Hiến kế đảm bảo ANTT tại các trạm thu phí BOT phát sinh phức tạp

Sáng 14-12, Học viện CSND phối hợp với Cục CSTG đường bộ- đường sắt (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo khoa học 'Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các trạm thu phí phát sinh phức tạp'.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướngĐặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh, thời gian qua tình hình ANTT diễn biến tương đối phức tạp tại các trạm BOT trên cả nước. Mặc dù các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch, nhưng tình hình ANTT vẫn diễn biến phức tạp.

Để có cơ sở thực tiễn và khoa học đánh giá khách quan thực trạng tại các trạm BOT, tìm ra giải pháp giải quyết trong thời gian tới, Hội thảo hy vọng các đại biểu hiến kế, tham mưu, đề xuất những giải pháp đảm bảo ANTT, TTATGT ở các trạm BOT đang phát sinh phức tạp.

Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại hội thảo

Theo Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT thì việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng theo hợp đồng BOT là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại một số dự án, việc bố trí các Trạm BOT còn một số bất cập.

Báo cáo của Công an các địa phương trên toàn quốc cho biết, hiện nay có 107 trạm BOT, trong đó có 43/63 địa phương có trạm BOT, có 23 trạm BOT đã xảy ra vụ việc phức tạp về TTATGT và ANTT.

Nguyên nhân gây nên những tình hình phức tạp tại các trạm BOT thời gian qua là do đầu tư xây dựng mới tuyến đường tránh thành phố, thị xã nhưng không đặt trạm BOT trên tuyến đường đó mà lại đặt trên các tuyến quốc lộ chỉ được nâng cấp – sau nút giao với tuyến đường tránh khiến cho nhiều phương tiện không đi qua tuyến đường tránh cũng phải nộp phí như BOT Cai Lậy, BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình, BOT Cầu Bến Thủy. BOT QL3 cũ – Thái Nguyên…

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các trạm BOT đặt quá gần nhau, không đủ khoảng cách 70km theo quy định như có tuyến đường đặt tới 3 trạm BOT như tuyến đường Hà Nội – Nam Định – Thái Bình (khoảng 100km); riêng tuyến QL1A từ Hà Nội vào Sóc Trăng dài 1.949km nhưng đặt tới 31 trạm BOT. Quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện tại một số dự án còn có sai phạm. Người tham gia giao thông phản đối là do mức phí cao và mật độ đặt trạm dày.

Theo Trung tá Đặng Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng 7, Cục CSGT thì những bất hợp lý trên khiến cho người dân và các doanh nghiệp dùng nhiều hình thức khác nhau để đối phản đối. Từ năm 2016 đến nay, ở 19 địa phương có đặt trạm BOT liên tiếp xảy ra tình trạng người tham gia giao thông phản đối, gây phức tạp về ANTT và ùn tắc giao thông nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và Nhà nước về kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, thiệt hại lớn tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã có nhiều giải pháp Tuy nhiên tình hình ANTT tại các Trạm thu phí vẫn diễn ra hết sức phức tạp, thậm chí có xu hướng mở rộng phạm vi ảnh hưởng cả nước. Điển hình là Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang).

Đầu tháng 12-2017 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng thu phí để ổn định tình hình ANTT và giao các cơ quan giải quyết dứt điểm, đảm bảo hoạt động của trạm. Theo ông Nguyễn Văn Nên, Phó Chánh văn phòng UBATGT tỉnh Tiền Giang thì khi phát sinh hiện tượng tài xế sử dụng tiền lẻ, Trạm BOT Cai Lậy không ngừng xả trạm nhiều lần, nhưng tình hình ngày càng diễn biến phức tạp.

Nhiều ý kiến xác đáng được đưa ra tại hội thảo

Với thực trạng như trên, dự báo trong thời gian tới, tình hình ANTT tại các Trạm BOT trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Việc triển khai các giải pháp như xả trạm, giảm mức giá thu phí, miễn thu phí đối với các phương tiện khu vực xung quanh trạm…chỉ là giải pháp tức thời, không giải quyết đứt điểm được tình trạng phức tạp tại các trạm BOT, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn những phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp, người dân và dư luận xã hội.

Chính vì vậy mà tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận tìm ra giải pháp, đặc biệt là kinh nghiệm của những địa phương có các vụ việc phức tạp tại trạm BOT như Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Tiền Giang, Sóc Trăng…

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) thì một số địa phương chưa thấy tính nghiêm trọng của vấn đề kẻ xấu lợi dụng việc này và chỉ coi là nhiệm vụ của ngành GTVT. Đặc biệt, sự việc xảy ra tại Trạm BOT Cai Lậy và một số BOT đã có diễn biến phức tạp nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ông Thạch cũng hiến kế: "Nếu không được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở địa phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất ANTT. Chính quyền địa phương cần phải vào cuộc ngay từ khi chủ đầu tư bắt đầu triển khai dự án, giải quyết ngay những phát sinh liên quan tới giải phóng mặt bằng ở những đường gom của dự án BOT, tránh gây bức xúc, mâu thuẫn trong nhân dân".

Thượng tá Trần Đình Khương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An hiến kế những giải pháp đảm bảo ANTT tại Trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Ông Thạch cũng cho biết, hiện có 7 trạm BOT xây dựng các tuyến đường hiện hữu có xảy ra hiện tượng sử dụng tiền lẻ. Bộ GTVT chủ trương rà soát điều chỉnh vị trí của một số trạm BOT, nhất là các trạm đang xảy ra phức tạp, tổ chức giao thông khoa học, cắm biển phân luồng, phân làn hợp lý.

“Mỗi trạm có cần có biện pháp xử lý riêng. Như ở BOT tuyến tránh Đông Hưng (Thái Bình), hiện đang thu phí cả cầu Tân Đệ và tuyến tránh Đông Hưng, sẽ bỏ trạm thu phí cầu Tân Đệ, đàm phán với chủ đầu tư chỉ thu phí tuyến tránh Đông Hưng. Nghiên cứu giảm giá đối với phương tiện của người dân sống ở quanh trạm thu phí khoảng cách 3km để giảm bớt sự mất công bằng của hình thức thu phí” – ông Thạch nhấn mạnh.

Thiếu tướng Trần Quốc Trung đưa ra giải pháp, công tác điều tra cơ bản là cực kỳ quan trọng, làm tốt công tác này để chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến TTATGT tại các trạm thu phí trên địa bàn, dự báo các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Cần chủ động phương án, lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng với chủ đầu tư BOT, các đơn vị quản lý BOT để sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống phức tạp tại các trạm BOT. Đối với phương án xử lý các tình huống phức tạp xảy ra, không để kéo dài, tạo thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ tiếp tục nắm, quản lý các đối tượng chủ phương tiện.

Nhiều ý kiến đều cho rằng, đề nghị Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT tổ chức rà soát lại các vị trí đặt các trạm thu phí BOT trên toàn quốc mà người dân phản ánh đặt không đúng vị trí để có phương án xử lý, giải quyết phù hợp, không để xảy ra tình hình phức tạp về ANTT, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Các địa phương, chủ đầu tư tính toán miễn giảm mức phí phù hợp với khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư dự án.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/hien-ke-dam-bao-antt-tai-cac-tram-thu-phi-bot-phat-sinh-phuc-tap-524663/