Hiện đại truyện Kiều, nước mắt Sở Khanh

Đang có những dự án sáng tạo hiện đại Truyện Kiều, nàng Kiều với đủ các yếu tố như kỹ thuật kịch kinh dị, tranh cát, ngôn ngữ hình thể…

“Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước Việt còn” (Phạm Quỳnh). Không hẹn mà gặp, hiện ở sân khấu phía Bắc lẫn phía Nam cùng đang có hai dự án xây dựng tác phẩm Truyện Kiều trên sàn diễn theo con mắt hiện đại.

Kiều theo con giáp thứ 13

Nhà hát Tuổi Trẻ phối hợp với Viện Goethe (Đức) và Sân khấu kịch Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân dựng Truyện Kiều trên sân khấu. Tác phẩm Truyện Kiều này có đến bốn đạo diễn dàn dựng cho bốn phần. Mỗi phần dài 20-25 phút với các kịch bản được viết độc lập và dàn dựng phong cách hoàn toàn khác biệt. Truyện Kiều dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 10, công diễn tại cả Hà Nội và TP.HCM.

Ở TP.HCM, nghệ sĩ Hồng Vân nhận làm một phần của tác phẩm này. Chị cho biết sẽ dựng Kiều theo thể loại nhạc kịch, đồng thời sẽ sử dụng lợi thế làm kịch kinh dị vào Kiều trong những phân cảnh xuất hiện hồn ma Đạm Tiên.

Hồng Vân chia sẻ: “Khi dựng Kiều, tôi muốn đề cập đến vấn đề con giáp thứ 13 theo ngôn ngữ hiện nay, tức sự xuất hiện của người đàn bà thứ ba trong mối quan hệ vợ chồng. Vậy nên tôi chọn dựng đoạn ba nhân vật Hoạn Thư, Thúy Kiều, Thúc Sinh đối mặt với nhau để phân tích ứng xử của ba người trong hôn nhân theo con mắt nhìn của người hôm nay. Ở đó, theo tôi, người đàn ông chính là người cư xử dở tệ nhất. Tôi cũng cho rằng chuyện của Thúy Kiều không phải do trời định mà do nhân định. Vậy nên tôi sẽ nhấn vào Đạm Tiên. Một nhân vật tuy là hồn ma nhưng từng đi qua con đường “sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Đạm Tiên của tôi đã gửi lại Kiều rất nhiều lời khuyên ngăn, dặn dò để Kiều đừng bước chân vào con đường như mình. Bởi lẽ người phụ nữ cần phải mạnh mẽ quyết định lấy cuộc đời mình”.

Tranh cát được sử dụng để dàn dựng trong vở Kiếp hồng nhan của Nhà hát kịch Thế Giời Trẻ. Ảnh: LÊ MI

Tranh cát được sử dụng để dàn dựng trong vở Kiếp hồng nhan của Nhà hát kịch Thế Giời Trẻ. Ảnh: LÊ MI

Kiều hiện đại và Kiều nhìn từ nước Đức

Tại Hà Nội, nghệ sĩ Trần Lực và đạo diễn Như Lai nhận làm hai phần Kiều khác của dự án Truyện Kiều nói trên. Trần Lực gửi gắm vào Kiều quan điểm về bình đẳng giới ở người phụ nữ hiện đại cần được hiểu đúng. Người phụ nữ trước hết phải là chính mình, phải hiểu được sức mạnh và sự bình đẳng của mình nằm ở đâu.

Trần Lực cho biết anh không dựng Kiều theo kiểu cổ trang mà thể hiện bằng hình thức nghệ thuật đương đại. Âm nhạc trong Kiều của Trần Lực cũng sẽ kết hợp giữa âm nhạc tuồng, chèo truyền thống với âm nhạc hiện đại.

Đạo diễn Như Lai hợp tác cùng tác giả Nguyễn Thu Phương chấp bút kịch bản phần Kiều của anh với bốn chủ đề: Định mệnh, tình yêu, thân phận và tự do. Anh dàn dựng Kiều của mình theo hình thức kịch đương đại và kịch đọc. Như Lai khẳng định Kiều của anh thể hiện tính tự quyết của người phụ nữ hiện đại. Bởi trong suốt cuộc đời mình, từ tình yêu với Kim Trọng cho tới bán mình chuộc cha, bỏ trốn theo Sở Khanh, báo ân báo oán cho đến quyết định đi tu, không tái hợp với Kim Trọng đều do Kiều chủ động tự chọn đường đi cho mình.

Đạo diễn thứ tư của dự án Truyện Kiều là đạo diễn người Đức tên Amélie Niermeyer. Bà chia sẻ muốn dựng Kiều qua lăng kính một người phụ nữ hiện đại. Kiều của bà sẽ mặc trang phục hiện đại, bước vào câu chuyện cổ trong cảnh dựng một cô gái hiện đại, trong tiệc sinh nhật mình được tặng một quyển Truyện Kiều, cô mở ra và đi vào thế giới đó. Trong cách nhìn của Amélie, Kiều có số phận giống như rất nhiều người phụ nữ châu Á cho dù trong thời hiện đại.

Kiều và những lần lên sân khấu ấn tượng

Năm 1972, đoàn cải lương Bạch Tuyết - Hùng Cường gây tiếng vang, tạo dấu ấn lớn trong giới cải lương Sài Gòn khi công diễn liên tiếp ba tập kịch bản cải lương Kiều do soạn giả Quy Sắc viết với tập 1 Trăng thề vườn Thúy, tập 2 Má hồng phận bạc, tập 3 Từ Kiều ly hận. Vở diễn được dàn dựng hoành tráng, âm nhạc viết mới lôi cuốn, đặc sắc, kỹ thuật cách tân mới mẻ, hấp dẫn. Vở Kiều này ảnh hưởng đến âm nhạc và dàn dựng của nhiều vở cải lương về sau.

Năm 2007, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dựng vở Kim Vân Kiều kinh phí khủng, có đến tám nàng Kiều, sử dụng cả ca sĩ vào vai Kiều và các nhân vật chính, sử dụng âm nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, vở diễn bị chỉ trích làm bay mất hồn của Truyện Kiều cũng như cải lương, làm mờ tính cách nhân vật, cảnh trí chết, không logic.

Năm 2018, đạo diễn Hàn Quốc Oh Chun đưa Truyện Kiều lên sân khấu bằng hình thức nghệ thuật múa. Kiều qua mắt nhìn của đạo diễn và các nghệ sĩ múa Hàn Quốc mang đậm tính hiện đại…

Nước mắt Sở Khanh

Nhà hát kịch Thế Giới Trẻ của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cũng đang trên sàn tập gấp rút vở Kiếp hồng nhan.

Nhà biên kịch Lê Chí Trung cho biết anh viết Kiều theo phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh, sự kiện dồn dập, áp dụng những kỹ thuật hiện đại như sử dụng tranh cát để dàn dựng…

Lê Chí Trung cũng xây dựng hình ảnh các nhân vật Kiều, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh khác biệt so với cái nhìn truyền thống. Với anh, tình yêu thật sự của đời Kiều không phải là Kim Trọng mà chính là Sở Khanh. Riêng bản thân Sở Khanh thì vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Trước khi lừa Kiều, Sở Khanh đã từng là nạn nhân của Tú Bà, đã từng rơi nước mắt.

HÒA BÌNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/dua-ky-thuat-kich-kinh-di-vao-kieu-851709.html