Hiến mô, tạng là hành động thiết thực để cứu sống những người bệnh hiểm nghèo

Tiếp nối thông điệp từ bi, trí tuệ được đức Phật trao truyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật tử và đồng bào hãy chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng đầy ý nghĩa và cao cả này...

Đây là nhấn mạnh của Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi" diễn ra ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) mà Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin trước đó.

Nhiều chùa, tự viện đã thành lập ban vận động hiến mô, tạng

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt nhiều năm qua đã luôn đồng hành cùng với các cơ quan, tổ chức trong việc vận động hiến mô, tạng cứu người.

Giáo hội đã vận động, tuyên truyền sâu rộng trong Tăng Ni, Phật tử, và các cơ sở chùa, tự viện Phật giáo trên khắp cả nước.

Nhiều chùa, tự viện đã thành lập ban vận động hiến mô, tạng cứu giúp cho người bệnh, tiêu biểu như chùa Giác Ngộ TPHCM và Thượng tọa Thích Nhật Từ đã tiên phong trong công tác vận động hiến mô, tạng, hiến xác cứu người, đã có gần 10.000 người tham gia hiến mô, tạng, hiến xác góp phần cứu sống hàng trăm bệnh nhân hiểm nghèo;

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: Hiến mô, tạng cứu người là hành động cao cả của một Bồ Tát hiện ở đời thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật. Đồng thời cũng thể hiện nghĩa cử cao thượng trong văn hóa đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: Hiến mô, tạng cứu người là hành động cao cả của một Bồ Tát hiện ở đời thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật. Đồng thời cũng thể hiện nghĩa cử cao thượng trong văn hóa đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Các chùa tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong các bài thuyết giảng để nâng cao nhận thức của đồng bào Phật tử và Nhân dân về ý nghĩa nhân văn to lớn của việc hiến mô, tạng cứu người.

"Hiến mô, tạng cứu người là hành động cao cả của một Bồ Tát hiện ở đời thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật. Đồng thời cũng thể hiện nghĩa cử cao thượng trong văn hóa đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Mỗi mô, tạng, mỗi bộ phận cơ thể được hiến tặng sẽ mang lại nguồn sống quý giá, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch được cứu sống. Đây là một quyết định cho đi đầy trí tuệ, một nghĩa cử hành động mang đậm giá trị nhân đạo, thể hiện sự sẻ chia, yêu thương và lòng vị tha của mỗi con người"- Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật tử, và đồng bào chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng

Trong phát biểu tại chương trình, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh: Tiếp nối thông điệp từ bi, trí tuệ được đức Phật trao truyền, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật tử, và đồng bào hãy chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận người đầy ý nghĩa và cao cả này.

"Hiến mô, tạng là hành động thiết thực để thể hiện tình yêu thương nhân loại, sự sẻ chia, và lòng vị tha của mỗi chúng ta"- Thượng tọa Thích Đức Thiện nói, đồng thời bày tỏ: Thực tế hiện nay còn tồn tại trong xã hội một số quan niệm chưa đúng về việc hiến tặng mô, tạng, bộ phận người sau khi qua đời. Họ cho rằng hiến tặng mô, tạng sẽ ảnh hưởng đến "thần khí", "phúc phần" của người đó và gia đình.

"Nhưng xét về bản chất thì chính người hiến mô, tạng sẽ được hưởng phước báo, được hưởng quả lành từ hành động cao thượng của sự cho đi đó và những người ở lại cũng sẽ được hưởng phước báo cộng nghiệp thiện lành"- Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.

Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện từ quan niệm chưa đúng đó mà ở Việt Nam việc hiến mô, tạng hiện nay còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người hiến mô, tạng tại Việt Nam chỉ đạt 04 người/triệu dân, trong khi con số này ở các nước phát triển lên tới 40-50 người/triệu dân.

Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ tin tưởng, cuộc vận động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi" do Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người chung tay trong sự nghiệp cứu người sẽ làm thay đổi căn bản trong nhận thức của xã hội về việc hiến tặng mô, tạng, bộ phận người để cứu sống các bệnh nhân.

Mỗi một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 08 -10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội...

Mỗi một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 08 -10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội...

Đồng thời, các cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hiến mô, tạng, bộ phận người sẽ được tiến hành để việc hiến tặng sẽ dễ dàng, an toàn, hiệu quả; các cơ sở y tế sẽ được tăng cường nguồn lực, nhân sự y, bác sĩ, các nhà chuyên môn, trang thiết bị để việc tiếp nhận, bảo quản, cho tặng, thực hiện ghép mô, tạng cứu chữa cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, và người hiến tặng được bảo đảm.

"Giáo hội Phật giáo Việt Nam cam kết sẽ tích cực phối hợp với Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; và các cơ quan chức năng để tổ chức tốt, có hiệu quả các hoạt động vận động, tuyên truyền cho Tăng Ni, cộng đồng Phật tử, và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tặng mô, tạng, bộ phận người góp phần cứu sống những bệnh nhân hiểm nghèo"- Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hien-mo-tang-la-hanh-dong-thiet-thuc-de-cuu-song-nhung-nguoi-benh-hiem-ngheo-169240520094513785.htm