Hiểm họa khó lường vì... coi thường luậtBài 2: Trả giá vì thói quen xấu

Để tiết kiệm một vài phút, không ít học sinh, sinh viên hồn nhiên tạt ngang giữa dòng xe cộ qua đường. Đã có quá nhiều tai nạn thương tâm xảy ra từ những người trẻ có thói quen xấu...

Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 9, khu vực cổng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nườm nượp sinh viên.

Nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô nên mật độ người và phương tiện lưu thông qua đây rất đông. Mặc dòng xe máy, ô tô đang lao vun vút trên đường, mặc chiếc cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường chỉ nằm cách đó chừng 50m…, từng tốp 4 – 5 học sinh nắm tay nhau xen lẫn vào dòng xe cộ.

Trong cái nắng trưa oi ả, có những cú phanh gấp, những ánh mắt khó chịu ném về phía những người trẻ. Vài anh lái taxi phải nhanh chóng tạt ngang sang trái, sang phải để tránh gây ra một vụ tai nạn… khiến khung cảnh giao thông càng thêm phần hỗn loạn.

Khi bị “chất vấn” về việc sang đường không đúng nơi quy định, Nguyễn Minh Tuấn (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) biện minh: “Mình thấy sang đường ở đây tiện hơn vì không mất thời gian lên, xuống cầu vượt”.

Thực tế, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra chỉ vì thói quen xấu của những người đi bộ. Cô Nguyễn Thị Cúc (người bán đồ ăn vặt nhiều năm nay ở khu vực cổng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm do các cháu tạt ngang dòng xe cộ để sang đường. Đặc biệt, tai nạn thường không xảy ra vào những giờ cao điểm, đông xe cộ đi lại mà hay xảy ra vào ngày mưa gió hoặc giờ trưa vắng người. Khi ấy, phương tiện bị hạn chế tầm nhìn, đi nhanh hơn giờ cao điểm... Nhẹ thì có cháu què chân, gãy tay. Nặng là những ca chấn thương sọ não, thậm chí mất mạng”.

Nhớ lại vụ tai nạn xảy ra cách đây 3 – 4 tháng, cô Cúc chia sẻ: “Hôm ấy là giữa trưa, tôi đang ngủ gật ở quán hàng thì nghe rầm một tiếng thật to. Ngoảnh ra thì thấy một cháu học sinh nằm vật giữa đường, rên la đau đớn. Chiếc xe máy lăn lóc cách đó không xa, vỡ yếm. Cậu lái xe ôm Grab cũng ngã và lăn xa đi một đoạn. Nguyên nhân tai nạn là bởi cháu học sinh mải băng qua đường mà không nhìn chiều xe đi lên. Lái xe Grab chạy nhanh cho kịp chuyến hàng, không làm chủ được tốc độ nên đâm phải”.

Không chỉ cô Cúc mà mọi người chứng kiến tai nạn đều cho rằng, lỗi phần nhiều là do bạn học sinh đi bộ sang đường không đúng nơi quy định. Bác Nguyễn Văn Ánh (lái xe ôm ở khu vực cổng trường) bày tỏ: “Tôi thấy rất nhiều cháu học sinh có ý thức kém khi tham gia giao thông. Cầu vượt ngay cạnh đó thì để không không đi, lũ lượt kéo nhau sang đường. Thậm chí, có lúc các cháu vừa đi vừa che ô, nô đùa ầm ĩ. Như vậy, thử hỏi tai nạn làm sao không xảy ra?”.

Để loại bỏ hành động xấu này đồng thời ngăn ngừa tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực cổng trường, bác Ánh đề xuất giải pháp: “Các nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giám sát học sinh, sinh viên của mình và có biện pháp xử lý mạnh. Chính bản thân các cháu phải nhận thức được hành động xấu của mình là hiểm họa dẫn đến tai nạn giao thông, không chỉ đe dọa tính mạng bản thân mà còn ảnh hưởng đến người và phương tiện khác. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng có thể lập chốt ở ngay khu vực này để tuyên truyền và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm”.

(còn nữa)

Ngọc Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-2-tra-gia-vi-thoi-quen-xau-d2056126.html