Hiểm họa lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Để tăng sức đề kháng, kích thích tăng trưởng cho vật nuôi, nhiều người chăn nuôi vì thiếu hiểu biết hoặc cố ý đã trộn lẫn kháng sinh vào chuỗi thức ăn. Đây là mối nguy hại của việc kháng thuốc cho cộng đồng vì không thực hiện đúng quy định chuyên môn khiến kháng sinh tồn dư trong thực phẩm, vương vãi trong môi trường…

Bộ trưởng Y tế yêu cầu kiểm soát kháng sinh ngay từ khâu thức ăn chăn nuôi.

Trộn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi

Theo các chuyên gia, kháng sinh ra đời là bước ngoặt lớn trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Theo đó, kháng sinh sử dụng để điều trị bệnh cho con người và cho cả vật nuôi. Kháng sinh không chỉ được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm mục đích trị bệnh và kích thích tăng trưởng.

Tại Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi. Việc sử dụng kháng sinh trong khẩu phần ở một tỷ lệ hợp lý có tác dụng tăng năng suất vật nuôi, cải thiện hệ số tiêu tốn thức ăn và phòng ngừa tiêu chảy, từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích tích cực của kháng sinh thì việc sử dụng bừa bãi sẽ gây ra tác hại rất lớn cho sức khỏe cộng đồng. Theo đó, việc lạm dụng kháng sinh sẽ tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc do thu nhận thêm thông tin di truyền và do đột biến nhiễm sắc thể mà tạo ra các dòng vi khuẩn mới kháng lại một loại kháng sinh nào đó. Làm rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột… gây tiêu chảy nặng, kéo dài và thiếu các Vitamin E, K do vi khuẩn đường ruột tạo ra. Ngoài ra, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của con người khi sử dụng.

Được biết, do tác hại của kháng sinh, nhiều nước cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi hoặc có những quy định nghiêm ngặt về chủng loại cũng như liều lượng kháng sinh được phép sử dụng.

Truy xuất nguồn gốc chặt chẽ để ngăn chặn thịt chứa kháng sinh

Tại buổi làm việc liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến (Bộ trưởng Bộ Y tế) đã đặc biệt quan tâm đến việc truy nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt vào dịp Tết sắp tới để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cần thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kịp thời phát hiện việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ngay từ nguồn thức ăn hoặc điều trị bệnh, quy trình sử dụng kháng sinh cho vật nuôi.

Theo đó, việc tồn dư kháng sinh trong các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nếu không có giải pháp triệt để sẽ khiến nguy cơ kháng kháng sinh trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Vì thế cần sản xuất thực phẩm an toàn, nói không với kháng sinh, chất phụ gia, chất bảo quản nguy hại… sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng ngay lúc đầu. Điều này đảm bảo công tác dự phòng, giảm gánh nặng bệnh tật…

Về việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại TPHCM, đặc biệt dịp Tết sắp tới, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế) cho biết, TPHCM là địa bàn trọng điểm nơi tập trung các cơ sở sản xuất, chế biến, trung chuyển thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến và có lượng tiêu thụ lớn nhất. Hiện nay tại địa bàn này vẫn đang thực hiện nghiêm túc và ráo riết trong giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố… Theo đó, việc giám sát nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt nhân dịp Tết Nguyên đán.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 47/2018 thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại quận/huyện/thị xã và phường/xã/thị trấn. 9 địa phương trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Gia Lai sẽ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP theo quyết định trên.

Theo đó, thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ thanh tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Thanh tra chuyên ngành ATTP cũng sẽ thanh tra việc thực hiện các tiêu chuẩn có liên quan đến ATTP do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm. Thanh tra hoạt động quảng cáo, ghi nhãn đối với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; hoạt động chứng nhận hợp quy, kiểm nghiệm ATTP và việc thực hiện các quy định khác của pháp luật về ATTP… Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 10.1.2019.

K.ĐỒNG

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/hiem-hoa-lam-dung-khang-sinh-trong-chan-nuoi-652208.ldo