Hiểm họa cháy nổ từ xe khách

Trong những ngày cận Tết, với mong muốn được trở về sum họp với gia đình dẫn đến nhu cầu di chuyển bằng xe khách của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, hàng loạt vụ cháy, nổ xe khách liên tiếp diễn ra gần đây khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng.

Nhiều xe khách… tự bốc cháy

Vụ cháy xe khách xảy ra gần đây nhất là vào 0h30 ngày 12/12.Thời điểm này, xe khách mang biển kiểm soát tỉnh Điện Biên đang lưu thông đến khu vực cầu Thanh Trì (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Phát hiện cháy, tài xế xe khách hốt hoảng chạy ra ngoài và chỉ sau ít phút, khói đen đã bao trùm toàn bộ xe khách giường nằm. Một số nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, vào thời điểm trên, mọi người nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ chiếc xe khách giường nằm khiến nhiều phương tiện lưu thông gần đó bị giật mình. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Trước đó, tối 21/8, xe khách giường nằm loại 50 chỗ chạy tuyến TP Hồ CHí Minh - Quảng Ngãi đầu gần giao lộ Nguyễn Hậu - Vườn Lài (phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) bất ngờ bốc cháy nghi ngút.

Một số nhân viên xếp hành lý lên khoang xe phát hiện sự cố đã dùng nước, bình chữa cháy mini dập lửa nhưng bất thành. Đám cháy nhanh chóng lan rộng và bao trùm toàn bộ chiếc xe khách. Nhiều tiếng nổ lớn trong xe phát ra khiến những người dập lửa phải tháo chạy. Tại hiện trường xe khách 50 chỗ chỉ còn trơ khung, nhiều hàng hóa chứa trong xe cháy và hư hỏng.

Một vụ cháy xe khác xảy ra vào ngày 28/6, một xe khách đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam. Khi đi đến QL1A, đoạn qua xã Vượng Lộc, (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bỗng nhiên bốc cháy dữ dội. Phát hiện phần đuôi xe bốc cháy, tài xế đã dừng vào lề đường rồi hô hoán, 23 hành khách trong xe nhanh chóng rời xa hiện trường. Lúc này ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, luồng khói đen bốc lên ngùn ngụt. Hành khách trên xe phối hợp cùng người dân địa phương và lực lượng chức năng dùng bình cứu hỏa để dập lửa. Sau gần 30 phút ngọn lửa mới được khống chế nhưng nhiều bộ phận trên xe đã bị cháy đen…

Một chiếc xe khách giường nằm bị cháy chỉ còn trơ trọi khung (Ảnh: TTXVN)

Cần quản lý chặt chẽ

Tại Việt Nam, xe khách giường nằm phổ biến hiện nay là loại 40 - 43 chỗ, trong đó có 2-3 chỗ ngồi của người lái, phụ xe hoặc hướng dẫn viên. Những năm qua loại xe này thường chạy với cự ly trên 300 km và tăng cường chạy về đêm nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách lên xe ngủ, sáng hôm sau đến nơi xuống xe đi làm việc luôn. Cũng để đáp ứng như cầu của khác hàng, xe dường nằm đã được sử dụng trên cả các tuyến đi miền Trung, miền Bắc với cự ly từ trên 500 đến 1.500 km và phải chạy cả ngày lẫn đêm.

Thực tế cho thấy, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe giường nằm thường xảy ra về đêm gần sáng. Do đây là thời điểm phần lớn khách, phụ xe đều đã ngủ. Không còn ai trò chuyện hay nhắc nhở khiến cho tài xế dễ bị lây cơn buồn ngủ và dẫn đến tình trạng mất tập trung khiến tái nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Về nguyên nhân cháy nổ xe khách, nhiều kỹ sư lâu năm trong nghề ô tô cho rằng, khi sản xuất một chiếc xe, người ta đã tính toán một cách khoa học và hợp lý vị trí của từng bộ phận cấu thành chiếc xe. Chính vì vậy mà độ an toàn rất cao. Ít khi có trường hợp xe mới xảy ra cháy nổ. Các cơ quan chức năng cũng chỉ ra rằng, thống kê sau khi khám nghiệm các vụ xe cháy nổ đa số các xe này đã có sự thay đổi trong thiết kế hoặc xe không còn đảm bảo các thông số an toàn cần thiết như thiết kế ban đầu.

Ở Việt Nam, tỷ lệ hoán cải xe rất lớn, từ xe ghế ngồi sang xe giường nằm dẫn đến có sự thay đổi về thiết kế hệ thống điện, tải điện và nhiều chi tiết khác. Khi mà các hệ thống này lắp đặt vào rồi rất khó kiểm tra, kể cả đăng kiểm rất khó kiểm tra chất lượng của hệ thống điện khi lắp xong.

Các cơ quan chức năng cũng cho biết, nhiều chủ xe lắp thêm thiết bị điện không được kiểm soát như thùng đá, tivi, đầu đĩa, đầu karaoke... Các thiết bị điện được lắp đặt thêm này không có trong thiết kế của xe, gây quá tải cho hệ thống điện. Việc sử dụng dây điện không chuyên dụng, mối nối không chặt chẽ cũng tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Trong xe có các vật liệu chống cháy như vách ngăn, nhưng trong quá trình sửa chữa, chủ xe đã thay thế vật liệu khác không đảm bảo chất lượng nên khả năng bắt lửa cao.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến cháy nổ là do thiết kế của xe. Trước đây thùng dầu của các loại xe khách từ trên 40 chỗ được lắp ở khoảng giữa hai bánh trước và sau. Nhưng vị trí này lại quá gần với máy lắp ở cuối đuôi xe nên dễ bị hấp nhiệt gây nóng cho thùng dầu.

Hiện nay, phần lớn xe khách, trong đó có xe giường nằm đã được các hãng chuyển thùng dầu lên lắp ở trước như nêu trên. Tuy nhiên, vị trí này lại ẩn chứa nguy cơ cháy nổ thùng dầu cao khi có va chạm giữa xe với xe.

Khi đã xảy cháy nổ ở phần đầu xe thì sức lan cháy toàn xe giường nằm rất nhanh. Vì lẽ ngoài các loại mốp, xốp cặp bên thành khung xe để làm lạnh trong xe nhanh và giữ nhiệt lâu thì các xe giường nằm còn có đệm lót suốt chiều dài của giường.

Đối với xe ghế ngồi chỉ có nệm lót từ ghế ngồi đến lưng, còn xe giường nằm thì nệm lót suốt từ chân lên đầu nên khối lượng vật liệu dễ cháy trên xe tăng lên rất lớn. Bên cạnh đó, trên các xe giường nằm còn có thêm cả gối và chăn đắp cho khách nên khi xảy cháy nó trở thành vật bắt lửa.

Điều đáng nói là khi xe khách giường nằm xảy ra cháy nổ thì thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Bởi các loại xe này hầu như chỉ có một lối lên xuống duy nhất mà không có lối thoát hiểm cho hành khách trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, tính hai mặt của dây đai an toàn cũng là một nguyên nhân khiến nạn nhân khó thoát khỏi đám cháy. Khi xe va đụng, khách bị choáng và tư thế nằm làm cho người ta khó phán đoán, định phương hướng hơn là ở tư thế ngồi.

Nếu trước đó khách không được hướng dẫn các thao tác tháo dây đai, đập cửa kính, rơi vào lúng túng, mất bình tĩnh thì chính chiếc dây đai lại trở thành dây cột hành khách chặt xuống giường. Khi xe đã cháy ở phần đầu, khói tràn dọc trong xe mà khách không kịp tháo dây đai, thoát khỏi giường thì chỉ cần 2-3 phút là ngạt. Thực tế, khám nghiệm hiện trường, nhiều khách chết vì ngạt trước khi chết vì cháy rụi cùng với vết dây đai vẫn hằn in trên bụng, ngực và thành giường.

Những vụ cháy và tai nạn xe khách giường nằm thời gian gần đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ các xe giường nằm. Trước khi các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp phòng chống cháy nổ cho xe khách giường nằm, để đảm bảo tính mạng và tài sản của hành khách thì trước hết, các chủ xe phải có ý thức thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng phương tiện để kịp thời phát hiện, khắc phục lỗi kỹ thuật có thể có của nhà sản xuất, hoặc phát sinh trong quá trình vận hành.

Mộc Thanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hiem-hoa-chay-no-tu-xe-khach-84648.html