Hiện đại hóa hạ tầng đo đạc bản đồ thời 4.0

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra mắt Mạng lưới các trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET) thu liên tục tín hiệu từ các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GNSS) hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế. VNGEONET đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Không đứng ngoài xu thế của thế giới

Năm 1990, khi đất nước còn đang trong giai đoạn khó khăn, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (tiền thân là Cục Đo đạc và Bản đồ) khi đó đã mua được 3 máy thu tín hiệu vệ tinh sử dụng Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (GPS) và đã bước đầu ứng dụng công nghệ này cho mục đích xây dựng các lưới khống chế đo đạc. Công nghệ này sau đó đã góp phần vô cùng quan trọng trong việc xây dựng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ VN-2000 được Thủ tướng Chính phủ công bố và quyết định đưa vào sử dụng. Đây cũng là công nghệ chủ yếu để xây dựng hơn 14.000 điểm tọa độ quốc gia phủ khắp lãnh thổ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa tham quan Trung tâm xử lý dữ liệu của VNGEONET.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ định vị bằng vệ tinh cũng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều quốc gia đã xây dựng hệ thống trạm định vị vệ tinh của mình và xem đây là hạ tầng không thể thiếu trong phát triển kinh tế, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Mai, Phó cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Không đứng ngoài xu thế của thế giới, tháng 10-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam và giao Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chủ trì thực hiện với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Đến nay, qua gần 5 năm xây dựng, lắp đặt, đào tạo và chuyển giao với công nghệ của Thụy Sĩ, VNGEONET giai đoạn 1 đã hoàn thành gồm 65 trạm tham chiếu hoạt động liên tục (trạm CORS) phủ trùm cả nước và 1 trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội, có khả năng thu nhận và xử lý tín hiệu từ các hệ thống GNSS phổ biến hiện có trên thế giới như GPS (Mỹ), GLONASS (Nga), Galileo (Liên minh châu Âu), Bắc Đẩu (Trung Quốc), QZSS (Nhật Bản), cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực với độ chính xác cao cho người sử dụng.

Công nghệ đo vẽ chính xác đến centimet

Trong số 65 trạm CORS đã xây dựng và đưa vào sử dụng, có 24 trạm Geodetic CORS được thiết kế mốc bê tông khoan sâu đến tầng ổn định (có thể sâu tới 50m-60m) phân bố đều trên phạm vi cả nước, với khoảng cách giữa các trạm từ 150-200km được sử dụng làm khung tham chiếu quốc gia, nghiên cứu, xác định dịch chuyển của vỏ trái đất, cũng như tốc độ trồi, lún của mặt đất với độ chính xác cỡ mm. Từ đó có thể đưa ra những cảnh báo cũng như giải pháp để khắc phục kịp thời đối với các hiện tượng thiên nhiên. 41 trạm NRTK CORS (trạm đo động thời gian thực) còn lại kết hợp với 24 trạm Geodetic CORS cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực với khoảng cách giữa các trạm từ 50-70km, đặt tại các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và ven biển Trung Trung Bộ. Theo ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam), sau khi đi vào vận hành, hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia với khả năng cung cấp dịch vụ đo động thời gian thực độ chính xác từ 2-4cm, chỉ mất vài giây, sẽ dần thay thế các điểm tọa độ quốc gia được xây dựng bằng phương pháp truyền thống, bởi hiện nay rất nhiều điểm đã bị hư hại, bị phá hủy do các hoạt động xây dựng của con người và thiên tai.

Được biết, dữ liệu của các trạm CORS được truyền trực tiếp qua mạng internet về Trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội được xử lý tính toán và đang cung cấp miễn phí cho người sử dụng thông qua sóng 3G, 4G. Các tổ chức, đơn vị tham gia đăng ký sử dụng dịch vụ hiện tại chủ yếu là phục vụ công tác đo đạc, bản đồ, quản lý đất đai. Đến nay, đã có tổng số gần 600 tài khoản được đăng ký với hơn 300 tài khoản hoạt động thường xuyên. Các địa phương hiện đang sử dụng dịch vụ của VNGEONET nhiều nhất bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh...

Ông Phan Ngọc Mai cho rằng, có thể thấy rõ ràng lợi ích từ việc ứng dụng VNGEONET sẽ giảm thời gian đo ngắm, không bị phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết, thời điểm. Với ưu điểm có độ chính xác cao, thời gian định vị nhanh, hệ thống này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đo đạc, thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/2.000 và nhỏ hơn, bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 và nhỏ hơn. Ngoài lĩnh vực đo đạc và bản đồ, công nghệ này còn được ứng dụng hiệu quả trong công tác định vị, dẫn đường, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, quản lý phương tiện, thiết bị, du lịch và là một yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng các thành phố thông minh, vận tải hàng hóa đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong thời gian tới, để tăng cường cung cấp các dịch vụ định vị dẫn đường độ chính xác cao trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng thêm khoảng 70-80 trạm NRTK CORS để phủ trùm toàn quốc. Đồng thời, bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống này.

LÊ HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hien-dai-hoa-ha-tang-do-dac-ban-do-thoi-4-0-635934