Hiến mô, tạng là phúc ấm mà người được nhận vô cùng cảm kích

'Mọi người có tư tưởng sợ hiến nội tạng, tôi nghĩ rằng tất cả đều chịu theo sự vô thường của biến đổi, nhất là sau khi chết. Nếu có chôn thì cũng bị phân hủy, nhưng nếu ta biết cho đi kịp thời thì có thể cứu được nhiều người', thầy Thích Đạo Việt, chùa Đại Bi, huyện Ứng Hòa, Hà Nội chia sẻ.

Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm về cái chết “toàn thây” nên ngần ngại trong việc hiến mô, tạng vì sợ “đụng chạm”. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ nhà Phật thì điều này thực sự là việc tốt vì bố thí “nội tài”-thứ ở trong cơ thể mình để đem lại sự sống cho người khác, là việc làm với tâm vô ngã vị tha cao cả nhất. Vì thế, tại buổi lễ “Hiến máu cứu người-Hành Bồ tát đạo” do Học viện Phật giáo phối hợp tổ chức mới đây đã có rất nhiều tăng ni sinh tham gia hiến máu và đăng ký hiến mô, tạng của mình.

Chia sẻ về ý nghĩa cao cả của việc hiến mô, tạng, thầy Thích Đạo Việt, chùa Đại Bi, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho biết: “Xét về tinh thần phật giáo thì con người ta sau khi chết mọi sự đều phải tan ra hết. Sau khi ta chết nếu phải chôn dưới đất, mồ mả thì sau một thời gian rất ngắn tất cả mọi thứ đều theo sự biến hoại, trở về tự tính của nó là sự tan rã.

Thầy Thích Đạo Việt: Cái gì mình không sản sinh được mà mình dám cho đi thì đấy là cái cần trân trọng trong cộng đồng xã hội. Ảnh: V.H

Thầy Thích Đạo Việt: Cái gì mình không sản sinh được mà mình dám cho đi thì đấy là cái cần trân trọng trong cộng đồng xã hội. Ảnh: V.H

Trong trường hợp nếu vô tình một người nào đó chết do tai nạn nghề nghiệp hoặc do sự gì đó nhưng với sự phát tâm mãnh liệt người mong muốn để lại giá trị tốt đẹp cho mọi người trong cộng đồng xã hội sau khi chết. Sự phát tâm như thế này là phương tiện rất thù thắng để cho những người kém may mắn có cơ hội để sống tốt và cũng có phương tiện để sống tốt hơn trong cuộc sống”.

“Với công việc hiến mô tạng như thế này tôi nghĩ đó là công việc rất thiết thực, nó còn tốt hơn máu. Bởi vì những cơ quan nội tạng chúng ta không thể sản sinh được nữa thì đó là sự bố thí còn cao hơn cả hiến máu. Cái gì mình không sản sinh được mà mình dám cho đi thì đấy là cái cần trân trọng”, thầy Thích Đạo Việt bày tỏ.

Thầy Thích Đạo Việt gửi gắm thông điệp: “Tôi thấy đây là nghĩa cử đẹp, tôi mong muốn mọi người nếu như có nhìn nhận lệch lạc hoặc sai lầm về hiến mô tạng, nhân việc này mong mọi người có hiểu biết đúng đắn hơn nữa, có sự phát tâm thiết thực và phát động phong trào này sâu rộng hơn nữa để lan tỏa trong cuộc sống cộng đồng. Trong cuộc sống có nhiều trường hợp nhờ đăng ký hiến mô tạng nên khi chết bất đắc kỳ tử họ đã cứu được rất nhiều người. Tuy họ không mong muốn được trả ơn nhưng đó là phúc ấm mà người được nhận vô cùng cảm kích.

Bản thân thầy Thích Đạo Việt cũng tham gia hiến máu đồng thời với đăng ký hiến mô, tạng. Không chỉ hiểu tường tận về ý nghĩa của máu đối với sức khỏe mà thầy còn lý giải về mối liên quan với tinh thần sau khi hiến máu: Hiến máu sinh ra năng lượng mới, cho người khác được thì tự trong tâm mình hoan hỉ. Từ cái tâm hoan hỉ thì cơ thể theo sự vui vẻ đó làm sự đổi mới trong cơ thể. Cứ thế sau mỗi lần mình cảm thấy mình được sống lại thêm một lần, được làm mới lại mình một lần nữa. Đấy là niềm vui. Thầy mong muốn thông qua chương trình này không những giới tu sỹ mà mọi người trong cộng đồng phát tâm hơn nữa để tạo ra phong trào phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa.

Tham gia hiến máu và đăng ký hiến mô, tạng, thầy Vũ Thị Thúy, chùa Hưng Khánh, xã Đông Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bày tỏ: Hiến mô tạng và hiến máu rất ý nghĩ và hữu ích, thầy rất hoan hỉ, vui vẻ vì đó là nghĩa cử cao đẹp-nhất là với tu sỹ các thầy; là sự chia sẻ tình đạo tình đời gắn bó yêu thương với nhau.

“Thầy vui khi có những đoàn tình nguyện hiến máu đến giúp các thầy đạt được mong muốn, ý nguyện của mình. Mong sao tất cả mọi người đều có cái tâm đạo, tâm Bồ Đề để cứu người, giúp người. Thầy mong những ý nghĩa hiến tặng có thể mạng đến cho bệnh nhân máu, nội tạng để giúp mọi người có cuộc sống an vui hạnh phúc”, thầy Vũ Thị Thúy hoan hỉ.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Học viện Phật giáo Việt Nam sau khi hiến máu đã đăng ký hiến mô tạng lý giải: Với khoa học và đạo đức thế gian, hiến máu không những không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp, cứu người là một hành động thiêng liêng đáng quý hơn mọi hành động. Với phật tử, việc hiến máu và mô, tạng là đại thuận duyên để thể hiện lòng từ bi, hàm chứa cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha, giúp phật tử trưởng dưỡng Bồ đề tâm trên lộ trình giác ngộ-giải thoát.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hien-mo-tang-la-phuc-am-ma-nguoi-duoc-nhan-vo-cung-cam-kich-159394.html