Hiến máu - bình dị mà nhân ái!

Những ngày gần đây, tình trạng thiếu nhóm máu O lại trở nên trầm trọng. Sự sống của hàng nghìn bệnh nhân vốn đã khó lường, càng trở nên mong manh, bởi có những thời điểm, lượng máu chỉ đủ dự trữ cho điều trị trong 1 đến 3 ngày. Đọc những thông tin ấy, tôi quyết định lên đường đi hiến máu.

Rất nhiều người bệnh đang cần cần máu để duy trì sự sống

Nhóm máu O đặc biệt

Xem ảnh các bác sĩ trực tiếp hiến máu cứu người, tôi thắc mắc: “Sao người có máu O nhiều nhất mà lại khan hiếm nhóm máu này đến mức nhiều bệnh nhân có nguy cơ không thể phẫu thuật, tiếp máu được?”. Tìm đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hóa ra câu trả lời rất đơn giản, là bởi nhu cầu máu O trong y học luôn nhiều nhất.

“Nhóm máu O là nhóm máu phổ biến nhất. Nhóm máu O không có kháng nguyên A cũng không có kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, nhưng lại có cả hai kháng thể A và B trong huyết tương. Kết quả là, những người có nhóm máu O chỉ có thể nhận truyền máu từ những người có cùng nhóm máu O, vì các kháng thể trong huyết tương của nó sẽ tấn công các loại khác. Tuy nhiên, những người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác, vì nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên thù địch trong hệ thống miễn dịch. Chính vì thế, những người mang nhóm máu O được gọi là “nhà tài trợ toàn cầu”. Đọc đoạn trích dẫn này, tôi mới biết nhóm máu O đặc biệt đến thế!

Nhóm cựu học sinh trường THPT Hà Nội (1991-1994) cùng những người bạn có nhóm máu O tham gia hiến máu

Quy trình chặt chẽ, muốn nhanh cũng không được

Tôi đã từng hiến máu 3-4 lần. Khi nhân viên tiếp nhận hồ sơ nhập số chứng minh nhân dân của tôi vào hệ thống, dữ liệu hiển thị lần hiến máu gần nhất của tôi hóa ra cũng từ năm 2011. Tôi đề nghị được hiến máu nhanh vì có việc đang chờ, nhưng không được.

Thủ tục để được hiến máu rất chặt chẽ và thời điểm đó khá đông người đến hiến máu. Mọi người đều kiên nhẫn cầm tờ khai kèm chứng minh nhân dân chờ đến lượt. Các y, bác sĩ tham gia hiến máu cũng phải tuân thủ quy trình như thế. Một số cán bộ y tế của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xếp hàng được một lúc, thấy đông lại bảo nhau về khoa để làm việc, lựa lúc ít người hiến máu sẽ trở lại.

Tôi nghĩ, sự sáng tạo, chân thành, thuận tiện… có thể khiến việc hiến máu sẽ khác đi nhiều. Bởi đơn giản, khi đã hiểu đúng và thoải mái, ai có sức khỏe phù hợp sẽ tham gia hiến máu. Hiến máu xong vẫn làm việc bình thường, vừa khỏe hơn, lại thấy vui vì mình đã làm một việc có ý nghĩa.

Tôi đoán, 3/5 số người đến là hiến máu tình nguyện, 1/5 là hiến để cấp cứu cho người thân đang điều trị. 1/5 là hiến máu chuyên nghiệp, còn gọi là hiến máu có nhận tiền bồi dưỡng. “Bán máu” là một “nghề” có thật. Nhưng để trở thành người hiến máu chuyên nghiệp cũng đâu dễ dàng. Muốn bán được máu, người đó phải khỏe mạnh, không bệnh tật, không sử dụng ma túy, không HIV hoặc sống buông thả có nguy cơ HIV...

Tôi nghĩ, nếu càng có nhiều người “bán máu” chuyên nghiệp thì tình trạng thiếu máu cho điều trị càng giảm. Miễn sao làm chặt chẽ khâu kiểm soát và sàng lọc máu. Hiện tại tiền bồi dưỡng cho người hiến máu khá thấp, thế nên việc kiếm chút tiền từ “bán máu” cũng là tình thế, chứ không ai “sống được bằng nghề bán máu” cả.

Tác giả bài viết tham gia hiến máu ngày 23-8-2018

Khâu tổ chức cần thêm sự sáng tạo, chân thành, thuận tiện

Mỗi năm, một người được hiến máu tối đa 4 lần. Hiến máu tình nguyện thì ngoài giấy chứng nhận, 1 món quà tặng thú bông, 1 logo hoặc móc chìa khóa cổ động hiến máu, còn có 50.000 đồng tiền mặt gọi là hỗ trợ đi lại. Hầu hết những người hiến máu tình nguyện, sau khi nghỉ ngơi, uống hộp sữa, ăn chút bánh ngọt... đều cho số tiền ấy vào thùng quyên góp liền đó. Nếu nhận tiền bồi dưỡng, thì ngoài các thứ trên, hiến 250ml máu được 100.000 đồng, 350ml được 150.000 đồng, hiến 450ml được 180.000 đồng. Số tiền quá nhỏ và không ai có thể sống bằng “nghề bán máu”. Vì thế, đừng dè bỉu những người nhận bồi dưỡng khi hiến máu.

Vì nhiều lý do, mỗi năm thường có 2-3 thời điểm khan hiếm máu trầm trọng, đe dọa việc điều trị cho bệnh nhân. Mỗi khi như vậy lại có các hoạt động kêu gọi hiến máu, với các khẩu hiệu rất kêu, kiểu như: “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Điều này không sai, nhưng ngoài những khẩu hiệu tuyên truyền ấy, tôi nghĩ nên có những điều chỉnh thiết thực hơn.

Ví như thiết kế địa điểm kiểu như “Cà phê hiến máu” để mọi người có thể đến tìm hiểu, hiến máu và cổ vũ hiến máu. Nếu chưa làm được như thế, thì quan tâm đến những việc hỗ trợ đơn giản, hiệu quả như nơi gửi xe máy, ô tô, khâu đón tiếp, hướng dẫn khai thông tin. Cũng chỉ nên sử dụng một mẫu tờ khai, để người hiến máu có thể đánh dấu vào ô “Hiến máu thiện nguyện” hoặc “Hiến máu có nhận tiền bồi dưỡng”. Như vậy đỡ khiến cho người hiến máu cảm thấy ngại ngùng vì sự phân biệt.

Tôi nghĩ, sự sáng tạo, chân thành, thuận tiện… có thể khiến việc hiến máu sẽ khác đi nhiều. Bởi đơn giản, khi đã hiểu đúng và thoải mái, ai có sức khỏe phù hợp sẽ tham gia hiến máu. Hiến máu xong vẫn làm việc bình thường, vừa khỏe hơn, lại thấy vui vì mình đã làm một việc có ý nghĩa.

Hà Văn Kiệm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/hien-mau-binh-di-ma-nhan-ai/779623.antd