Hiểm họa môi trường từ hàng triệu ắc quy thải bỏ

Việt Nam sẽ có khoảng 60 triệu xe mô tô và ô tô các loại, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu loại ắc quy hết hạn sử dụng trở thành phế thải.

Ắc quy cũ thải loại được phó mặc cho đội quân đồng nát thu gom, tái chế trước sự rũ bỏ trách nhiệm của các nhà sản xuất, phân phối (Trong ảnh: Một người mua gom ắc quy cũ tại đại lý ắc quy ở số 929 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Anh Đức

Ắc quy cũ thải loại được phó mặc cho đội quân đồng nát thu gom, tái chế trước sự rũ bỏ trách nhiệm của các nhà sản xuất, phân phối (Trong ảnh: Một người mua gom ắc quy cũ tại đại lý ắc quy ở số 929 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Anh Đức

Tại Việt Nam ước tính hàng năm có hàng trăm nghìn tấn pin, ắc quy thải bỏ từ các phương tiện giao thông cho đến các thiết bị, đồ gia dụng. Tuy nhiên, dù đã có quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý loại rác thải nguy hại này nhưng việc triển khai gần như chưa được thực hiện.

Doanh nghiệp sản xuất chưa thực hiện quy trình

Dự báo đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 60 triệu xe mô tô và ô tô các loại, điều này, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu loại ắc quy hết hạn sử dụng trở thành phế thải. Đó là chưa kể nhiều loại vật dụng khác cũng sử dụng ắc quy. Sự độc hại tác động đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường của ắc quy đã qua sử dụng đã được cảnh báo từ lâu.

Theo quy định hiện nay, nhà sản xuất phải có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc thu hồi, xử lý loại rác thải độc hại này đang còn là một lỗ hổng lớn.

Theo công bố của Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (Pinaco) - đơn vị sản xuất ắc quy lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, trên toàn quốc doanh nghiệp này có 5 điểm thu hồi ắc quy và pin thải bỏ đặt tại 4 địa phương là TP HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 25/9/2019, tại điểm thu hồi ắc quy thải của Pinaco tại số 2 Đặng Thái Thân (Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận đây thực chất là điểm bán và giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp, trong khi theo công bố trên trang web chính thức của doanh nghiệp, đây cũng là điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ của Pinaco tại miền Bắc.

Thực tế cho thấy, địa điểm này không tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật tại điểm thu hồi ắc quy thải bỏ, được quy định trong Thông tư 34/2017/TT-BTNMT. Cụ thể, điểm thu hồi ắc quy thải của Pinaco không có biển báo “Điểm thu hồi ắc quy thải bỏ”, thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy; không có vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp hóa chất rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn; không được trang bị hộp sơ cứu vết thương; bình chứa dung dịch soda gia dụng để trung hòa khẩn cấp vết bỏng axit.

Một cán bộ kỹ thuật của Pinaco cho biết: “Pinaco hiện giờ không xử lý những ắc quy đã qua sử dụng. Chúng tôi có những đơn vị chuyên xử lý chất thải nguy hại, được thuê làm việc này. Cũng không có chuyện người dùng vứt ắc quy ra ngoài đường vì đó là đồ vứt đi nhưng vẫn có giá trị bán lại, chắc chắn sẽ có người mua gom. Về hành vi tự ý thu mua ắc quy của người dân, công ty không thể biết và khó có thể kiểm soát hết, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường tại các địa phương”.

Thậm chí khi trao đổi với PV Báo Giao thông về việc thu gom ắc quy thải, người phụ trách marketing của Công ty TNHH Eni-Florence Việt Nam (trụ sở tại KCN Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình - đơn vị sản xuất ắc quy nhãn hiệu Enimac) cho hay: “Về giấy phép thu hồi và vận chuyển chất thải nguy hại của các đại lý thì công ty không kiểm soát, không nắm được”.

Một doanh nghiệp sản xuất ắc quy lớn là Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam cũng công bố 8 điểm thu hồi ắc quy thải, đặt tại các tỉnh phía Nam, gồm 5 điểm tại TP HCM, 2 điểm tại Bình Dương và 1 điểm tại tỉnh Tây Ninh. Như vậy, ở khu vực miền Bắc và miền Trung, GS chưa thiết lập được điểm thu gom ắc quy thải loại. PV đã gửi công văn đề nghị cung cấp thông tin về quy trình thu gom, lưu trữ vận chuyển ắc quy thải nhưng đại diện Công ty Ắc quy GS nói: “Thời gian này công ty chưa thể có câu trả lời”.

Khảo sát của PV Báo Giao thông cũng ghi nhận tình trạng nhiều đơn vị sản xuất và nhập khẩu, phân phối ắc quy nhưng không hề có điểm thu hồi ắc quy, hoặc có vài điểm thu hồi nhưng hoàn toàn không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thậm chí có đơn vị hoàn toàn phó mặc cho... những người buôn đồng nát!

Phải ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất

“Anh không trả lời cái này được đâu”

Theo quy định của Thông tư 34/2017/TT-BTNMT về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, Khoản 1, Điều 9 quy định rõ việc công bố thông tin điểm thu hồi ắc quy thải cũng là trách nhiệm của Tổng cục Môi trường, phải được công bố trên cổng thông tin của cơ quan này (www.vea.gov.vn) để người dân tra cứu, tuy nhiên trên Cổng thông tin của cơ quan này chưa thực hiện công bố theo quy định.
Tuy nhiên, dù PV Báo Giao thông đã rất nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Tổng cục Môi trường đề nghị làm việc về nội dung này, song Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài luôn cáo bận và nói: “Anh không trả lời cái này được đâu…”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ThS. Trần Trọng Tuấn, giảng viên Khoa Cơ khí (Đại học Công nghệ GTVT) phân tích: “Theo tính toán của chuyên gia kinh tế, đến năm 2021, Việt Nam có thể có 60 triệu xe mô tô và ô tô các loại. Nhu cầu tăng dẫn đến tỉ lệ tăng trưởng sản xuất ắc quy chì ở nước ta hàng năm cũng không ngừng tăng lên.

Ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16 về việc thu hồi những loại sản phẩm thải bỏ, bao gồm ắc quy và pin từ các phương tiện giao thông cơ giới. Nghị định số 38/2015 của Chính phủ và Thông tư 34/2017 của Bộ TN&MT là những văn bản pháp lý được xây dựng rất chặt chẽ, nhằm ràng buộc trách nhiệm của các nhà sản xuất, phân phối ắc quy ra thị trường”.

“Thực trạng ở Việt Nam hiện nay là chưa thực hiện hiệu quả những quy định này, bởi các lý do: Thứ nhất là chi phí thu hồi, xử lý ắc quy thải hiện đã tiệm cận, thậm chí tốn kém hơn chi phí sản xuất ra ắc quy mới, nên các doanh nghiệp sản xuất ắc quy không mặn mà với việc thu hồi ắc quy thải.

Thứ hai là nhà sản xuất không cạnh tranh nổi với những người buôn “đồng nát” trong việc đến hang cùng ngõ hẻm để thu mua bình thải. Cuối cùng là chế tài với các vi phạm về ắc quy thải chưa đủ mạnh, chưa buộc các nhà sản xuất và nhập khẩu có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình”, ông Tuấn cho hay.

Cũng theo ThS. Trần Trọng Tuấn, giải pháp ràng buộc pháp lý có thể nhiều cách, chẳng hạn như doanh nghiệp phải truyền thông về thu hồi sản phẩm thải ra tương đương với truyền thông khi tiêu thụ sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ bằng công cụ thuế với nhà sản xuất ắc quy có mạng lưới thu hồi ắc quy phủ rộng ở nhiều tỉnh thành, tỷ lệ thu hồi cao.

Theo chủ gara - kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, doanh nghiệp ắc quy nào cũng đều có mạng lưới phân phối của mình, nên chính doanh nghiệp có thể tổ chức việc thu hồi sản phẩm của mình đạt hiệu quả. Hiện nay, chi phí thu hồi được tính là chi phí sản xuất của doanh nghiệp ắc quy, nên có thể họ phải tiết giảm ở mức phù hợp. Để thu gom ắc quy hiệu quả, nên chăng tính toán đẩy giá ắc quy lên ở mức hợp lý và trích phần tăng giá đó vào chi phí thu hồi thì mới cải thiện tình hình.

TS. Trần Hữu Minh

TS. Trần Hữu Minh - Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia: "Hiện nay đang có xu hướng phát triển mạnh các dòng xe chạy điện. Nói chung đây là xu hướng rất thân thiện với môi trường, mặc dù không tốt bằng xe đạp cơ, bởi xe đạp cơ còn mang tính rèn luyện sức khỏe và không tạo vấn đề về pin. Tuy nhiên, xe sử dụng pin sẽ phát sinh vấn đề thu gom, tái chế pin. Đây là vấn rất lớn chứ không phải đơn giản bởi khi pin lọt ra môi trường mà không được xử lý hợp lý thì mức độ ô nhiễm sẽ rất kinh khủng".

TS. Chu Mạnh Hùng

TS. Chu Mạnh Hùng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT): "Hiện, Việt Nam có khoảng gần 10 triệu phương tiện ô tô, xe nội bộ và xe máy điện sử dụng ắc quy cỡ trung. Với tần suất khoảng 3 năm phải thay một lần thì ước tính, mỗi năm có khoảng 3,3 triệu bình điện cũ bị thải bỏ. Đó là chưa kể bình điện cỡ nhỏ (dưới 12Ah) của xe máy phổ thông thì rất nhiều, khó thống kê chính xác.

Thực trạng các sản phẩm thải bỏ từ phương tiện giao thông như ắc quy, dầu thải và thậm chí cả xe máy, ôtô “hết đát” được dân đồng nát mua với giá cao hơn so với cơ sở thu gom xử lý có giấy phép bởi thực tế, việc tái chế những sản phẩm này đang là sinh kế ở nhiều hộ gia đình, nhiều làng nghề. Vì thế, dù các quy định về xử lý sản phẩm thải bỏ đã rất chặt chẽ nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, rất cần có thêm chế tài đủ mạnh để nhà sản xuất ắc quy, người dân có trách nhiệm trong việc thu hồi sản phẩm thải bỏ, tránh gây tổn hại đến môi trường".

Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch

Lê Văn Tạch - Kỹ sư ô tô: "Nhiều người vẫn nói trong bình ắc quy khô không có dung dịch là chưa chuẩn, thực ra trong bình “ắc quy khô” vẫn có một lượng dung dịch nhất định, là hỗn hợp pha trộn giữa axit sunfuric (H2SO4) với nước (H20). Dung dịch này đổ ra môi trường thì cực kỳ độc hại, các gara thường không muốn động vào, hỏng thì thay".

Tùng Lê - L.Anh (Ghi)

Lam Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hiem-hoa-moi-truong-tu-hang-trieu-ac-quy-thai-bo-d437540.html