Hiểm họa từ vi phạm hành lang an toàn giao thông trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình

Sau hơn nửa năm chính thức được thông xe, đưa vào sử dụng, tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình đang có khá nhiều công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông và tự ý đấu nối vào đường, gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện.

Nguy cơ mất an toàn giao thông

Thời gian gần đây, một số cá nhân, tổ chức cố tình xâm lấn đất đường bộ, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình kiên cố trong khu vực hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Nghiêm trọng hơn, tình trạng đấu nối trái phép, vận chuyển đất, đá không đảm bảo quy định an toàn và vệ sinh môi trường diễn ra ngày một nhiều. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các phương tiện khi lưu thông trên tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình.

Qua quan sát của phóng viên, trên dọc tuyến đường, nhiều đoạn được đổ đất để san lấp mặt bằng, đổ đất lấp toàn bộ phần thượng lưu, hạ lưu của cống thoát nước ngang đường, phá hủy các bậc rãnh nước, rãnh đỉnh taluy.

Một số cá nhân, tổ chức cố tình san lấp đất trong hành lang an toàn giao thông

Một số cá nhân, tổ chức cố tình san lấp đất trong hành lang an toàn giao thông

Một số cá nhân, tổ chức còn xây dựng công trình kiên cố sát mép đường, trong phạm vi đất bảo vệ đường bộ, đất của dự án đã giải phóng mặt bằng. Thậm chí, một số cá nhân, tổ chức còn tự ý đấu nối vào tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình

Tình trạng này diễn ra phổ biến và khá công khai trên suốt tuyến đường nhưng chưa thấy cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, ngăn chặn các cá nhân, tổ chức cố tình xâm lấn đất đường bộ.

Đổ đất lên taluy âm trên tuyến đường

Tổng cục Đường bộ quản lý trực tiếp

Để làm rõ việc này, phóng viên báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã có buổi làm việc với ông Lê Ngọc Quản - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình. Ông Quản cho biết, tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp quản lý, phương hướng sẽ giao cho Cục quản lý đường bộ I. Đến thời điểm bây giờ chưa bàn giao chính thức, vẫn đang trong thời gian nghiệm thu để đưa vào sử dụng.

Theo ông Quản, hiện nay, tuyến đường này là đường cấp III đồng bằng chứ chưa phải là cao tốc, tuy nhiên vẫn thuộc quy hoạch là đường cao tốc nên tuyến đường đã được cắm mốc giải phóng mặt bằng giai đoạn II nhưng chưa cắm mốc lộ giới.

Sở GTVT Hòa Bình đã báo cáo lên UBND tỉnh và UBND tỉnh đã báo cáo lên Bộ GTVT. Hiện Bộ GTVT đã bàn giao Tổng cục Đường Bộ Việt Nam quyết toán để cắm bổ sung mốc lộ giới.

Đoạn mở lối đấu nối với tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình

Liên quan đến vấn đề đấu nối, ông Quản cho biết, khi bàn giao chính thức, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉnh quy hoạch đấu nối.

Đối với tình trạng các điểm đấu nối đang phát sinh, Sở GTVT đã xin ý kiến của UBND tỉnh Hòa Bình và ý kiến của Bộ GTVT. Hiện Bộ GTVT đã chấp thuận đấu nối tại một số điểm nhưng rất ít, chủ yếu là các điểm nút giao dân sinh. Mới chỉ có 2 điểm được chấp thuận đấu nối là 2 cây xăng, còn các điểm khác đang xin đấu nối.

“Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo không cho đấu nối trực tiếp nữa mà phải theo hình thức là tự làm đường gom về các nút giao dân sinh gần kề”, ông Quản cho biết thêm.

Một đoạn được đổ đất san mặt bằng và đấu nối trực tiếp vào tuyến đường

Chưa xử lý triệt để

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện tượng vi phạm hành lang an toàn giao thông, xâm lấn đất đường bộ diễn ra từ trước và sau thời điểm thông xe đưa vào sử dụng (ngày 10/10/2018). Tuy nhiên, các cơ quan quản lý tỉnh Hòa Bình vẫn chưa kiên quyết trong công tác xử lý, dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm.

Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thìn - Phó giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình (Công ty BOT QL6), cho biết, công ty đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan chuyên ngành các cấp phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền, vận động, kiểm tra và có biện pháp kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Một công trình mới được hoàn thành và đã tự ý đấu nối tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình

Cụ thể, ngày 22/12/2018, Công ty BOT QL6 đã có công văn số 375/BOTQL6-KHKT gửi UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo một số trường hợp khai thác đất, san lấp mặt bằng vào phạm vi đất của dự án, lấp toàn bộ phần thượng lưu, hạ lưu của cống thoát nước ngang đường (làm mất tác dụng thoát nước của cống, gây lụt khu vực trong mùa mưa). Một số hộ dân còn đào phá taluy dương, xây dựng công trình kiên cố sát mép đường.

Công ty BOT QL6 cũng liên tiếp có công văn số 73/BOTQL6-KTHT ngày 15/3/2019 và công văn số 82/BOTQL6-KTHT ngày 21/3/2019 về một số hộ dân cố tình tái phạm, dùng máy xúc, xe ô tô đào phá taluy dương, xâm phạm vào diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng, phá dỡ phần bê tông rãnh cơ dẫn nước đỉnh taluy dương, mở đường đấu nối ra đường Hòa Lạc – Hòa Bình.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình có tổng mức đầu tư 2.723 tỉ đồng, được khởi công vào tháng 5/2014.

Trong đó, đoạn quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai (Hà Nội) - Hòa Bình dài 30,36 km được hoàn thành nâng cấp, thu phí từ 20/10/2015 tại trạm thu phí km 42+730 quốc lộ 6.

Còn đường Hòa Lạc - Hòa Bình được đầu tư mới, nối tiếp đại lộ Thăng Long đến xã Trung Minh, TP Hòa Bình, được thông xe ngày 10/10/2018. Tuyến đường này được hoàn thành giai đoạn I với quy mô đường cấp III đồng bằng rộng 12m với 2 làn xe.

Để hoàn vốn dự án, liên danh nhà đầu tư Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội (Hanco) - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc được thu phí tại trạm thu phí ở km 17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Thời gian thu phí cả hai tuyến đường dự kiến là 27 năm 6 tháng 9 ngày.

Ví dụ như trường hợp của gia đình ông Đạt (người địa phương khác đến mua đất) cố tình tái phạm nhiều lần tại lý trình Km18+200 (phải tuyến) cách mố trụ cầu M2 của cầu Đèo Bụt I khoảng 60 (md) tại xóm Chằm Cun, xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Theo ông Thìn, để xử lý triệt để tình trạng này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Cục quản lý đường bộ I và chính quyền địa phương) và chủ đầu tư dự án.

Được biết, ngày 26/3/2019, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã có công văn số 1763/TCĐBVN-QLBTĐB gửi UBND tỉnh Hòa Bình, Cục quản lý đường bộ I về việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm phần đất dành cho đường bộ dọc tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Thực tế, hiện tượng này vẫn diễn ra mà không hề có dấu hiệu suy giảm, nhiều đoạn vẫn đang được san lấp mặt bằng, thậm chí có nhiều công trình đã được xây dựng xong và tự ý đấu nối trực tiếp vào tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình mà không hề bị xử lý.

Liệu những vi phạm này có được xử lý triệt để, các cá nhân tổ chức vi phạm có khắc phục hậu quả và hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu hay không? Các phương tiện giao thông khi lưu thông qua đây có thực sự cảm thấy an toàn khi mà có quá nhiều điểm đấu nối tự phát trên tuyến đường.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Nguyễn Tuấn

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/phap-luat/hiem-hoa-tu-vi-pham-hanh-lang-an-toan-giao-thong-tren-duong-hoa-lac-hoa-binh-20312