Hiểm họa cho sức khỏe từ các sản phẩm may mặc không rõ nguồn gốc

Những sản phẩm may mặc trôi nổi, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ dùng cho bà bầu và trẻ nhỏ có thể tiềm ẩn các mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe.

Hiện nay, bên cạnh những sản phẩm an toàn, có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ thì vẫn còn những đơn vị, cá nhân vì muốn trục lợi mà tung ra thị trường những sản phẩm nhái, giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Để thu được lợi nhuận cao nhất, những đối tượng đó không ngần ngại nhập về những mặt hàng có chất lượng thấp với giá rẻ nhất có thể, gắn lên đó những nhãn mác của các thương hiệu đã được đăng kiểm rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần.

Những mặt hàng trôi nổi, những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ không thể đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng, về độ an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Nguy hại hơn nếu những mặt hàng đấy được dùng cho trẻ nhỏ và bà mẹ mang thai, bởi đây là 2 nhóm người dễ bị tác động nhất về sức khỏe.

Hoạt động kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của các lực lượng chức năng. (Ảnh: t/l)

Theo TS. Đặng Chí Hiền, Viện Công nghệ hóa học (TP.HCM), trong quần áo nhập lậu từ biên giới, trong các sản phẩm không rõ nguồn gốc có loại chứa hợp chất Aronmatic (thuộc nhóm aronmatic amin thơm) sử dụng trong công đoạn nhuộm quần áo. Đây là loại hợp chất dễ thâm nhập vào quần áo, gây kích ứng da, mẩn ngứa, dị ứng, viêm nhiễm, thậm chí có thể gây ung thư.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, khoa Hóa học, đại học KHTN TP.HCM cho biết, trong công nghiệp, các sản phẩm may mặc, da giày hay các vật liệu có màu sắc thường sử dụng phẩm màu azo. Các phẩm màu này có khả năng chuyển hóa thành những hợp chất thơm, có nồng độ pH cao.

“Khi nhuộm các sản phẩm dệt may, lượng amin thơm được thải ra khá lớn. Nếu khâu xử lý kém thì các hợp chất amin thơm sẽ tồn tại trong sản phẩm sau khi nhuộm. Việc tiếp xúc với các amin thơm thường gây ra triệu chứng đau đầu, thiếu máu, giảm thị lực. Nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ gây ung thư bàng quang, gan, vú, hệ thống tiết niệu”, PGS Mai nhấn mạnh.

Bà Mai cũng khuyến cáo, để giảm thiêu sự tiếp xúc với các amin thơm trong quần áo không được xử lý thuốc nhuộm tốt, không nên mặc đồ mới mua về mà phải đem giặt nhiều lần cho đến khi hết ra màu thuốc nhuộm. Như vậy mới có thể đảm bảo an toàn cho da trẻ khi tiếp xúc.

Bên cạnh đó, có những loại quần áo chứa độc chất formol. Loại chất này được phun vào quần áo, vải may mặc để diệt khuẩn. Nếu tiếp xúc với cơ thể ở nồng độ thấp, chất này có thể gây dị ứng, mẩn ngứa với người mẫn cảm, gây phồng rộp giác mạc, kích ứng mũi họng gây chả nước mắt, hắt hơi. Nếu quần áo chứa lượng formol nồng độ cao có thể gây cảm giác buồn nôn, khó thở, rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, loại chất trên có thể loại bỏ dần khi giặt. Do đó, để phòng tránh, khi mua quần áo về không nên mặc ngay cho trẻ. Hãy giặt qua nước vài lần để tan hết lượng độc chất dính trong quần áo, phơi khô rồi hãy sử dụng.

Tổ chức Hòa bình xanh (Trung Quốc) cũng từng công bố kết quả kiểm nghiệm về những mẫu sản phẩm quần áo trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc có chứa nhiều chất độc hại có thể gây rối loạn hormone, ung thư và có nguy cơ vô sinh cao. Nhiều loại quần áo được kiểm định có chứa chất NPE (chất gây rối loạn hormone), chất phthalate (có độc tính cao đối với hệ sinh sản).

Theo TS.Nguyễn Du Sanh, khoa Sinh học, đại học KHTN TP.HCM, nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng chất NPE vì ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh, hormone của con người.

Nhiều loại quần áo nhập từ biên giới, đặc biệt là các sản phẩm không rõ nguồn gốc có độ pH rất cao. PGS.TS Nghiêm Xuân Thung, khoa Hóa, Đại học KHTN HN cho biết, quần áo có nồng độ pH cao quá 8,0 sẽ không tốt cho sức khỏe người mặc, nhất là đối với trẻ nhỏ.

“Nồng độ pH cao trong quần áo trẻ dễ dàng tan ra khi trẻ có mồ hôi. Lúc này, trẻ sẽ có cảm giác ngứa, rít khó chịu, thậm chí viêm loét da”, PGS Thung cảnh báo.

Theo một số quy định trong ngành dệt may, các sản phẩm dành cho trẻ em và sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da cần có độ pH trong khoảng 4 đến 7,5 để đảm bảo không gây kích ứng da hoặc làm giảm khả năng bảo vệ da trước vi khuẩn, virus gây bệnh khi sử dụng.

Một mặt hàng khác cũng gây nguy hại đến trẻ nhỏ nếu không được kiểm định về chất lượng, là bao tay, bao chân cho trẻ sơ sinh.

PGS.TS Nguyến Tiến Dũng, khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, ông đã gặp một số trường hợp trẻ đeo bao tay, bao chân bị các sợi chỉ thừa trong đó siết vào ngón tay, ngón chân. Nếu để bị siết quá lâu rất dễ xảy ra hoại tử đầu ngón. Do đó, nên tìm mua quần áo, bao tay, bao chân… loại có đường may lộn trái sẽ an toàn hơn cho trẻ nhỏ.

Do đó, để tránh những mối nguy hại đến từ các sản phẩm may mặc nhập lậu, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi sắm đồ cho bé hay sắm đồ cho các bà mẹ đang mang thai, người tiêu dùng nên tìm đến những cửa hàng quần áo trẻ em, quần áo bà bầu có uy tín, chất lượng để mua hàng. Khi mua hàng, nên kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm; kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh mua phải những sản phẩm nhái, giả, tráo mác.

Minh Châu

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/thoi-su/hiem-hoa-cho-suc-khoe-tu-cac-san-pham-khong-ro-nguon-goc-12797