Hiến mô tạng cứu người: Cách gieo nhân cao quý

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Chủ tịch Quỹ Đạo phật ngày nay, hiện nay, nhiều người cho rằng hiến mô, tạng sau khi chết thì kiếp sau khi tái sinh, người đó sẽ có cơ thể không toàn vẹn, bị tàn tật.... Tuy nhiên, đó là những quan niệm sai lầm. Bởi Đức Phật dạy, gieo nhân cao quý thì sẽ hưởng được quả cao quý. Người hiến mô, tạng mang lại sự sống và hạnh phúc cho người hữu duyên nên sẽ gặt hái quả phước tướng và có hạnh phúc ở kiếp sau.

Sự mê tín đang làm trở ngại lòng hảo tâm

Lãnh đạo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, theo số liệu mới nhất, tại Việt Nam có 18.010 người đăng ký hiến mô, tạng với Bộ Y tế, trong số đó có khoảng 2.000 người đăng ký hiến tại chùa Giác Ngộ theo lời kêu gọi của Quỹ Đạo Phật ngày nay. Dù đáng được trân trọng, nhưng đó là con số quá khiêm tốn so với khoảng 93 triệu dân của Việt Nam.

Bởi, nguồn mô tạng được hiến còn quá giới hạn, trong khi nhu cầu thay thế cao. Vẫn còn khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận, 1.500 bệnh nhân suy gan cần được ghép gan thay thế, hơn 300 ngàn người bị bệnh lý giác mạc cần thay thế giác mạc…Điều này dẫn tới tình trạng đau lòng là mỗi ngày chúng ta vẫn phải chứng kiến trong vô vọng nhiều người qua đời do thiếu nguồn tạng thay thế.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết, hiện người dân hiện vẫn chưa hiểu nhiều về vấn đề hiến mô tạng và xác cho y học.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người còn ngại ngần khi đăng ký hiến tạng là do khó có thể thuyết phục được sự đồng tình từ người thân trong gia đình. Chia sẻ với Phóng viên, chị Nguyễn Thị Tám (56 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, gia đình chị vẫn còn chưa hiểu nhiều về việc hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học. Bản thân chị Tám muốn đăng ký hiến nhưng chưa biết làm cách nào để thuyết phục được mọi người trong gia đình.

Hay chị Lê Thị Oanh (Hà Nội), hiện cũng đã tự nguyện đăng ký hiến các bộ phận cơ thể như: Giác mạc, thận, gan… nếu không may gặp rủi ro bị chết, chết não. Tuy nhiên, đó là chị tự đăng ký chứ chưa được sự đồng ý của người thân. Chị Oanh lo lắng, sau này khi chị qua đời, nếu người thân không đồng ý, không chủ động gọi điện cho bệnh viện để họ thực hiện các biện pháp liên quan đến hiến mô, tạng thì việc “tự nguyện đăng ký” này cũng không có kết quả.

Đặc biệt, nhiều người Việt Nam vẫn luôn tâm niệm “chết toàn thây”, nên phản đối người trong gia đình hiến tạng. Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết: Nền văn hóa tâm linh Việt Nam có cái nhìn cấm kỵ về việc xâm phạm vào thi hài của người quá cố. Hiện nay, sự mê tín này đang làm trở ngại lòng hảo tâm của nhiều người. Người mê tín dị đoan cho rằng hiến mô tạng sau khi chết thì kiếp sau khi tái sinh, người đó sẽ có cơ thể không toàn vẹn, sẽ bị tàn tật trong kiếp tương lai…Tuy nhiên, đó là những quan niệm sai lầm. Bởi lẽ: “Không có cái chết nào với các hình thức thổ táng, hỏa táng, hoặc điểu táng mà thi thể có thể toàn thây đúng nghĩa. Sự toàn thây sau khi chết chỉ là tạm thời thôi. Thân thể sau khi chết phải trở về cát bụi, không thể vĩnh hằng được”, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.

Nhiều phật tử đăng ký hiến tạng ngay trong khóa tu tại Chùa Pháp Vân – Hà Nội.

Theo Phật giáo, cái chết không phải là dấu chấm hết cuối cùng của cuộc đời. Chỉ trong vòng tích tắc sau khi chết thì sự sống sẽ được tái sinh trong bào thai của người mẹ mới. Thân, tướng của cô/cậu bé tái sinh đó sẽ lệ thuộc vào gen di truyền của cha/mẹ mới chứ không lệ thuộc vào thi thể sau khi chết. Do đó, những người quan tâm đến hạnh phúc của các bệnh nhân hiểm nghèo nên hiến mô tạng (bố thí nội tài) làm phúc cứu người. Một người khỏe mạnh khi hiến mô, tạng có thể cứu sống 6 – 12 mạng người, nên theo luật nhân quả, cơ thể người hiến mô, tạng ở kiếp sau phải có phước, tướng, khỏe mạnh, sống thọ và hạnh phúc hơn.

“Ngoài ra, còn những người không dám hiến mô tạng vì cho rằng sau khi chết, tâm thức chưa rời khỏi cơ thể, tồn tại trong thi thể khoảng 8 tiếng đồng hồ; bất kỳ ai đụng vào thi thể sẽ tạo ra cảm giác đau nhức tiếc nuối sự sống, khởi lên tâm sân hận, vì vậy mà bị tái sinh vào những cảnh giới xấu. Đây là quan niệm mê tín 100%, thiếu khoa học và trái hoàn toàn với những lời dạy của Đức Phật trong Kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa”, Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích.

Lan tỏa hành động đẹp về hiến mô, tạng

Nói về những khó khăn, rào cản đối với những người có tâm nguyện hiến mô, tạng cho y học, PGS.TS Ngọc Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y cho biết: “Đã có những trường hợp, khi cá nhân một người đồng ý hiến mô, tạng, xác cho y học nhưng sau khi người ấy quađời, người thân trong gia đình đã không đồng ý để cho bác sĩ tiến hành. Trong quá trình làm việc, có những ca, bản thân tôi đã phải gọi đi gọi lại đến 37 cuộc điện thoại mới có thể có được sự thỏa hiệp của gia đình. Cũng có những trường hợp hiến xác, sau khi bộ phận kỹ thuật đã tiến hành đầy đủ các trình tự để bảo quản thì người nhà lại đến đòi về nên bệnh viện đành phải trả lại”.

Tương tự, theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: “Người dân hiện vẫn chưa hiểu nhiều về vấn đề hiến mô tạng và xác. Có trường hợp, dù bệnh nhân đã chuẩn bị lên bàn chờ ghép, ekip làm việc vất vả, tốn kém, thế nhưng chỉ một người thân vào bảo: “Tôi không đồng ý” là mọi việc khép lại. Chúng tôi đành ngậm ngùi, buồn tiếc thôi. Phải làm sao để gia đình người hiến tạng hiểu, đồng ý thì vẫn là chuyện không đơn giản".

Bởi vậy, theo lãnh đạo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nay làm sao để lan tỏa việc hiến mô, tạng đến với cộng đồng là điều mà mỗi cán bộ trong Trung tâm đang trăn trở. May mắn vừa qua câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, rồi Thiếu tá quân đội Lê Hải Ninh (ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) hiến tạng ghép cho 6 người, đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.

Những hành động, nghĩa cử cao đẹp đó đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều người trong việc đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. “Đặc biệt, câu chuyện bé Nguyễn Hải An hiến giác mạc đã khiến nhiều người từng có ý định đăng ký hiến mô, tạng đi đến quyết định dứt khoát. Số người đăng ký hiến mô, tạng tăng cao so với ngày thường, cho thấy giá trị nhân văn từ hành động của bé Nguyễn Hải An được lan tỏa rộng rãi”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Ðiều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, ngay sau câu chuyện của bé Nguyễn Hải An, sau đó 1 tháng có khoảng 1.300 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não. Có rất nhiều trường hợp đặc biệt như một người mẹ trẻ bế con mới 5 tháng tuổi từ Nam Ðịnh bắt xe lên Trung tâm để đăng ký; một nhà sư ở Huế đang học tập tại Thái Lan về quê có việc gia đình, đã qua Trung tâm đăng ký trước khi tiếp tục bay vào Huế; nhiều phóng viên, biên tập viên của một số cơ quan báo chí cũng đã đăng ký hiến mô, tạng... Mẹ cháu Hải An cũng đã đến đăng ký ngay sau khi lo xong đám tang cho con.

Như vậy, để tiếp tục tăng nguồn hiến mô, tạng, giúp nhiều người bệnh được cứu sống, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Quan trọng nhất giai đoạn hiện nay là cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, làm sao để mỗi người nhận thức được rằng, nếu ai đó quyết định hiến tặng mô, tạng khi không may qua đời, họ sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Khi một người mất đi với ý định hiến tặng mô, tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương của mọi người. Câu chuyện hiến tạng của bé Nguyễn Hải An hay Thiếu tá Lê Hải Ninh sẽ là tấm gương để nhiều người học tập.

Nguyễn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hien-mo-tang-cuu-nguoi-cach-gieo-nhan-cao-quy-87349.html