Hiểm họa tiềm ẩn từ xe công nông

Những chiếc xe công nông không đèn, không một dấu hiệu cảnh báo và thậm chí người lái vẫn không học luật... nhưng vẫn lưu thông tấp nập trên các tuyến đường liên huyện, tỉnh và thậm chí cả quốc lộ... Loại xe này đã, đang và dự báo sẽ là mối hiểm họa lớn cho người và phương tiện lưu thông cùng tuyến.

Một xe công nông không đèn vẫn lưu thông trên tuyến Quốc lộ 14.

Có mặt trên tuyến Quốc lộ 14 đoạn gần thị trấn Chư Sê (H. Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vào buổi chiều tối, trong khoảng 20 phút chúng tôi đã bắt gặp hơn 10 chiếc công nông lưu thông qua lại. Những chiếc xe lầm lũi đi trong bóng tối, không đèn chiếu sáng, không một dấu hiệu cảnh báo, chỉ đến khi những chiếc xe này đến gần mới nhận ra bởi tiếng máy nổ đặc trưng. Dù khoảng cách chỉ vài chục mét cũng khó có thể phát hiện một chiếc xe rộng gần 2m, dài 4-5m đang lưu thông trên đường, chúng đang tạo ra nỗi khiếp sợ đối với những người tham gia giao thông. Nhất là trong cao điểm mùa thu hoạch nông sản, có hàng loạt chiếc như vậy đi vào lúc chập choạng tối trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở Tây Nguyên. Cũng chính vì lý do này nhiều vụ TNGT chết người đã xảy ra khi người điều khiển phương tiện khác không kịp xử lý khi đột ngột phát hiện trước mặt là một chiếc xe công nông đang rầm rầm lao tới. Nguy hiểm hơn, những lái xe công nông này còn chở thêm cả hàng tá người trên xe, và khi xảy ra va chạm, hậu quả thật khó lường.

Vụ TNGT thảm khốc xảy ra vào cuối tháng 11-2015 vẫn ám ảnh đối với người dân ở làng Tơ Vơn 2, xã Ia Khươl, H. Chư Păh (Gia Lai) khi trong làng có 5 người chết. Cụ thể, vào lúc 21 giờ 30 ngày 27-11-2015, trên tuyến Quốc lộ 14 xe công nông do Rơ Châm Hrung (1986, trú xã Ia Phí, H. Chư Păh) điều khiển chở 12 người phía sau thùng xe đã bị ô-tô BKS 81M - 5781 do Cao Đại Trọng (1986, trú Chư Ty, H. Đức Cơ, Gia Lai) tông từ phía sau khiến 5 người tử vong, 7 người bị thương. Đây là những người dân làng Tơ Vơn 2 đi làm thuê được Hrung dùng xe công nông để chở về làng. Tang thương phủ kín buôn nghèo.

Trong vụ tai nạn trên, ngoài lỗi của lái xe tải thì chiếc xe công nông trên lưu thông không hề có đèn, hay gắn biển phản quang nào trên xe. Đó cũng là lý do khiến nhiều tài xế xe tải, xe khách lưu thông trên các tuyến quốc lộ qua Tây Nguyên thót tim không ít lần. Anh Nguyễn Hữu Lý, một lái xe tải thường xuyên chở hàng hóa lưu thông trên tuyến QL14 cho biết: "Nhiều lần mình đã phải toát mồ hôi hột khi xe đang lưu thông tốc độ khá cao trên quốc lộ thì lù lù trước mặt là chiếc xe công nông không hề có thiết bị chiếu sáng ban đêm nào. Chưa kể, nhiều con lộ đã phân chia làn đường dành cho xe thô sơ nhưng người ta không đi vào đó mà cứ đi vào làn dành cho xe cơ giới khiến nguy cơ tai nạn rất dễ xảy ra".

Trong khi đó, ý thức của người điều khiển xe công nông vẫn còn rất kém, dù các địa phương cho họ viết cam kết, như: không lưu thông ra tỉnh lộ, quốc lộ, không chở người, phải lắp biển phản quang, đèn chiếu sáng... nhưng vẫn đâu vào đấy. Ông Nguyễn Hữu Nhơn (trú TT Chư Sê, H. Chư Sê) hồn nhiên gãi đầu phân bua khi bị lực lượng CSGT dừng xe nhắc nhở bởi xe không hề có một đèn chiếu sáng nào: "Hệ thống chiếu sáng thì xe không có nhưng mình có chuẩn bị đèn pin, lỡ có trục trặc xe cộ thì mình còn đi về nhưng giờ mình chưa bật thôi...".

Một vụ TNGT khi xe "công nông" lưu thông từ đường ngang ra Quốc lộ 19 thiếu quan sát.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giao thông- Vận tải, hiện toàn khu vực Tây Nguyên có gần 145.000 xe công nông, trong đó tỉnh Đăk Lăk có nhiều nhất với khoảng 80.000 chiếc, Gia Lai xếp thứ 2 với gần 38.000 chiếc. Cũng theo thống kê, hầu hết các phương tiện này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có đèn tín hiệu, còi, đèn chiếu sáng ban đêm, hạn chế về điều kiện an toàn kỹ thuật... Thậm chí, nhiều phương tiện được độ, chế thêm để phục vụ sản xuất. Trong khi đó, việc sát hạch lấy giấy phép lái xe đối với người điều khiển phương tiện này gặp nhiều khó khăn và chỉ có khoảng 10% người điều khiển có bằng lái xe hạng A4.

Dù nhiều tồn tại là thế nhưng khó có loại phương tiện nào đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nông sản, phục vụ sản xuất trước địa hình phức tạp ở Tây Nguyên như loại xe này. Thế nên, các tỉnh Tây Nguyên đều đã ban hành các quy định quản lý xe công nông trên địa bàn. Trong đó có quy định phạm vi và thời gian hoạt động.

Thế nhưng, do điều kiện các tỉnh Tây Nguyên chưa có nhiều đường dân sinh, đường gom dành cho phương tiện này hoạt động nên nhiều nơi xe công nông vẫn lưu thông trên một số đoạn tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Trung tá Nguyễn Minh Tuấn- Phó đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT CA tỉnh Gia Lai cho biết: việc xử lý xe công nông vi phạm gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là nhắc nhở, vận động.

Với những tồn tại, hạn chế hiện nay, xe công nông tham gia giao thông ảnh hưởng không nhỏ tới TTATGT, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Do vậy, công tác quản lý xe công nông như thế nào để vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa bảo đảm TT ATGT là rất cần thiết. Vấn đề này đòi hỏi phải có giải pháp quản lý phù hợp từ khâu sản xuất, đến đăng ký, lưu hành phương tiện và cả nhận thức về Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển loại phương tiện này.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_200626_hiem-hoa-tiem-an-tu-xe-cong-nong.aspx