Hiểm họa khó lường vì… coi thường luậtBài 5: Hiến kế để giảm thiểu tai nạn giao thông

Để giảm thiểu hậu quả do tai nạn giao thông rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là thanh, thiếu niên. Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ và 'hiến kế' góp phần giải bài toán học búa này…

Mai Thị Thu (Hà Đông, Hà Nội): Nghiêm chỉnh chấp hành luật mọi lúc, mọi nơi

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.012 người và bị thương 10.319 người. Phần lớn tai nạn do người dân vi phạm các lỗi như: Đi sai làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, chuyển hướng không chú ý, không nhường đường, vượt xe sai quy định, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…Ở Hà Nội, khi không có công an trên đường, nhiều người coi đó như là “cơ hội” để vi phạm luật. Khi những tai nạn đáng tiếc xảy ra, mọi việc đều đã muộn, hậu quả để lại rất thương tâm.

Theo tôi, chấp hành nghiêm Luật Giao thông chính là một việc làm cần thiết trước tiên để phòng ngừa tai nạn. Chúng ta cần đọc, tìm hiểu và tự rèn cho mình thói quen tuyệt đối tuân thủ luật. Tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu khi mỗi người tự ý thức của mọi người được nâng cao.

Nguyễn Thu Anh (Cầu Giấy, Hà Nội): Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông

Văn hóa giao thông là thực hiện những hành vi ứng xử theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, nhân văn, tạo nên thói quen cư xử đúng pháp luật và ý thức tự giác bảo đảm trật tự an toàn cho bản thân và mọi người… Tuy nhiên, hiện nay, không ít người trẻ chưa xem trọng vấn đề này. Chúng ta dễ dàng gặp những hành vi “bất ổn” khi tham gia giao thông, chẳng hạn như: Mạnh ai nấy đi, dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu, đi ngay cả khi đèn đỏ, đi đường ngược chiều, có những va chạm vô tình và rất nhỏ nhưng có thể gây nên ẩu đả…

Theo tôi, những điều đó là một phần nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Bởi vậy, khi ra đường, chúng ta cần thực hiện văn hóa giao thông, như: Đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ, dừng đỗ xe đúng quy định, đội mũ bảo hiểm đúng quy định; không vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường…

Lương Thị Lê (Thanh Xuân, Hà Nội): Hãy trở thành tuyên truyền viên tích cực

Hiện nay, cùng với các cấp, ngành, tổ chức Đoàn, Hội, Đội đã rất tích cực trong việc tuyên truyền về an toàn giao thông. Để mỗi người dân thực hiện nghiêm túc luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn được coi là một trong các giải pháp hiệu quả. Từ công tác này giúp nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi của mọi người theo hướng tích cực.

Dựa vào thế mạnh sức trẻ, nhiệt huyết, trí tuệ, đoàn viên, thanh niên chúng ta cần xung kích đi đầu, trở thành những tuyên truyền viên tích cực, vận động gia đình, người xung quanh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp cần liên tục cập nhật, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tạo sức hấp dẫn đối với đông đảo đoàn viên, thanh niên như, sử dụng hình thức sân khấu hóa, tiểu phẩm, trưng bày ảnh, tờ rơi, pano, áp phich… tuyên truyền rộng rãi thông điệp tới mọi người.

Bình Minh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bai-5-hien-ke-de-giam-thieu-tai-nan-giao-thong-d2056241.html