc khác khá phổ biến, thậm chí như một quy luật. Tình cảnh này diễn ra nhiều nhất trong nhóm xây dựng. Anh Phạm Văn Tình, quê Duy Tiên, Hà Nam hiện đang chỉ đạo đội thợ của mình xây dựng hai công trình tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân và phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, mặc dù có kinh nghiệm và tính đến phương án bổ sung thợ nhưng năm nào cũng vậy hễ sau Tết gần như có tới gần chục người xin trở lại làm việc muộn vì lý do hội làng, mừng thọ, mừng đám cưới người thân, thậm chí xin nghỉ hẳn.

Năm nay cũng vậy, vừa ăn Tết xong đã có 5 người xin nghỉ, lý do ở ngay nơi họ sinh sống có khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam, nhiều DN khan hiếm người làm đến mức chấp nhận nhận cả lao động trên 40 tuổi vào làm việc. Nhiều việc đơn giản, chỉ sau một tuần đào tạo người lao động có thể đứng ngay vào dây chuyền chính trực tiếp tham gia sản xuất. Lương không cao bằng lương thợ xây ở TP, được cái làm việc ngay cạnh nhà vừa có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng, không bị chi phí phát sinh lại được gần gũi gia đình làng xóm.

Sau Tết nhiều gara sửa xe vẫn vắng bóng thợ. Ảnh: G.B.

Các đơn vị Nhà nước, KCN sôi động khí thế làm việc

Khác với một số DN tư nhân, không khí làm việc tại các đơn vị Nhà nước và các khu công nghiệp sôi động từ ngày 30-1 (tức mùng 6 tháng Giêng ÂL). Mọi việc bắt nguồn từ khâu chăm sóc đời sống của người lao động khá tốt. Chị chị Nguyễn Thị Toán, quê Cao Phong, Hòa Bình, công nhân Cty Seev, Khu CN Bắc Thăng Long cho biết mình trở lại Cty làm việc từ ngày mùng 3 Tết. Tuy thời gian ăn Tết với gia đình không nhiều nhưng được cái Cty rất biết quan tâm tới đời sống người lao động.

Tại Cty TNHH Điện tử Asti Hà Nội, 100% công nhân trở lại làm việc ngay từ ngày 30-1. Tết Nguyên đán, công đoàn phát quà cho công nhân là bánh và cà phê; Cty phát một thùng bia. Với sự quan tâm, chăm lo cho người lao động, Cty có mức thưởng Tết nguyên đán bằng 2,7 tháng lương, đồng thời từ ngày 1-1-2020 tăng 8% lương (cao hơn mức tăng của lương tối thiểu vùng).

Theo tổng hợp của Liên đoàn lao động TP Hà Nội, từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, 85% DN đã mở xưởng để sản xuất với 98,1% số công nhân lao động trở lại làm việc (tập trung ở DN khu công nghiệp và chế xuất, ngành Dệt may, DN sản xuất quy mô lớn). Ngay từ những tháng cuối năm, các cấp công đoàn Thủ đô đã chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho công nhân, người lao động, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Riêng Liên đoàn lao động TP Hà Nội chi trên 7,6 tỷ đồng cho hoạt động chăm lo đối với công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Qua khảo sát và báo cáo của các đơn vị (5.025 đơn vị DN), các DN tuy còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, song đã cố gắng thưởng Tết đúng với cam kết đã thông báo cho người lao động và mức thưởng có tăng hơn từ 4-13% so với Tết Kỷ Hợi năm 2019. Riêng khối DN FDI có mức thưởng bình quân là 4.950.000 đồng, tăng 3,1% so với 2019. Trong đó, DN có mức thưởng cao nhất là 325.000.000 đồng, mức thấp nhất là 4.473.000 đồng.

Sau kỳ nghỉ Tết, từ ngày mùng 7 Tết, Liên đoàn lao động TP thành lập 5 đoàn kiểm tra do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách và các Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính và nắm tình hình công nhân lao động sau Tết tại một số công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở trên địa bàn TP.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/het-tet-nhieu-chu-doanh-nghiep-van-ngong-nguoi-lam-179466.html