Hiện đại hóa ngành khai thác thủy sản

Những năm qua, ngành khai thác thủy sản (KTTS) luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của trung ương và địa phương. Đặc biệt, phát triển KHCN là định hướng trọng tâm để phát triển ngành KTTS bền vững, lâu dài.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và các chuyên gia lắp đặt thử nghiệm đèn led.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và các chuyên gia lắp đặt thử nghiệm đèn led.

Năm 2019, Sở NN&PTNT phê duyệt danh sách 22 tàu cá có chiều dài 24m trở lên lắp thiết bị giám sát hành trình kết nối vệ tinh MOVIMAR. Qua đó, đáp ứng quy định của Luật Thủy sản cũng như khuyến nghị của Cộng đồng châu Âu (EC) nhằm tháo gỡ thẻ vàng đối với KTTS của Việt Nam, cảnh báo tàu vi phạm vùng biển các nước, hỗ trợ tàu khi gặp sự cố. Các tàu KTTS còn được cơ giới hóa; lắp đặt máy dò ngang, dọc phát hiện nguồn thủy sản; định vị tàu thuyền; sử dụng phao trong khoang tàu để bảo quản thủy sản đánh bắt…

Sở cũng giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai nhiều giải pháp công nghệ trong KTTS đến ngư dân. Trong đó, có mô hình thử nghiệm ứng dụng công nghệ đèn led cho tàu khai thác hải sản xa bờ từ năm 2018-2019, bằng nguồn kinh phí khuyến nông, doanh nghiệp và đối ứng của chủ tàu. Đến nay, đơn vị đã lắp đặt công nghệ đèn led cho 4 tàu chài chụp và pha xúc, tổng số gần 580 bóng, trị giá trên 2,1 tỷ đồng. Qua quá trình thử nghiệm, đèn led có những ưu điểm: Thiết kế nhỏ, gọn; hạn chế rung, lắc khi tàu vận hành khai thác và di chuyển, vận hành thuận lợi và an toàn hơn so với đèn siu hiện nay. Đặc biệt, lượng dầu dùng máy phát điện giảm từ 40-60%, tiết kiệm nguồn chi phí lớn cho ngư dân.

Từ những đầu tư này đã tạo điều kiện cho ngư dân chuyển dần từ khai thác manh mún, lạc hậu sang khai thác hiện đại, có trách nhiệm, bền vững. Những phương tiện đánh bắt nhỏ, thủ công dần được thay thế bằng các phương tiện đánh bắt có công suất lớn, trang bị hiện đại; chuyển đổi từ quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu ở vùng biển ven bờ, sang tăng số lượng tàu cá có công suất lớn với trang thiết bị hiện đại, áp dụng KHCN, phương thức khai thác hợp lý ở vùng lộng, vùng khơi. Nhờ vậy, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh tăng liên tục qua các năm. Theo Cục Thống kê Quảng Ninh, sản lượng khai thác tăng từ 53.343 tấn (năm 2013) lên 67.363 tấn (năm 2019).

Tuy vậy, số tàu được đầu tư KHCN chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở tàu vươn khơi, đánh bắt xa bờ. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, làm giảm giá trị sản phẩm khai thác. Đa số lao động phục vụ khai thác hải sản có trình độ thấp, chưa được đào tạo, trang bị các kiến thức về nghề khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, dẫn đến khó chuyển giao KHCN.

Để khắc phục những hạn chế kể trên, cũng như tăng sản lượng khai thác, đảm bảo KTTS bền vững, Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề án phát triển ngành thủy sản, trong đó ứng dụng KHCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tàu của ngư dân Dương Văn Tập (phường Phong Hải, TX Quảng Yên) được đóng mới từ năm 2015 theo Nghị định số 67/NĐ-CP với nhiều trang thiết bị hiện đại.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT, thời gian tới, Sở sẽ triển khai ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới, cải tiến các mẫu tàu, mẫu lưới khai thác hiệu quả của các nước có nghề cá phát triển, phù hợp với điều kiện trong tỉnh. Trong đó, tập trung vào một số công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, như: Du nhập công nghệ dự báo khai thác của Mỹ, Na Uy và một số nước có đặc điểm ngư trường tương tự với nước ta như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Từng bước thay thế vỏ tàu bằng các vật liệu mới, mà vật liệu Composite, kim loại dự báo sẽ được hướng đến trong giai đoạn tới. Dự kiến đến năm 2030 có khoảng 220 tàu vật liệu vỏ thép, tàu vỏ composite, chiếm 37% tổng số tàu cá vùng khơi.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường quản lý, giám sát tàu cá qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình bằng định vị vệ tinh, thiết bị nhận dạng đối với tàu cá. Khuyến khích các tàu cá hoạt động xa bờ lắp đặt các thiết bị điện tử hiện đại, như: Máy dò cá ngang, radar, máy thông tin liên lạc đa chức năng, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, máy nhận dạng tự động AIS đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển... Dự kiến, đến năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 30-35 tàu chụp mực (chiếm 18-21% tàu chụp) được trang bị máy dò ngang; đến 2030 có khoảng 50-60 tàu (chiếm 25-30% tàu chụp) được trang bị.

Dương Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202005/hien-dai-hoa-nganh-khai-thac-thuy-san-2484747/