Hiếm lời xin lỗi!

Cuối tuần qua, báo chí đăng tin lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) gửi lời xin lỗi tới nhân dân và các doanh nghiệp vận tải sau việc một công chức của cơ quan này bị khởi tố, bắt tạm giam.

Chuyện bắt đầu từ việc một công chức được đơn vị này tăng cường hỗ trợ duyệt cấp thẻ "luồng xanh" cho đơn vị vận tải trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Quá trình duyệt cấp, công chức này đã móc nối, duyệt, cấp trái phép cho hơn 1.000 hồ sơ ôtô và hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng. Hành vi của công chức này, nếu đúng như những gì mà cơ quan chức năng căn cứ để khởi tố, thì đã có dấu hiệu của tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Không ai trong suốt cuộc đời mà không một lần phạm lỗi. Có lẽ vì thế mà đôi khi chỉ cần một lời xin lỗi thì cũng đã nhận được tha thứ. Nhưng phạm tội thì khác, vì phải được xử phạt theo các quy định của pháp luật.

Tổng cục ĐBVN có lỗi hay không mà phải xin lỗi trong trường hợp này? Có quá đi chứ. Ít nhất là ở việc đã để công chức thực hiện hành vi sai trái tại đơn vị mình, gây bức xúc dư luận. Rồi còn là lỗi ở sự sơ hở trong quản lý quy trình cấp phép, ở hậu quả khó đo đếm được từ việc hơn 1.000 ôtô được cấp thẻ "luồng xanh" trái phép… Cho nên, việc lãnh đạo đơn vị này lên tiếng xin lỗi nhân dân và các doanh nghiệp vận tải là điều rất nên làm.

Dĩ nhiên, nếu sòng phẳng và quyết liệt đấu tranh với hành vi sai phạm thì lời xin lỗi này không đồng nghĩa với việc Bộ Giao thông Vận tải (bộ chủ quản của Tổng cục ĐBVN) và cả chính Tổng cục ĐBVN, sẽ bỏ qua các xử lý kỷ luật khác về mặt Đảng, chính quyền đối với những tập thể và cá nhân liên quan.

Có lỗi thì xin lỗi. Rất đơn giản. Vậy sao việc Tổng cục ĐBVN xin lỗi lại nhận được sự quan tâm của dư luận? Bởi lâu nay, chuyện một cơ quan chức năng làm sai rồi chủ động xin lỗi ở nước ta là rất hiếm.

Nói rộng ra thì đó là một nhược điểm trong ứng xử của không ít người Việt chúng ta. Ra đường, lắm người đi sai luật giao thông, gây va chạm với người khác, nhưng cứ phải hung hăng chửi bới cái đã; rồi thay vì một lời xin lỗi là xong thì rốt cuộc có khi sẽ lao vào đoạt mạng nhau, hạ hồi phân giải biết đúng sai thì đã muộn.

Mà không chỉ ở đời thường, trong các mối quan hệ và hoạt động ở các tầm mức lớn hơn cũng rất cần có nhận lỗi và xin lỗi. Chính quyền làm sai cũng cần biết dũng cảm nhận lỗi và xin lỗi nhân dân, xin lỗi cử tri đã tín nhiệm bầu ra mình, từ đó mà khắc phục, sửa chữa. Cơ quan, ban - ngành, đơn vị cũng không ngoại lệ, nếu muốn phục vụ nhân dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Cá nhân hay tập thể cũng vậy, chỉ khi dũng cảm nhận lỗi và biết sẵn sàng xin lỗi thì mới có quyết tâm để khắc phục lỗi.

Lương Duy Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hiem-loi-xin-loi-20210828223902357.htm