Hiện thực hóa khát vọng phục dựng điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long và của Việt Nam. Sau nhiều năm rục rịch, Hà Nội đã và đang khẩn trương, tích cực phục dựng điện Kính Thiên để phát huy hơn nữa giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long.

Khôi phục không gian chính điện Kính Thiên

20 năm Hoàng thành Thăng Long được khai quật, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này càng rõ ràng. Một trong những kết quả nổi bật là việc các nhà khoa học ta đã xác định được cấu trúc không gian chính điện Kính Thiên và có được những hiểu biết khá cơ bản ban đầu về kiến trúc của nó.

Không gian điện Kính Thiên. Ảnh: Lại Tấn.

Không gian điện Kính Thiên. Ảnh: Lại Tấn.

Nếu 10 năm trước, Việt Nam còn lần dò chưa rõ không gian điện Kính Thiên thời nào sẽ là quan trọng; thì tại Hội thảo 20 năm bảo tồn phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vừa qua, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Không gian điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long trên các phương diện quy hoạch kinh đô, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quốc gia quan trọng nhất của đất nước, nơi đề ra các quyết sách dựng nước, giữ nước thành công của các cấp lãnh đạo cao nhất trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Không gian này được cấu trúc bởi 3 thành phần kiến trúc cơ bản gồm: Chính điện Kính Thiên, sân Đan Trì (sân Đại Triều) và Đoan Môn. Điều này đã được minh chứng qua các ghi chép của lịch sử, thư tịch cổ.

TS Hà Văn Cẩn - Viện Khảo cổ học cho biết: Nghiên cứu khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua đã thu được những kết quả to lớn, giúp hiểu rõ được khoảng 35% diện mạo không gian chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên. Nếu tiếp tục khai quật và nghiên cứu, thời gian tới có thể nắm bắt được 35% kết cấu không gian này. Còn 30% giới nghiên cứu sẽ khai thác tư liệu lịch sử, tư liệu nghiên cứu so sánh với các cố đô của Việt Nam hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để có thể tiến tới phục dựng chính điện Kính Thiên hoành tráng, lộng lẫy, tính xác thực cao.

Mặc dù vậy, PGS.TS Bùi Minh Trí chỉ rõ vấn đề khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên hiện nay là sự hạn chế tư liệu về diện mạo, quy mô, hình thái nền móng, tức là phần dưới của công trình, bởi khảo cổ chưa khai quật khu vực nền điện Kính Thiên. Vấn đề tiếp theo và cũng là vấn đề then chốt, quan trọng nhất, đó là cần phải có những đầu tư nghiên cứu thật chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp về các loại vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện thời Lê Sơ dựa trên những phát hiện khảo cổ học để từng bước giải mã về tính chất, chức năng, tên gọi của các loại cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp công trình.

Phát huy giá trị bền vững di sản

Vị trí của tòa chính điện thành Thăng Long tính đến nay đã trải qua hơn 1.000 năm, song hầu như không có sự thay đổi. Ngay cả vào thời Nguyễn, kinh đô chuyển về Huế, thì điện Kính Thiên vẫn được duy trì như một hành cung khi vua tuần du ra Bắc.

Quang cảnh bên ngoài điện Kính Thiên. Ảnh: Lại Tấn.

“Như các nhà khảo cổ học đã nói, với tốc độ khai quật như hiện nay thì phải trăm năm nữa chúng ta mới khảo cổ xong Hoàng thành. Do đó, tôi đề nghị không nên chờ đào hết mới khôi phục mà cần dựa trên những kết quả mới thu được để tiến hành ngay” – GS.TS Nguyễn Quang Ngọc Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm đó, TS Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội) cho rằng nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên là công việc hết sức cấp thiết có ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc không chỉ đối với Thăng Long-Hà Nội mà còn với cả nước. Để đẩy nhanh quá trình phục dựng, TS Nguyễn Văn Sơn cho rằng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật.

Trước hết cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản. Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều kích nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3-5 năm thì trong vòng 10 năm tới có hy vọng để phục dựng điện Kính Thiên.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất xây dựng một “trung tâm thông tin-công nghệ” về di sản với hình thức một bảo tàng cung đình.

Mục tiêu của bảo tàng không chỉ giới thiệu các cổ vật, di vật có giá trị mỹ thuật cao mà phải tái hiện được diện mạo kiến trúc của Cung đình Thăng Long qua các giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, phần trưng bày của bảo tàng nay phải phản ánh được các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với cung đình xưa mang tính bác học hay còn gọi là văn hóa Cung đình Thăng Long.

Trước ý kiến của các nhà nghiên cứu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi, khẳng định việc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên sẽ là định hướng quản lý khu di sản trong giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030-2045. Có rất nhiều bí ẩn tại Hoàng thành Thăng Long cần phải giải mã, rất cần sự chung tay của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân cũng như chính quyền thành phố Hà Nội. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là trả lại một không gian của kinh đô xưa mà còn nâng tầm của di sản văn hóa đặc biệt này, xứng với những giá trị đã và đang ẩn trong những tầng đất đá.

Điện Kính Thiên được khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần... Do đó, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV-XVIII).

Năm 1816, vua Gia Long đã cho dỡ điện Kính Thiên với lí do “kiến trúc đã bị mục nát không thể tu bổ được” và cho dựng một tòa điện mới gọi là chính điện Hành cung, năm 1841 vua Tự Đức đổi thành điện Long Thiên. Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-phuc-dung-dien-kinh-thien.html