Hiểm nguy luôn rình rập, chực chờ những hộ dân sống tại cửa Vàm Lũng

Cửa biển Vàm Lũng, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), là nơi có nguy cơ sạt lở đất cao mỗi khi mùa mưa bão về.

Vậy nhưng, bất chấp nguy hiểm vẫn có nhiều hộ dân đến đây dựng cất chòi lá tạm để ở và mưu sinh bằng việc đóng đáy.

Người dân dựng cất chòi tạm tại các cửa biển

I. Đưa chúng tôi ra cửa Vàm Lũng bằng chiếc vỏ máy, phương tiện di chuyển phổ biến trên sông nước miền Tây, ông Tăng Quốc Đoàn 52 tuổi, ngụ xã Tân Ân nói, con kinh Ngã tư lớn này trước rộng khoảng 20m nhưng nay doãng ra gần 80m.

“Sạt lở kiểu ni, tương lai không xa, đất rừng chẳng còn, thay vào đó là biển mênh mông. Mắm thì cây nào cũng lớn, rễ sum xuê nhưng vẫn không ngăn được những con sóng cứ ngoạm vào đất liền", ông Đoàn nói.

Trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ biển ngày một nghiêm trọng, khiến nhiều nhánh sông đổ ra cửa biển Vàm Lũng đang mất dần, có nơi sạt lở vào sát chân đê, đe dọa đến diện tích đất nuôi trồng thủy sản của người dân.

Theo ông Đoàn, khoảng 3 năm trước từ cửa Vàm Lũng hướng ra biển khoảng 600m vẫn còn rừng. Chính vì nền đất yếu và trũng thấp nên từng con sóng dữ tác động vào khiến chân đê biển không trụ được.

Trên chiếc vỏ máy, chúng tôi cùng ông Đoàn vượt sóng ra khơi (cách đất liền khoảng 600m) để tìm hiểu cảnh đăng bắt của ngư dân. Đến nơi, tôi tận mắt chứng kiến nhiều thanh niên đang thả lưới trên những chiếc vỏ máy nhỏ, mỏng manh rất nguy hiểm. Nếu chẳng may giông bão ập đến thì không biết họ trở tay thế nào.

Nhiều phương tiện thủy ra biển đánh bắt, rất nguy hiểm

Cửa biển Vàm Lũng đang sạt lở rất nghiêm trọng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, nơi đây rất cần được đầu tư tuyến đê biển nhằm ngăn những con sóng dữ đang ngày đêm tàn phá, nuốt chửng đất rừng.

Trưởng BQL rừng Phòng hộ Kiến Vàng Huỳnh Văn Xê cho biết, trên địa bàn xã Tân Ân có rất nhiều cửa biển, như cửa Hóc Năng, Vàm Lũng, Nhà Phiếu, Nhà Diệu... đang trong tình trạng sạt lở cao. Hàng năm, sóng biển cuốn trôi khoảng 100m đất rừng phòng hộ xung yếu.

“Cửa biển Vàm Lũng thiệt hại nặng nề nhất bở song biển. Nguyên nhân do chân đê biển yếu nền đất trũng, thấp nên không chịu được áp lực của sóng biển, sạt lở là điều không tránh khỏi”, ông Xê đánh giá.

Anh Châu Văn Châu, 35 tuổi, xã Tân Ân cũng cho biết: “Trước nhà tôi có tới 3ha đất nuôi trồng thủy sản ở ngọn Con Chồn, nhưng gần đây sóng biển đánh dữ quá, ăn sâu vào đất liền ảnh hưởng đến diện tích đất SX. Nhiều năm nay, gia đình tôi không còn canh tác trên phần đất này nữa”.

Những vỏ lãi ra biển đăng bắt cá kèo

II. Dọc hai bên triền sông cửa Vàm Lũng, những căn chòi lá tạm bợ dựng lên san sát, là nơi trú ngụ của hàng chục hộ dân sống bằng nghề đóng đáy. Vì cuộc sống mưu sinh, họ phải xây dựng nhà ở trái phép trong khu vực rừng phòng hộ và khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản ven biển, cũng là trái phép.

Để có được cái ăn, cái mặc, lo cho con cái đến trường, vợ chồng anh Lâm Văn Thông và chị Lê Thị Loan 42 tuổi, ngụ xã Tân Ân đã cùng 2 người con trai ra đây dựng chòi tạm, hành nghề đăng bắt cá kèo giống.

Trong căn chòi chênh vênh ở cửa Vàm Lũng, sau một ngày mệt nhọc kiếm sống, anh Thông cho biết: “Hằng ngày, tôi cùng hai đứa con ra biển lúc 5 giờ chiều, sau đó thả lưới đến tầm 8 giờ tối rồi neo ở đó đến khoảng 2 giờ sáng thì chạy về chòi ngủ. Chiều hôm sau lại tiếp tục công việc. Cuộc sống mà, đâu cho phép mình nghỉ”.

Sống ở nơi có nguy cơ sạt lở cao, chị Lê Thị Loan (vợ anh Thông) thật thà: “Chúng tôi cũng rất sợ, dẫu biết dựng chòi tạm trong rừng phòng hộ là sai trái nhưng đành chấp nhận để có cái ăn, cái mặc. Miễn sao, gia đình tôi không trộm cắp là được rồi”.

Vì cuộc sống, trẻ em cũng theo cha mẹ ra cửa biển

Ngoài những người đi biển, còn có nhiều trẻ nhỏ theo cha mẹ ra đây sinh sống. Theo chị Loan do người nhà đi hết, lại là dịp hè nên không biết gửi các cháu cho ai, đành cho bọn trẻ đi theo, dù biết là rất nguy hiểm. Được biết, tại cửa biển Vàm Lũng có hàng chục hộ đang xây cất, dựng chòi tạm khai thác thủy sản vào mùa mưa.

Chị Lê Ngọc Giàu 30 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, tâm tình: “Hằng ngày tôi ở nhà giữ con, còn chồng tôi đóng đáy ngoài biển, cuộc sống tạm ổn. Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, do đang nghỉ hè nên không gửi các cháu được. Đây là vụ đầu tiên đến Vàm Lũng, nghe người ta đồn ở đây làm ăn được, dự định hết vụ hai vợ chồng sẽ về lại quê”.

Nguy hiểm luôn rình rập, chực chờ những hộ dân sống tại cửa Vàm Lũng, mưa bão rình rập, nền đất trũng thấp, rất yếu nên có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Tính mạng treo trước ngọn sóng, nhưng vì miếng cơm manh áo, biết làm sao được.

“Bước vào mùa mưa bão, chúng tôi kiên quyết di dời người dân, để đảm bảo tính mạng, tài sản của họ. Việc xây cất chòi, nhà tạm tại cửa Vàm Lũng là sai, thậm chí tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng chặt phá cây, đào bới đất rừng phòng hộ. Để xử lý dứt điểm, phải có phương án di dời, tạo việc làm cho bà con ổn định cuộc sống. Nếu không, sớm muộn họ sẽ quay lại đây”, ông Huỳnh Văn Xê nói.

TRẦN QUỐC KHẢI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hiem-nguy-luon-rinh-rap-chuc-cho-nhung-ho-dan-song-tai-cua-vam-lung-post224639.html