HIỆN THỰC HÓA NGHỊ QUYẾT – TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ TP. HCM PHÁT TRIỂN NGANG TẦM CÁC ĐÔ THỊ LỚN TRÊN THẾ GIỚI

Từ ngày 1/8/2023 tới đây, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh sẽ chính thức có hiệu lực thi hành với 44 cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội. Nghị quyết là động lực, cơ sở quan trọng để Tp. Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới vào năm 2045.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Với tỷ lệ 97,3% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Nghị quyết nhận được sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội trong phiên biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.

44 cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội

Tại Nghị quyết đã quy định rõ 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh được áp dụng.

Theo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao Ủy ban nhân dân Thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. Hội đồng nhân dân Thành phố quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ. Thành phố cũng được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật...

Cho phép Tp. HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Thành phố cũng được hưởng nhiều cơ chế về tài chính, ngân sách Nhà nước. Trong đó, đáng chú ý, ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.

Căn cứ dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Đặc biệt, thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Đồng thời, thành phố cũng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, theo Nghị quyết của Quốc hội, danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược bao gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Về tổ chức bộ máy của thành phố, Nghị quyết nêu rõ: Hội đồng nhân dân Thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

Sớm hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống

Nhất trí với các nhóm chính sách tại Nghị quyết, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt để TP. Hồ Chí Minh thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, …

Theo đại biểu tỉnh Đắk Nông, khi có Nghị quyết mới, TP. Hồ Chí Minh sẽ huy động tối đa, biến tiềm năng thành khả năng, tạo đột phá mới để phát triển, làm động lực cho các địa phương trong vùng cũng như cả nước. Đại biểu bày tỏ tin tưởng việc ban hành Nghị quyết mới sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh phát huy tiềm năng lợi thế mà các địa phương khác không có. Chính quyền và nhân dân Thành phố sẽ nhanh chóng thực hiện các lợi thế để đưa Nghị quyết mới đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra để "hòn ngọc viễn đông" luôn và mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới, ngày càng rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn.

Dành nhiều kỳ vọng về Nghị quyết lần này đối với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng, việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách cho TP. Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa với Thành phố mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu cho các đô thị khác trong cả nước.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, Tp. Hồ Chí Minh có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng. Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều rất mong muốn, kỳ vọng Thành phố sẽ ngày càng phát triển, thực sự là đô thị hạt nhân, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của toàn vùng và của cả nước.

Để triển khai đầy đủ, hiệu quả Nghị quyết, bên cạnh các điều, khoản quy định cụ thể, áp dụng trực tiếp được ngay, đại biểu cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan cần khẩn trương ban hành quy định chi tiết để triển khai.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm cao, Nghị quyết sẽ tạo đột phá lớn đối với TP.Hồ Chí Minh, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để TP. Hồ Chí Minh phát triển vượt bậc,….

Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký chứng thực ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì cuộc làm việc theo hình thức trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP. Hồ Chí Minh triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 - thể hiện quyết tâm sớm hiện thực hóa Nghị quyết của Quốc hội để Nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trên thực tiễn./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77801