Hiện thực hóa cơ hội từ EVFTA nhờ phát triển kỹ năng nguồn nhân lực

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động Việt Nam nhưng để gặt hái được những cơ hội này đòi hỏi nhiều kỹ năng khác bên cạnh chuyên môn.

Với việc xóa bỏ đến 99% thuế quan xuất khẩu, EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội cạnh tranh về giá cả hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.

Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, đồ gỗ và thủy sản.

Tuy nhiên, hiệp định này có thể sẽ đặt các doanh nghiệp trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường châu Âu.

Tại hội thảo “EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với ManpowerGroup tổ chức, các chuyên gia cho rằng, những cơ hội mà EVFTA mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam rất lớn với điều kiện các nhà tuyển dụng phải có được lực lượng lao động phù hợp để khai thác được tất cả các cơ hội này.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các cơ hội đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những điều chỉnh trong chiến lược phát triển nhân lực hiện nay.

Ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông đánh giá thách thức tại thời điểm hiện nay là về kỹ năng và sự phát triển kỹ năng trong bối cảnh Việt Nam đang sở hữu lực lượng lao động trẻ và dồi dào.

Người lao động trẻ hiện cũng quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp, tính linh động của công việc bên cạnh mức lương.

Người lao động trẻ hiện cũng quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp, tính linh động của công việc bên cạnh mức lương.

“Nói về cơ hội trong EVFTA, tôi cho rằng mọi người đều đồng ý sẽ có rất nhiều cơ hội để lực lượng lao động phát triển, nhiều công việc hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra tại đây là họ đã có được kỹ năng phù hợp hay chưa?”, ông Simon Matthews băn khoăn tại hội thảo.

Theo ông, khả năng ngôn ngữ rất quan trọng và người lao động phải phát triển khả năng tiếng Anh, kỹ năng mềm và cả kỹ năng chuyên môn.

Về phía doanh nghiệp, bài toán được đặt ra là thu hút và giữ chân nhân tài.

Để giữ chân nhân tài, ông Simon Matthews cho rằng, doanh nghiệp cần có chương trình phát triển sự nghiệp cho nhân viên.

Trong nghiên cứu “Sự nghiệp của thế hệ Y – tầm nhìn 2020”, ManpowerGroup đã khẳng định rằng, mức lương cao không phải là tất cả. Người lao động cũng quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp, tính linh động của công việc.

Thậm chí những người trẻ càng quan tâm đến những công việc bán thời gian hơn các công việc toàn thời gian.

Trong trường hợp không có được nhân lực có kỹ năng chuyên môn cần thiết, doanh nghiệp cần phương pháp mở rộng nguồn nhân lực, tìm đến các nguồn ngoài tổ chức.

EVFTA được xem là hiệp định thương mại thế hệ mới khi nội dung bao gồm việc bảo vệ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một chương trình với các cam kết tái khẳng định việc tôn trọng, thúc đẩy hiệu quả 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), bao gồm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, chấm dứt lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em và xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động.

Những cam kết này yêu cầu chính phủ Việt Nam xem xét các chính sách và pháp luật lao động cũng như các thông lệ lao động tại doanh nghiệp, từ đó tiếp tục thực hiện các điều chỉnh thích hợp.

Điều này mở ra đồng thời các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong khi phải thay đổi để thực hiện các cam kết. Tuy nhiên, cũng bằng việc thực hiện các cam kết này, Việt Nam có cơ hội để phát triển thị trường lao động bền vững, hài hòa, mang lại lợi ích đồng thời cho cả người lao động và doanh nghiệp trong lâu dài.

Hoàng Thùy

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hien-thuc-hoa-co-hoi-tu-evfta-nho-phat-trien-ky-nang-nguon-nhan-luc-1568738717639.htm