Hiện thực hóa việc bán tín chỉ carbon từ rừng

QĐDN- Nguồn lợi kinh tế từ rừng không chỉ ở các sản phẩm lâm sản, phi lâm sản (nguồn nước, dịch vụ du lịch) mà gần đây thêm khả năng có nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) về lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon từ rừng.

Phóng viên (PV): Tín chỉ carbon được hiểu như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Quốc Trị: Tín chỉ carbon là một thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với một tấn CO2 (tCO2e). Trên thị trường, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ.

 Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trị.

PV: Vừa qua, Quỹ Carbon/Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa Chương trình giảm phát thải vùng Trung Bộ Việt Nam vào danh mục và ủy thác cho WB đàm phán cụ thể thỏa thuận tài trợ với Việt Nam theo cơ chế chi trả dựa trên kết quả. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc này?

TS Nguyễn Quốc Trị: Tháng 6-2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Giám đốc WB tại Việt Nam đã ký Ý định thư (LOI), theo đó WB đặt mua 10,3 triệu tấn giảm phát thải (carbon-CO2) do Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ tạo ra. Chi tiết về việc chi trả được nêu trong hợp đồng chi trả giảm phát thải (ERPA) do hai bên ký kết.

Tại hội nghị các nước thành viên Quỹ Carbon lần thứ 17, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn đã bảo vệ văn kiện chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, được hội nghị đánh giá cao về chất lượng văn kiện chương trình và ra nghị quyết thông qua, đưa vào danh mục đầu tư của quỹ.

Trong bối cảnh nguồn kinh phí của Quỹ Carbon có hạn, lựa chọn đề xuất của các quốc gia để đưa vào danh mục đầu tư của quỹ được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh thì Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là một trong 8 nước trên thế giới (tính đến thời điểm này) được Quỹ Carbon thông qua văn kiện chương trình là một kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của Bộ NN&PTNT, các tỉnh và các bên liên quan.

Nếu chúng ta thực hiện tốt thì theo tính toán, tới năm 2025, chương trình sẽ mang lại 24,6 triệu tấn giảm phát thải sau khi đã trừ 25% dự phòng. Trong đó, 10,3 triệu tấn chuyển nhượng cho WB theo ERPA, phần có lại có thể bán cho các đối tác khác. Đây chính là giá trị gia tăng của rừng không chỉ là đơn thuần về lợi ích kinh tế mà hơn nữa còn được ghi nhận là đóng góp của quốc gia đối với ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.

Rừng cây keo lai tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh: DIỆP ANH

PV: Chủ rừng sẽ được hưởng lợi ích như thế nào đối với rừng được cấp tín chỉ carbon, thưa ông?

TS Nguyễn Quốc Trị: Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý và bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Thời điểm hiện tại, giá tạm tính là 5 USD/tấn CO2. Nếu chủ rừng có diện tích hàng nghìn héc-ta thì lợi ích từ việc giao dịch tín chỉ carbon là không nhỏ.

PV: Thưa ông, ngoài rừng đã nằm trong Chương trình giảm phát thải vùng Trung Bộ, thời gian tới, rừng ở khu vực nào của Việt Nam sẽ được đề xuất để đưa vào danh mục đàm phán? Và chúng ta sẽ có giải pháp nào để gia tăng diện tích rừng được cấp tín chỉ carbon?

TS Nguyễn Quốc Trị: Theo lộ trình, Quỹ Carbon sẽ đóng quỹ vào năm 2025 và mỗi quốc gia chỉ được đề xuất và chọn một chương trình đưa vào danh sách đầu tư của quỹ. Như vậy, chúng ta không thể có thêm chương trình cho các vùng khác do Quỹ Carbon đầu tư. Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ là chương trình đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo tiếp cận chi trả dựa vào kết quả ở quy mô cấp vùng. Vì vậy, kinh nghiệm từ quá trình xây dựng văn kiện đến ký hợp đồng, thực hiện và thanh toán chi trả chắc chắn sẽ mang lại những kinh nghiệm thực tế, bổ ích để chúng ta xây dựng các chương trình giảm phát thải cấp vùng hoặc thậm chí là cấp tỉnh với các đối tác khác; qua đó đẩy mạnh công tác giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hien-thuc-hoa-viec-ban-tin-chi-carbon-tu-rung-539878