Hiểm họa khủng bố từ các phần tử cực đoan vào châu Âu bằng đường 'chính ngạch'

Cuối tháng 1 vừa qua, lực lượng chức năng của Pháp đã bắt giữ một người đàn ông từng tham gia nhóm 'thánh chiến' cực đoan nhất Syria. Điều đáng quan tâm là, khi bị bắt giữ, đối tượng này đang được hưởng lợi ích từ chương trình trao đổi sinh viên do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao một phần tử khủng bố 'có tiếng' lại dễ dàng đến châu Âu một cách 'đường đường chính chính' như vậy? Phải chăng công tác theo dõi, giám sát, phát hiện các phần tử khủng bố vẫn còn nhiều kẽ hở?

Cựu quan chức cấp cao của nhóm thánh chiến cực đoan đội lốt "Nhà nghiên cứu"

Người đàn ông 32 tuổi bị bắt giữ hôm 29-1-2020 tại Marsaille, Pháp tên là Majdi Mastafa Nameh (còn có biệt danh là Islam Alloush). Majdi Mastafa Nameh là người phát ngôn của nhóm phiến quân Jaysh al-Islam tại Syria. Majdi Mastafa Nameh đã làm giả hồ sơ danh tính và sống ở Pháp nhờ thị thực sinh viên Erasmus. Điều này đồng nghĩa rằng, khi sống ở miền Nam nước Pháp, đối tượng này hoàn toàn được EU bảo trợ.

Theo thông tin do ba tổ chức phi chính phủ tham gia hỗ trợ cảnh sát tìm ra tung tích của Alloush là Trung tâm Truyền thông và tự do ngôn luận Syria (SCM), Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Liên đoàn Vì quyền con người (LDH), Alloush từng là cựu đội trưởng, trước khi trở thành quan chức cấp cao và phát ngôn viên của Jaysh al-Islam.

Các chiến binh của tổ chức khủng bố Jaysh al-Islam.

Các chiến binh của tổ chức khủng bố Jaysh al-Islam.

Alloush rất thân cận với thủ lĩnh Zahran Alloush, người thành lập nhóm vào năm 2011 và giữ vai trò lãnh đạo cho đến khi chết trong một cuộc tấn công vào năm 2015. Đối tượng này đã đăng ký khóa học 3 tháng tại Trường Đại học Aix-Marseille và đến Pháp vào đầu tháng 1 vừa qua. Trước đó, Alloush theo học tại Đại học Istabul ở Thổ Nhĩ Kỳ và từng đến Hungary với tư cách một sinh viên.

Thông tin từ hãng AFP cho hay, Majdi Mastafa Nameh bị buộc tội "tội ác chiến tranh", "tra tấn" và đồng phạm trong các vụ mất tích. Đối tượng này từng trực tiếp tham gia các vụ bắt cóc, tra tấn và ép buộc trẻ em tham gia nhóm phiến quân Jaysh al-Islam. Để đến được Pháp, Alloush đã gửi thư xin học bổng do EU tài trợ. Đối tượng này cũng bày tỏ tự hào là có đến 50.000 người theo dõi trên Twitter. Alloush giới thiệu là nhà nghiên cứu chuyên về cuộc xung đột ở Syria

Hôm 1-2 vừa qua, thông qua mạng xã hội Instagram, nhóm thánh chiến Jaysh al-Islam lên tiếng yêu cầu Pháp trả tự do cho Alloush và cho rằng, những cáo buộc chống lại cựu chiến binh nhằm bôi nhọ hình ảnh của nhóm. Jaysh al-Islam cho biết, Nameh là người phát ngôn cũ, đã rời nhóm vào năm 2017. Kể từ thời điểm đó, Jaysh al-Islam đã chấm dứt mọi quan hệ với Nameh.

Hadeel Oueis, một nhà báo người Syria đã theo dõi sát sao hoạt động của nhóm phiến quân và các nhà lãnh đạo của Jaysh al-Islam cho biết, Alloush đóng vai trò chính trong việc nhận hỗ trợ tài chính từ nước ngoài để phục vụ hoạt động quân sự của nhóm. Người sáng lập Jaysh al-Islam, Zahran Alloush tin tưởng và thường xuyên trao đổi với Alloush về việc nhận hỗ trợ tài chính cho nhóm trong những năm đầu hoạt động.

Được biết, Jaysh al-Islam còn được gọi là "Quân đội Hồi giáo", nổi lên ở Syria vào năm 2011, hoạt động chủ yếu ở vùng Douma, ngoại ô thủ đô Damascus. Ước tính, vào thời kỳ "đỉnh cao", Jaysh al-Islam có hơn 20.000 chiến binh.

Mặc dù không tàn bạo như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng nhóm phiến quân này cũng có "số má" ở địa phương. Hiện nay, mặc dù chưa tan rã nhưng Jaysh al-Islam đã suy yếu nhiều. Phần lớn các chiến binh của Jaysh al-Islam đã bỏ vũ khí hoặc gia nhập các nhóm phiến quân khác ở phía Tây Bắc của Syria

"Mở đường" cho cuộc điều tra đầu tiên về tội ác của Jaysh al-Islam

Năm 2015, một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, một số dân thường bị Jaysh al-Islam nhốt trong lồng làm lá chắn sống ở Douma. Jaysh al-Islam cũng bị nghi ngờ có liên quan đến vụ bắt cóc nhà hoạt động xã hội Syria - Razan Zaitouneh cùng chồng Wael Hamada và hai đồng nghiệp Samira Khalil, Nazem Hammadi vào tháng 12 - 2013.

Cho đến thời điểm này, vụ án vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Zaitouneh là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Cô lên án mạnh mẽ cuộc xung đột ở Syria, bao gồm cả hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan như Jaysh al-Islam.

Vào tháng 6-2019, các nhóm quyền, trong đó có FIDH đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với các thành viên của Jaysh al-Islam vì tội ác của nhóm này, bao gồm: bắt cóc, hành quyết con tin, tra tấn đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Jaysh al-Islam nhắm vào những người bị nghi ngờ ủng hộ chính quyền nhưng cũng có thể là thường dân bị buộc tội không tuân thủ các quy định do nhóm đặt ra hoặc vì họ thuộc thiểu số tôn giáo.

Cùng với đó, khoảng 20 nạn nhân và gia đình cũng lên tiếng tố cáo Jaysh al-Islam. Sau một thời gian theo dõi, các nhóm nhân quyền đã cảnh báo chính quyền Pháp về sự hiện diện của Nameh ở miền Nam nước Pháp.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, vụ bắt giữ Alloush sẽ "mở đường" cho cuộc điều tra đầu tiên về tội ác của nhóm phiến quân vũ trang này. "Chúng tôi chắc chắn rằng, cuộc điều tra sẽ làm sáng tỏ những tội ác nghiêm trọng của Jaysh al-Islam, trong đó có sự biến mất của luật sư nổi tiếng và nhà hoạt động nhân quyền Razan Zaitouneh cùng chồng và hai đồng nghiệp.

Người dân Syria xứng đáng được biết những gì đã xảy ra với cô ấy. Việc bắt giữ Alloush còn có ý nghĩa khẳng định sự nỗ lực cố gắng của các tổ chức nhân quyền trong nhiều năm để đưa những người bị buộc tội ác chiến tranh ra công lý", Luật sư Clémence Bectarte của FIDH nói.

Ông Bassam al-Ahmad, Giám đốc điều hành của tổ chức "Syrians for Truth and Justice" nhận định, có lẽ, đây là trường hợp đầu tiên mà một nhà lãnh đạo phe đối lập Syria bị truy tố ở châu Âu. Động thái này sẽ mang lại hy vọng cho các gia đình nạn nhân, đồng thời, khuyến khích hoạt động của các nhóm nhân quyền trong cuộc chiến ở Syria.

Nguy cơ các phần tử cực đoan trà trộn trong dòng người di cư đến châu Âu

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và hòa bình (IEP) cho hay, trong năm 2019, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ khủng bố giảm đáng kể so với những năm trước nhưng các vụ tấn công lại xuất hiện ở những địa điểm mới cùng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Một kết quả nghiên cứu ở Pháp cho biết, nhiều người trẻ ở châu Âu có quan điểm cực đoan, ủng hộ các nhóm khủng bố ở Trung Đông.

Cảnh sát Anh làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tấn công bằng dao ở cầu London hồi tháng 11-2019.

Một trong những mối đe dọa là hành lang nhân đạo dành cho vợ con các tay súng từng tham chiến ở các điểm nóng hồi hương. Gần đây, Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang Nga Aleksander Bortnikov cho biết, ít nhất 2.000 người là vợ và con các tay súng khủng bố là công dân Nga đã đi qua các điểm nóng tại Trung Đông và có thể quay trở về Nga thông qua các hành lang nhân đạo.

Điều đáng quan tâm là, trong những người trở về có những phần tử mang quan điểm tôn giáo cực đoan và được thủ lĩnh của các tổ chức khủng bố quốc tế coi là người tuyên truyền, liên lạc viên cho mạng lưới khủng bố bí mật.

Bên cạnh đó, những người trong làn sóng di cư cũng là đối tượng được nhắm đến của các phần tử khủng bố. Chúng tìm cách tiếp cận đối tượng thuộc các nhóm dễ tổn thương, có điều kiện sống khó khăn để lôi kéo, tuyển mộ phần tử khủng bố. Tháng 11-2019, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã cảnh báo, châu Âu sẽ sớm phải đối mặt với làn sóng người tị nạn mang theo âm mưu khủng bố từ Trung Đông.

Sự phát triển của truyền thông xã hội đã "tiếp tay" cho hoạt động của các nhóm khủng bố. Các nhóm khủng bố hay phần tử cực đoan hoạt động riêng lẻ đều rất am hiểu kỹ thuật số. Chúng lợi dụng "sức mạnh số" để đăng tải tuyển mộ chiến binh, phóng đại thương vong, gây chia rẽ cộng đồng, đăng tải tuyên ngôn của nhóm cũng như "tạo cảm hứng" cho những phần tử cực đoan khác.

Khi bị chặn trên các trang mạng phổ biến, các phần tử khủng bố tìm đến các nền tảng công nghệ khác. Sự xuất hiện của các nhóm cực đoan bạo lực hoạt động trên mạng internet đang bị "bỏ rơi" vì các quốc gia đang tập trung "mũi nhọn" vào IS và Al-Qaeda. Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, ngoài vũ khí thông thường, các phần tử khủng bố sẽ sử dụng các loại vũ khí sinh học và hóa học để thực hiện hành vi tấn công.

Những ngày đầu năm 2020, nhiều quốc gia châu Âu liên tiếp đối mặt với âm mưu tấn công khủng bố. Hôm 3-1, Cảnh sát Hà Lan xác nhận, nhiều bom thư được gửi tới các thành phố của nước này, trong đó có 2 thư gửi tới Amsterdam, 1 thư gửi tới Utrecht và 3 thư gửi tới Rotterdam. Cũng vào đầu tháng 1, tại Pháp, một phần tử cực đoan đã dùng dao sát hại một người đàn ông 56 tuổi và làm trọng thương vợ của người đàn ông trong công viên Hautes-Bruyères, thành phố Villejuif, nằm ở phía Nam ngoại ô Paris. Sau đó, kẻ tấn công tiếp tục truy lùng và tìm cách sát hại những người khác trong công viên và bãi đậu xe của siêu thị gần đó. Gần đây, Áo cũng phải đối mặt với âm mưu tấn công khủng bố tại Chợ Giáng sinh, gần Trung tâm Thủ đô Vienna. Tham gia âm mưu khủng bố này có ba đối tượng nam giới bị ảnh hưởng tư tưởng của IS.

Mạnh Tường (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/hiem-hoa-khung-bo-tu-cac-phan-tu-cuc-doan-vao-chau-au-bang-duong-chinh-ngach-581116/