Hiểm họa từ những “đống sắt vụn” di động

ANTĐ - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tổng số xe ô tô hết niên hạn sử dụng tính đến thời điểm 1-1-2012 là 77.478 xe. Trong đó có 45.611 xe chở hàng và 31.867 xe chở người. Tuy nhiên đó chỉ là con số thống kê trên giấy, còn trên thực tế những “đống sắt vụn” di động vẫn chạy ầm ầm trên đường phố tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.

Hiểm họa trên đường phố

Vừa qua, lực lượng phối hợp liên ngành đã tổ chức đợt kiểm tra lưu động chất lượng xe khách tại các bến xe của Hà Nội như BX Mỹ Đình, BX Phía Nam, BX Nước Ngầm, BX Gia Lâm,... phát hiện nhiều xe ô tô khách không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt nhiều xe có vấn đề về phanh hay các bộ phận an toàn. Điều đáng nói, không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra từ những chiếc xe “mất phanh” như thế này. Với những xe đã quá niên hạn, mức độ nguy hiểm càng tăng cao. Bởi, mặc dù được bảo dưỡng định kỳ đúng hạn, đúng kỹ thuật. Đến tuổi, những bộ phận an toàn của xe không còn ăn khớp, khả năng xảy ra hỏng hóc bất chợt rất lớn. Những trường hợp thường thấy là mất lái và mất phanh.

Thêm nữa, những chiếc xe “hết đát” này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ. Thỉnh thoảng trên đường phố, người dân lại được phen náo loạn khi một chiếc ô tô bỗng nhiên bốc cháy. Nguy hiểm hơn là không chỉ xe có tải trọng nhỏ mà các xe có tải trọng lớn như xe tải, xe chở khách cũng đã nhiều lần bị cháy để lại hậu quả lớn. Theo một kỹ sư ô tô cho biết: “Khi xảy ra tai nạn, bình xăng cũ hỏng cùng các ống dẫn nhiên liệu đã hoen gỉ dễ dàng là vật dẫn cháy rất nhanh. Những chiếc xe như vậy thường không có các thiết bị thoát hiểm, thoát nạn tại chỗ như búa thoát hiểm, bình cứu hỏa mini.

Những vụ cháy xe vừa qua là một ví dụ điển hình. Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ cháy xe xảy ra vào 2h sáng 7-1 trên km 1680, Quốc lộ 1A (đoạn qua thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Chiếc xe container mang biển số 79N-2133 kéo theo rơ-moóc chạy hướng từ Khánh Hòa vào TP.HCM đã tông vào chiếc xe khách đường dài Hoàng Long biển số 16L-3406 sau đó tông thẳng vào chiếc xe khách 17K-2934 (xe khách của HTX vận tải ô tô Tiến Bộ Thái Bình, chạy tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu - Thái Bình) đều chạy từ TP.HCM ra. Cú tông mạnh làm xe container và xe khách biển số 17K-2934 cháy bùng. Xe khách bốc cháy dữ dội làm hành khách không kịp thoát thân. Có đến 10 người bị chết, trong đó có người bị lửa thiêu và 22 người bị thương nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bình Thuận. Theo những nhân chứng trên xe khách bị cháy rụi kể lại: “Lúc tai nạn xảy ra, mọi người đều đang ngủ say. Chỉ nghe thấy một tiếng nổ lớn, tất cả phần đầu xe đều chìm trong màn lửa, do bất ngờ và không tìm thấy công cụ thoát hiểm nên đa phần những người ngồi phía trước đều thiệt mạng”.

Khó quản lý

Trong số gần 80.000 phương tiện phải trở thành sắt vụn theo quy định còn rất nhiều trường hợp trốn, không chịu giao nộp đăng ký xe và biển kiểm soát cho các cơ quan chức năng. Nhiều chủ xe vẫn ngang nhiên đưa những đống sắt vụn tiềm ẩn những nguy cơ ra lưu thông trên đường phố. Theo đúng quy định, niên hạn sử dụng của xe chở người nguyên bản không quá 20 năm, xe chở người chuyển đổi công năng từ các loại xe khác không quá 17 năm và xe chở hàng không quá 25 năm. Hầu hết các lái xe và chủ xe đều nắm được quy định này bởi xe lưu thông vẫn phải đi kiểm định định kỳ mỗi năm một lần. Cũng chính vì thế, nhiều chủ xe biết xe sắp hết hạn thường trốn không đi kiểm định, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Trên lý thuyết, đúng ngày 1-1-2012, cả 77.478 chiếc xe được liệt vào “hàng phế thải” này phải trở thành đống sắt vụn không được lưu thông trên đường.

Tuy nhiên chỉ trong 2 tuần đầu đợt thử nghiệm kiểm tra lưu động, lực lượng liên ngành đã phát hiện 30% số xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, 15% số xe không đạt tiêu chuẩn về phanh. Tất cả các xe khách bị “phục kích” đều được yêu cầu kiểm tra ngẫu nhiên các hạng mục trong vòng 20 phút/xe. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết xe khách không đảm bảo chất lượng về kỹ thuật và môi trường, do chủ xe không bảo trì, bảo dưỡng đúng quy định. Theo đó, các xe khách không đảm bảo yêu cầu đã được lực lượng liên ngành tạm giữ giấy tờ xe và buộc mang xe đi bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại.

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, thời gian gần đây, nhiều loại xe cũ nhập khẩu được nhập ồ ạt về Việt Nam. Trong đó, nhiều xe đã được “mông má” để che mắt cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc xác định niên hạn nếu không được xử lý dứt điểm dễ phát sinh nhiều nguy cơ gây TNGT và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các khu vực đô thị.

Nhiều chiêu “né”… luật

Cánh chủ sở hữu xe gần đến tuổi “về hưu” thường rỉ tai nhau những chiêu thức để tiếp tục sử dụng xe đã hết niên hạn. Một chủ xe ở Mỹ Đình cho biết, trong đội xe của anh có 1 chiếc đã hết niên hạn từ năm ngoái nhưng nhà tiếc của, mà xe vẫn “chạy tốt” nên anh vẫn tặc lưỡi cho xe tiếp tục lưu thông trên đường. Chủ xe này còn tìm ra “mánh” để đối phó bằng cách chỉ sử dụng xe hết niên hạn chở hàng. Và xe chỉ được chạy vào buổi tối. Nếu bị cảnh sát giao thông hỏi, các tài xế sẽ không trình sổ kiểm định (dù có mang theo).

Theo lời một tài xế cho biết: “Đi xe quá niên hạn lúc nào cũng lo ngay ngáy. Chỉ sợ nhất gặp phải lực lượng chức năng. Nếu bị để ý đến tem kiểm định dán trên kính xe thì chỉ có nước bỏ xe”. Để “lách” kiểm tra, nhiều lái xe đã chỉnh sửa trực tiếp vào sổ kiểm định, sau đó đem đi photocopy và chỉ xuất trình bản photo khi bị cảnh sát giao thông “sờ gáy”. Nhiều trường hợp bị phát hiện và kiên quyết xử lý, chủ phương tiện sẽ phải tính đến việc “bổ xe” ra bán lấy tiền nộp phạt. Nếu bán phụ tùng không đủ tiền nộp phạt thì chủ xe cũng bỏ luôn. Tâm lý của những chủ xe hết niên hạn là chấp nhận phương án: 50-50, kiểu gì cũng mất, tội gì không làm thêm vài chuyến.

Có một vị cán bộ thanh tra giao thông từng vướng vào cảnh dở khóc dở cười khi chủ xe là một phụ nữ đã ngoài 50 nhưng cứ nhất nhất xin tha với lý do: “Tôi vừa lấy lại cái xe hết hạn này, chưa chạy được chuyến nào thì bị bắt”. Công an Hà Nội từng phát hiện nhiều vụ việc tương tự. Mới đây, Đội CSGT số 5 khi kiểm tra chiếc xe khách BKS 20K-3886 loại 47 chỗ ngồi do một lái xe ở Thái Nguyên điều khiển đã phát hiện ngoài lỗi chở quá số người quy định, sổ đăng kiểm cho phương tiện lưu hành của chiếc xe khách đã quá niên hạn sử dụng từ tháng 3-2009. Không những vậy, lái xe khách trên còn sử dụng giấy kiểm định giả, nhằm đánh lừa cơ quan chức năng.

Làm thế nào để ngăn chặn?

Mặc dù, các trung tâm kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống như: Thu sổ chứng nhận kiểm định khi xe đến kiểm định lần cuối cùng, dán tem kiểm định có dấu hiệu đặc biệt, báo hiệu cho chủ xe, lái xe, các cơ quan kiểm soát biết số xe đó sắp hết niên hạn sử dụng, xây dựng các chương trình cảnh báo từ chối kiểm định đối với danh sách xe hết niên hạn, xây dựng cảnh báo đối với các sổ chứng nhận kiểm định của xe hết niên hạn sử dụng để chủ phương tiện, lái xe không chịu nộp lại sổ cũng không thể lợi dụng sửa chữa nhằm hợp thức hóa các xe nhập lậu hoặc xe vi phạm khác….

Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), cũng đã có những biện pháp nhằm hạn chế lượng xe quá niên hạn vẫn lưu thông trên đường bằng cách chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trong cả nước tuyên truyền, phổ biến quy định của Chính phủ về niên hạn sử dụng xe ô tô, gửi thông báo đến các chủ phương tiện có xe sắp hết niên hạn sử dụng… Song dường như những biện pháp đó cũng chưa đủ tính cưỡng chế buộc các lái xe phải chấp hành. Các lái xe cần phải nhận thức được rằng việc lưu hành những chiếc xe không đảm bảo an toàn không chỉ gây tai nạn cho những người tham gia giao thông mà nó còn được coi là những “bản án tử hình” đối với các lái xe.

Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đề nghị tăng mức xử phạt đủ mạnh để răn đe những trường hợp đưa phương tiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và môi trường vào lưu thông, cũng như quy trách nhiệm tới chính quyền các địa phương nếu để xảy ra trường hợp chủ phương tiện cố tình đưa những xe này tham gia giao thông. Các cơ quan liên ngành cần có một cuộc tổng rà soát kiểm tra giấy tờ cũng như các điều kiện kỹ thuật, thông số an toàn của các loại xe ô tô, đối với những xe hết niên hạn, kiên quyết cấm không cho lưu thông, nếu lưu thông sẽ bị xử phạt nặng bằng hình thức tịch thu phương tiện hoặc tước giấy phép lái xe.

Những cán bộ làm công tác đăng kiểm không nên dễ dàng phẩy tay cho qua đối với những xe chưa đảm bảo các yếu tố kỹ thuật. Đồng thời việc kiểm tra phải tiến hành thường xuyên, liên tục trong thời gian dài để các xe “hết đát” không có điều kiện tham gia giao thông. Song một điều rất quan trọng là cần phải quản chặt “nguồn” cung cấp xe cũ, thị trường ô tô cũ ở Việt Nam đang hoạt động rầm rộ, nguyên nhân vẫn có một lượng xe cũ rất lớn nhập khẩu về Việt Nam. Không có lý gì lại dễ dàng cho phép nhập khẩu những “đống sắt vụn” về Việt Nam để hủy hoại môi trường của chính chúng ta và gây nên những hiểm họa khôn lường.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông đường bộ, Điều 19 có quy định: phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (nếu có quy định về niên hạn sử dụng); sử dụng sổ chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy (kể cả rơmoóc và sơmi rơmoóc).

Điểm đ, khoản 6, Điều 19 Nghị định này cũng quy định: Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả như, tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày.

Bằng Minh

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/xa-hoi/hiem-hoa-tu-nhung-dong-sat-vun-di-dong/425764.antd