Hiến pháp năm 1946 – Mang ý chí chung của dân tộc

Cách đây 76 năm, ngày 9 tháng 11 năm 1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam, được Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I thông qua.

Ngày 9 tháng 11 với ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc đó đã được Đảng, Nhà nước lựa chọn là "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam".

Hiến pháp 1946 là dấu mốc lịch sử, là một chiến thắng pháp lý vang dội của nhà nước non trẻ; là kết tinh ý chí của dân tộc. Đồng thời là nền tảng pháp lý xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân – Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Sau khi đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

“Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới dân tộc Việt Nam đã có mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang quyền với đàn ông để hưởng chung một quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa cấp dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết công bình của các giai cấp”.

Tháng 11/1945, Bản dự thảo Hiến pháp được công bố cho toàn dân thảo luận và được ý kiến tham gia đóng góp của hàng triệu người Việt Nam

Ngày 02/03/1946, Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ Nhất đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngày 09/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự nhất trí của 240/242 đại biểu dự họp.

Và đây chính là bản hiến pháp đầu tiên khẳng định nền độc lập, khẳng định ý chí của toàn dân tộc Việt Nam

PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: "Hiến pháp này đã góp phần vào bảo vệ vững chắc nền độc lập và đồng thời mở ra hướng phát triển đất nước trong tương lai xây dựng xã hội tốt đẹp, dân chủ phồn vinh do đó nó phải kết tinh ý chí của toàn dân. ý chí của toàn dân đã được thể hiện tại cách mạng tháng 8 vùng dậy để giành độc lập. Nhưng nó cũng thể hiện ngay trong bầu cử quốc hội mùng 6 tháng giêng. Đó là ý chí của toàn dân. Tôi nói không có một cuộc cách mạng nào trên thế giới lại làm được cuộc bầu cử chỉ sau mấy tháng mà thực sự dân chủ"

Hiếp pháp 1946 đã toát lên hình thái của nhà nước pháp quyền, nhà nước do dân, vì dân. Đặc biệt quyền con người cũng được đề cao trong hiến pháp này.

Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ, Nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó chánh án TAND Tối cao: "Hiến pháp năm 1946 thể hiện tương đối rõ, khá rõ tư tưởng pháp quyên của chủ tịch Hồ Chí minh. Trong đó có nội dung rõ ràng đó là quyền con người, bảo vệ quyền con người."

PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:"Hiến pháp 46 đã nêu rất rõ tất cả mọi quyền bính đều thuộc về nhân dân đấy là nguyên tắc bất di, bất dịch. Thực thi quyền tự do dân chủ rất rộng rãi và căn bản. Thí dụ như là tất cả mọi người đều được tham gia bầu cử nếu từ 18 tuổi trở lên và tham gia ứng cử từ 18 tuổi trở lên. Quyền về chính trị là như thế không phân biệt giai cấp, giầu nghèo, giới tính, phụ nữ cũng được đi bầu cử."

TS TRẦN VĂN DUY, Chuyên gia pháp lý: "Tư tưởng về quyền con người quyền công dân được hình thành từ hiến pháp năm 1946 và được thể hiện xuyên suốt nhưng mà ta chưa có ghi nhận và tuyên bố bằng hiến định rõ ràng, bằng hiến pháp thì chúng ta chỉ nói rằng quyền công dân thôi."

Hiến pháp năm 1946 đã mở đầu cho chiều dài dòng lịch sử lập hiến. Sau bản hiến pháp này, Việt Nam còn có 04 bản Hiến pháp. Tư tưởng về quyền con người cũng dần được hình thành qua các bản hiến pháp. Nhưng phải đến Hiến pháp 1992 quyền con người mới được ghi rõ trong hiến định. Và đến hiến pháp năm 2013 từ 1 điều luật của Hiến pháp 1992 nâng lên thành 1 chương đó là chương quyền con người và quyền công dân.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hien-phap-nam-1946-mang-y-chi-chung-cua-dan-toc