Hiện thực hóa giấc mơ 'hack não': [Bài 3] Cuộc đua gay cấn

Neuralink không phải là công ty đầu tiên khám phá các giao diện não - máy. Nhiều công ty khác, kể cả quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu trong lĩnh vực này.

 Cuộc chạy đua "hack não" đang nóng lên từng ngày, từng giờ. Ảnh minh họa: Alamy Stock.

Cuộc chạy đua "hack não" đang nóng lên từng ngày, từng giờ. Ảnh minh họa: Alamy Stock.

Thêm vào đó, một số tổ chức khoa học cũng tập trung nghiên cứu cấy ghép não để có thể chuyển suy nghĩ của người bị liệt thành lời nói.

Đại học Brown với hệ thống BrainGate

Như The Verge giải thích, thành công ban đầu trong lĩnh vực này - không tập trung vào lời nói mà tập trung vào chuyển động - bắt nguồn từ năm 2006.

Người đầu tiên bị liệt tủy sống được cấy ghép não cho phép điều khiển con trỏ máy tính là Matthew Nagle.

Vào năm 2006, sau cuộc phẫu thuật, Nagle có khả năng chơi Pong chỉ bằng trí óc. "Tôi chỉ mất 4 ngày để thành thạo những chuyển động cơ bản", Nagle nói với The New York Times.

Kể từ đó, những người bị liệt được cấy ghép não cũng đã đưa các vật thể vào tiêu điểm và di chuyển các cánh tay robot trong phòng thí nghiệm, như một phần của nghiên cứu khoa học.

Hệ thống mà Nagle và những người khác đã sử dụng được gọi là BrainGate và được phát triển ban đầu tại Đại học Brown.

BrainGate dựa trên Utah Arra, một hệ thống gồm hàng loạt các kim cứng cho phép tạo ra tới 128 kênh điện cực, con số ít hơn rất nhiều so với Neuralink đang hứa hẹn (nghĩa là ít dữ liệu hơn từ não được thu nhận).

Ngoài ra, kim loại BrainGate sử dụng còn cứng hơn các luồng (thread) của Neuralink. Đó là một vấn đề về lâu dài: não di chuyển trong hộp sọ nhưng các kim của mảng thì không, dẫn đến tổn thương.

Công ty Kernel

Kernel, một công ty khởi nghiệp do Bryan Johnson, đồng sáng lập Braintree, cũng đang cố gắng nâng cao khả năng hoạt động của bộ não.

Số vốn ban đầu Johnson, doanh nhân đã bán Braintree cho PayPal với giá khoảng 800 triệu USD vào năm 2013, đóng góp cho Kernel khoảng 100 triệu USD.

Công ty và đội ngũ các nhà khoa học thần kinh, kỹ sư phần mềm đang nỗ lực để đảo ngược tác động của các bệnh thoái hóa thần kinh và cuối cùng là làm cho bộ não của nhân loại nhanh hơn, thông minh hơn.

Johnson nói với The Verge trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi biết nếu đặt một con chip vào não và phát ra tín hiệu điện, chúng tôi có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson. Điều này đã được thực hiện đối với chứng đau tủy sống, béo phì, biếng ăn…”

Johnson cho biết mục tiêu của Kernel là “hoạt động với não bộ giống như cách chúng ta làm việc với các hệ thống phức tạp khác như sinh học và di truyền học”.

Lầu Năm Góc

Trong thập kỷ qua, Lầu Năm Góc đã tài trợ cho nghiên cứu cả về khoa học não cơ bản và phát triển các hệ thống điều khiển robot cho phép não điều khiển thiết bị chi giả.

Các nhà nghiên cứu, với sự tài trợ của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA), đã có thể tạo ra các hệ thống cho phép cơ quan tứ giác điều khiển cánh tay robot một cách độc lập. Họ đạt được thành công bước đầu khi cánh tay robot có thể thực hiện các nhiệm vụ thủ công như uống rượu.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn tài trợ cho nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm các phương pháp tiếp cận sử dụng ánh sáng thay vì điện cực nhúng để thu thập dữ liệu.

6 con đường dẫn đến tương lai phi phẫu thuật của giao diện não - máy

Các nhóm được chọn cho chương trình Công nghệ thần kinh không phẫu thuật thế hệ tiếp theo (N.3) của DARPA sẽ cố gắng phát triển hệ thống có thể đeo được nhằm giao tiếp với não.

DARPA đã trao tài trợ cho 6 tổ chức, được công bố lần đầu tiên vào tháng 3/2018.

Cụ thể các tổ chức được chọn là: Viện Tưởng niệm Battelle, Đại học Carnegie Mellon, Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins, Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto (PARC), Đại học Rice và Teledyne Scientific.

Các hệ thống có thể đeo này tập trung vào khả năng đáp ứng trong lĩnh vực an ninh quốc gia, ví dụ: kiểm soát các hệ thống phòng thủ mạng đang hoạt động và hàng loạt phương tiện bay không người lái, hoặc hợp tác với các hệ thống máy tính để thực hiện đa nhiệm vụ.

“DARPA đang chuẩn bị cho một tương lai, trong đó sự kết hợp của các hệ thống không người lái, trí tuệ nhân tạo và hoạt động mạng có thể gây ra xung đột trên các mốc thời gian quá ngắn để con người có thể quản lý hiệu quả chỉ với công nghệ hiện tại”, Al Emondi, người quản lý chương trình N.3 cho biết.

“Bằng cách tạo ra một giao diện não-máy dễ tiếp cận hơn mà không cần phải phẫu thuật để sử dụng, DARPA có thể cung cấp các công cụ cho phép lãnh đạo chỉ huy tác chiến những hoạt động diễn ra với tốc độ nhanh chóng”, ông bổ sung.

Những nhóm tham gia chương trình N.3 đang nghiên cứu một loạt các phương pháp sử dụng quang học, âm học và điện từ học để ghi lại hoạt động thần kinh và/hoặc gửi tín hiệu trở lại não với tốc độ, độ phân giải cao.

Hai hướng nghiên cứu chính được tập trung là hoàn toàn không xâm lấn (hoàn toàn bên ngoài cơ thể) hoặc xâm lấn nhỏ (bao gồm các đầu dò nano có thể được đưa tạm thời lên não nhằm cải thiện độ phân giải tín hiệu).

Hương Lan

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-hack-nao-bai-3-cuoc-dua-gay-can-d273183.html